Thứ Tư, 03/09/2014 09:14

Hiệp định TPP: “Lợi ích thì xa, thách thức thì gần!”

Phần lớn các DN XK dệt may của VN đều hiểu rằng, khi Hiệp định TPP được ký kết, các nước tham gia hiệp định sẽ dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu (hầu hết bằng 0%). Tuy nhiên, ít ai đặt câu hỏi liệu “sức khỏe” của các DNVN thế nào khi tham gia TPP, liệu có đủ năng lực để tiếp nhận các lợi ích từ TPP?

Thực tế là DNVN đang yếu hơn DN của các đối tác TPP không chỉ là vấn đề về vốn, công nghệ, nhân lực… mà ngay chính từ các chính sách, cơ chế nội tại trong nước như: lao động, tỉ giá, giá thuê đất… đang là những “thách thức gần” khiến DNVN chưa chắc đã đủ năng lực để tiếp nhận các ưu đãi từ TPP.

Năng suất lao động quá thấp

Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế ILO, năng suất lao động bình quân chung tại VN chỉ bằng 30% của Malaisia và bằng 40% của Thái Lan. Thống kê của Công đoàn ngành dệt may cho thấy, thu nhập của công nhân may năm 2013 bình quân cả nước đạt khoảng 3,2 triệu đồng/ người/ tháng. Nếu trừ các khoản bảo hiểm, ăn ca, công đoàn phí … hàng tháng người công nhân ở nhiều khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội chỉ thu về chưa được 2,5 triệu đồng/tháng.

Điều đáng nói, mức lương thấp không phải do chủ DN đã bóc lột người lao động, mà do năng suất lao động còn quá thấp. Thực tế, đã có nhiều DN đóng cửa, chuyển sản xuất sang Myanmar, Campuchia… Số khác phải vận động người lao động làm thêm giờ (tăng hơn so với luật cho phép) để tồn tại DN và cải thiện thu nhập cho người lao động. Có những DN phải làm thêm bình quân 2 giờ/ngày nhưng đổi lại mức tiền lương của người lao động đã được trên 5 triệu đồng/ người/tháng.

Trong nhiều hội nghị bàn về năng suất Lao động, về mức tăng lương tối thiểu hàng năm, các hiệp hội dệt may, da giầy… đều kiến nghị cần sửa đổi ngay Bộ luật lao động về thời gian làm thêm giờ được phép tăng lên là 60 giờ/ tháng (như Nhật Bản) để thời gian làm thêm giờ có thể bù cho năng suất lao động đang còn qúa thấp, bù cho những chi phí liên tục tăng và cải thiện thu nhập cho người lao động.

Việc sửa luật kịp thời cũng nhằm giúp DN tăng khả năng cạnh tranh, để tồn tại và phát triển, để DN không trở thành đơn vị vi phạm Bộ luật lao động. Trong nhiều năm qua khách hàng đã căn cứ Bộ luật lao động của VN (quy định về thời gian làm thêm giờ quá ít) để loại nhiều DN vi phạm ra khỏi danh sách những đơn vị được phép làm hàng XK cho những thương hiệu lớn trên thế giới, đẩy họ vào nguy cơ bị đóng cửa nhà máy.

Tỷ giá ngoại tệ “neo” quá lâu

Thử nhìn lại 3 năm qua, do tình hình lạm phát cao (2011 – 2013 trên 32%) nhưng tỷ giá ngoại tệ vẫn bị “neo” lại đã làm cho dịch vụ và hàng hóa XK của VN trở lên “đắt đỏ” hơn các nước khác trong khu vực. Các hàng hóa dịch vụ trong nước đều tăng gía, tiền lương liên tục tăng. Điều đáng nói là giá hàng XK vẫn… giữ nguyên, thậm chí còn bị giảm. Nếu nhà nước lấy cơ chế thị trường để điều tiết tỷ giá theo mức độ lạm phát hàng năm, nhiều DN XK đã có thể trụ vững. Người nông dân sản xuất nông sản, hải sản XK sẽ đỡ khó khăn hơn vì cũng được hưởng lợi một phần khi tỷ giá đồng nội tệ/USD tăng. Việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ tăng so với USD (từ bài học kinh nghiệm đầu năm 2011) không những làm tăng kim ngạch XK, mà còn góp phần làm giảm kim ngạch nhập khẩu và kích thích sản xuất trong nước thay thế cho nhập khẩu, đồng thời cũng tăng thu ngân sách.

Trong khi nhìn ra các nước khác trong khu vực, hiện nay đều duy trì chính sách “đồng nội tệ yếu” để phát triển kinh tế. Điển hình là Trung Quốc, Nhật Bản 2 nền kinh tế đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới nhưng vẫn thường xuyên duy trì chính sách “đồng nội tệ yếu”. Nhờ chính sách đó mà hàng hóa, dịch vụ vốn đã rẻ do năng suất cao, lại càng rẻ hơn khi quy đổi về USD, tạo điều kiện gia tăng XK và dự trữ ngoại tệ.

Tăng tiền thuê đất bất hợp lý

Lấy ví dụ việc tăng tiền thuê đất hàng năm, có thể nói đây là khoản tăng bất hợp lý nhất. Hầu hết các DN sản xuất công nghiệp trong những năm qua đều được cấp đất nông nghiêp, lâm nghiệp để san lấp xây dựng nhà xưởng, tạo việc làm cho hàng trăm, hàng ngàn lao động.

Từ xuất xứ đó của đất nên việc định giá thuê ban đầu từ 2.000 – 3.000 đồng/m2/năm (tương ứng 20 -30 triệu/ha/ năm) đã là cao. Vì thu nhập của người nông dân từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp lúc đó bình quân toàn quốc chỉ đạt 20 – 30 triệu đồng/năm.

Câu hỏi đặt ra là tại sao thời gian qua lại có mức tăng hàng chục lần so với mức cũ? DN phải nộp tiền thuê cho 1 ha đất nông nghiệp lên tới 400 – 500 triệu/năm. Với một DN dệt may sử dụng từ 5 - 10 ha đất thì việc tăng giá thuê đất đâu phải là chuyện nhỏ?

Thay lời kết

Để DN có thể tồn tại được và đón nhận những ưu đãi khi tham gia TPP, thiết nghĩ, trước hết cần giải quyết những vấn đề trước mắt đó là: Điều chỉnh thời gian làm thêm giờ trong bộ luật lao động (bằng thời gian làm thêm của Nhật Bản – 60 giờ/ tuần). Cần linh hoạt điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ lên theo tỷ lệ lạm phát để giúp các DNVN hạ giá thành (tính theo USD) tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực. Giúp người lao động làm việc trong các khâu cung cấp nguyên liệu XK tăng thu nhập, làm cho hàng nhập khẩu “đắt” (tính theo VNĐ) sẽ hạn chế được việc nhập khẩu hàng tiêu dùng không cần thiết. Đồng thời, tạo điều kiện để DN trong nước đầu tư sản xuất những mặt hàng thay thế nhập khẩu.

Cần rà soát lại các quy định không phù hợp để giúp DN giảm bớt các chi phí bất hợp lý, hạ chuẩn xả nước thải ra môi trường, định giá tiền thuê đất hàng năm cần căn cứ xuất xứ loại đất trước khi giao cho DN thực hiện dự án…

Thậm chí ngay cả những thách thức mà các nước tham gia TPP đặt ra như: Quy tắc xuất xứ đối với sản phẩm dệt may phải qua đủ 4 công đoạn: kéo sợi, dệt, nhuộm, may trong các nước thành viên tham gia TPP; cải cách DN nhà nước, đầu tư công tại VN… cũng không phải đáng ngại nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt, nhất là từ chính những chính sách trong nước đối với DN.

Vì thế cộng đồng DN nói chung và các DN dệt may nói riêng luôn mong chờ những thay đổi, điều chỉnh kịp thời từ các cơ quan chức năng nhằm giúp DN tận dụng tối đa cơ hội khi tham gia TPP để cạnh tranh, hội nhập và phát triển bền vững.

Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty may Hưng Yên

dđdn

Các tin tức khác

>   Việt Nam giao thương với Nhật khác TQ như thế nào? (03/09/2014)

>   Thị trường dịch vụ Việt Nam thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản (02/09/2014)

>   Nhập khẩu thủy sản tăng vọt (02/09/2014)

>   Thêm nhiều DN thủy sản được phép xuất khẩu vào Nga (02/09/2014)

>   Lãi 3 năm, tổng công ty mới được lên tập đoàn (02/09/2014)

>   Cửa hàng tiện ích: Ngoại lấn lướt, nội bẹp dí (02/09/2014)

>   Điện hạt nhân: Giải bài toán nguồn năng lượng (02/09/2014)

>   Chỉ lập quỹ cho công nghiệp hỗ trợ là chưa đủ (02/09/2014)

>   Doanh nghiệp nặng gánh các loại phí (02/09/2014)

>   Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Đổi mới đã làm thay đổi một dân tộc (02/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật