Thứ Tư, 03/09/2014 13:46

Đường vào chuỗi sản xuất ô tô thế giới

Giữa tháng 7-2014, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mục tiêu chính yếu của chiến lược này là đến năm 2026, ngành sản xuất ô tô trong nước phát triển vững chắc và trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp ô tô thế giới có tên Việt Nam.

Làm mới chiến lược

Những người xây dựng chiến lược lần này tiếp tục trao cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được trao một sứ mệnh phải trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, xe sản xuất tại Việt Nam có thể tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.

Trên thực tế, tháng 3-2002, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được xây dựng và phê duyệt bằng Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg. Ở chiến lược lần đó, những mục tiêu cụ thể đã được đưa ra nhưng hầu như không có mục tiêu nào đạt kết quả cho đến năm 2010 và đó cũng là lý do phải xây dựng một chiến lược thay thế.

Trong chiến lược năm 2002, những người soạn thảo chủ yếu muốn hướng đến một nền công nghiệp ô tô trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Theo đó, mục tiêu ngắn hạn là làm sao để ngành công nghiệp phụ trợ giải quyết từ 20-50% trong giá trị chung của chiếc xe, tùy từng chủng loại. Tuy nhiên, trên thực tế đến nay chưa có sự thừa nhận nào của các nhà sản xuất ô tô thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô

Việt Nam (VAMA) là có dùng linh kiện nội địa ở tỷ lệ nhất định trong việc lắp ráp và sản xuất xe của họ. Lãnh đạo các hãng xe, trong những lần trao đổi với báo giới về chuyện này, cho biết là có một ít tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm nhưng không chỉ rõ đó là bộ phận nào trong cấu thành chung của một chiếc xe.

10 tỉ đô từ linh kiện xuất khẩu

Quay trở lại chiến lược lần này, những mục tiêu cụ thể hơn đã được đưa ra. Có thể thấy đó là số lượng xe được sản xuất trong nước ở từng giai đoạn, ví dụ như đến năm 2020, sẽ có khoảng 460.000 chiếc xe ra lò, gấp hơn 4 lần hiện nay. Đến năm 2035, sẽ có hơn 1,5 triệu xe được sản xuất và lắp ráp trong nước mỗi năm.

Ở ngành công nghiệp phụ trợ, chiến lược chỉ ra rõ là phấn đấu đến năm 2020, 30% cấu thành xe là do Việt Nam sản xuất (thấp hơn mục tiêu mà chiến lược năm 2002 đề ra). Tầm nhìn đến năm 2035, ngành công nghiệp phụ trợ sẽ mang về cho Việt Nam 10 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu. Khi đó, chuỗi sản xuất ô tô thế giới sẽ có tên Việt Nam.

Bình luận về chiến lược này, ở cương vị là Chủ tịch VAMA, ông Metelo Jesus Arias nói rằng đây là một bước đi tích cực với định hướng đúng đắn. Tuy vậy, người đại diện hiệp hội ô tô lớn nhất Việt Nam nói bản kế hoạch (chiến lược) này chưa có các chi tiết cụ thể để hướng dẫn làm sao đạt được những mục tiêu và kỳ vọng đặt ra. “Chúng tôi rất sẵn lòng hợp tác với các bộ ngành liên quan để soạn thảo những chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy các mục tiêu của chiến lược này”, ông khẳng định.

Về khả năng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ô tô, ông Metelo Jesus Arias cho rằng các nhà cung ứng nội địa có khả năng cung ứng giá trị trong chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, do quy mô thị trường tại Việt Nam hiện còn nhỏ, các nhà sản xuất chưa đủ quy mô kinh tế để có thể cạnh tranh về chi phí. Ngành ô tô tại Việt Nam cần phải phát triển hơn nữa, và cần có giải pháp giảm chi phí sản xuất để các nhà cung ứng nội địa có thể cạnh tranh và phát triển.

Trong khi đó, theo ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi tại Việt Nam, với mức độ nhập khẩu ngày càng tăng từ ASEAN, chính sách công nghiệp ô tô không nên tăng thêm các điều kiện để các công ty sản xuất phụ tùng có thể thâm nhập thị trường và mở rộng số lượng hiện đang khá hạn chế ở Việt Nam. Liệu những đơn vị sản xuất phụ tùng trong nước có muốn tập trung tại một khu vực như đề nghị là điều cần phải xem xét.

“Để phát triển ngành công nghiệp ô tô, Chính phủ phải có quy hoạch cơ sở hạ tầng, các quy định về việc bảo vệ môi trường để đáp ứng nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng cao của thị trường. Việc ban hành các loại thuế hoặc phí đường bộ, phí đậu xe,... là khá cần thiết để hỗ trợ việc quản lý lưu thông”, ông Genet nói.

Ông Genet cũng chia sẻ những thông tin mà ông có được liên quan đến việc các hãng xe đang đầu tư vào các nước ASEAN. Cụ thể, tính từ tháng 4-013 đến nay, 630 triệu đô la Mỹ đã được tập đoàn Great Wall đầu tư vào Malaysia để đến năm 2018 có thể sản xuất 100.000 xe xuất khẩu trong khu vực; 103 triệu đô la Mỹ của Chery Automobile cũng được rót vào Philippines để cho ra đời 20.000 xe mỗi năm vào năm 2017; 200 triệu đô la Mỹ từ Daihatsu vào Malaysia để sản xuất ra 140.000 xe hàng năm 2016...“Thời gian trở nên gấp rút hơn rồi!”, ông cảnh báo.

Xe sang - đủ mặt anh tài

Sau một năm thăm dò thị trường, hạ tuần tháng 7 năm nay thương hiệu Infiniti đến từ Nhật Bản đã mang hai mẫu xe đến đặt tại “cứ điểm” đầu tiên ở TPHCM. Cũng trong tháng này, những chiếc xe đầu tiên mang thương hiệu Jaguar đến từ nước Anh cũng đã về Việt Nam.

Infiniti là thương hiệu cao cấp của Nissan, hãng xe này chào thị trường Việt Nam bằng hai mẫu xe QX80 và QX70, có giá lần lượt là 4,5 tỉ đồng và 3,1 tỉ đồng. Có thể xem đây là bước đi có tính toán rất bài bản của Infiniti khi quyết định đưa vào hai mẫu xe thuộc phân khúc SUV và Crossover vì ở các dòng xe sang phân khúc sedan, những tên tuổi như Mercedes, BMW, Audi và cả Lexus, Land Rover đang “phủ sóng”.

Hôm ra mắt phòng trưng bày và bán hàng tại quận 3, TPHCM, ông Dane Fisher, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Infiniti, tự tin cho rằng hai mẫu xe này sẽ thu hút được khách hàng Việt Nam.

Với Jaguar, thương hiệu xe này về Việt Nam qua Công ty cổ phần Ô tô Anh Quốc (UK Auto), một công ty đã có nhiều kinh nghiệm và khá thành công với Land Rover ở Việt Nam.

Nhu cầu ô tô hạng sang ở Việt Nam đang có dấu hiệu được kích hoạt. Báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014, Mercedes Benz Việt Nam (MBV) nói rằng họ đã đạt thành tích tốt nhất trong 19 năm có mặt tại Việt Nam, với mức tiêu thụ 1.100 xe. Trong tháng 7 vừa qua, MBV tiếp tục bán được tới 224 chiếc và chiếm thị phần 65% trong phân khúc xe sang.

Với Lexus, con số xe bán ra luôn là “điều bí ẩn”, nhưng sau khi khai trương trung tâm bán hàng đầu tiên vào những ngày cuối cùng năm ngoái tại TPHCM, Lexus đã hé lộ sẽ mở thêm trung tâm thứ hai tại Hà Nội.

Một tên tuổi lớn khác trong nhóm xe sang là Audi cũng có những hoạt động riêng. Trong sáu tháng đầu năm 2014, Audi Việt Nam đã nhập khẩu nhiều hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2014 là năm thứ 6 liên tiếp Audi Việt Nam có sự tăng trưởng. Ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam, nhận định “thị trường xe sang vốn đã cạnh tranh thì nay lại càng trở nên cạnh tranh hơn nữa”.


Nam Hưng

tbktsg

Các tin tức khác

>   6 đặc điểm “nhận dạng” doanh nghiệp Việt (04/09/2014)

>   Gần 40% thức ăn chăn nuôi nhập khẩu từ Trung Quốc (03/09/2014)

>   PMI sản xuất tháng 8 về sát mốc 50 sau 4 tháng giảm tốc liên tiếp (03/09/2014)

>   Tiếp tục đơn giản thủ tục xuất nhập khẩu (03/09/2014)

>   Dầu ăn thị trường kém mỡ màng (03/09/2014)

>   Hiệp định TPP: “Lợi ích thì xa, thách thức thì gần!” (03/09/2014)

>   Việt Nam giao thương với Nhật khác TQ như thế nào? (03/09/2014)

>   Thị trường dịch vụ Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản (02/09/2014)

>   Nhập khẩu thủy sản tăng vọt (02/09/2014)

>   Thêm nhiều DN thủy sản được phép xuất khẩu vào Nga (02/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật