Thứ Hai, 01/09/2014 13:32

Đường bay nào cho hàng không Việt?

Tròn một năm kể từ khi Vietjet báo lãi lần đầu tiên, thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục đón nhận thêm những tín hiệu lạc quan từ các doanh nghiệp trong ngành.

 

Thời điểm này năm ngoái, hãng hàng không tư nhân Vietjet bất ngờ công bố mức lợi nhuận trước thuế 120 tỉ đồng trong 7 tháng đầu năm. Đây cũng là lần đầu tiên một hãng hàng không tư nhân Việt Nam tuyên bố hoạt động có lãi. Mới đây, Vietjet lại tiếp tục công bố mức doanh thu hơn 3.800 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 357 tỉ đồng và vận chuyển được gần 3 triệu hành khách trong 7 tháng đầu năm 2014.

Để tiện so sánh, trong cả năm 2013, Vietjet vận chuyển được gần 4 triệu hành khách; và con số này cũng đã tăng gần 3 lần so với năm trước đó. Tuy không tiết lộ con số lợi nhuận cụ thể của năm 2013 và 7 tháng đầu năm 2014, nhưng theo khẳng định của ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Điều hành Vietjet, thì “chúng tôi đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra và hài lòng với kết quả này”.

Tại Hội nghị sơ kết 7 tháng đầu năm 2014 của Vietjet, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã khẳng định quyết tâm của Bộ thúc đẩy toàn ngành hàng không cùng phát triển.

“Việt Nam đang mở cửa bầu trời. Chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ trong việc tái cơ cấu hàng không cũng chú ý phát triển hàng không giá rẻ vì chi phí phù hợp cho đa số người dân. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đã chỉ đạo các cán bộ đi lại bằng hàng không giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Vì thế, sự phát triển của Vietjet đang thu hút sự quan tâm của đông đảo xã hội. Bộ Giao thông Vận tải trong thời gian tới sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách để giúp ngành hàng không và hàng không giá rẻ có được điều kiện tốt nhất để phát triển hơn nữa”, Thứ trưởng nói.

Tình hình kinh doanh khởi sắc của doanh nghiệp trong ngành cũng đang khơi dậy niềm tin từ phía thị trường. Kết quả hoạt động khả quan của Vietjet đang làm ấm lên niềm tin của giới đầu tư vào môi trường kinh doanh hàng không tại Việt Nam. Kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) của Vietnam Airlines cũng vì thế sẽ tăng thêm mức độ thu hút. Tính đến cuối năm 2013, ngành hàng không Việt Nam đã vận chuyển tổng lượng hành khách ước đạt 29,5 triệu người cùng 630.000 tấn hàng hóa; tăng tương ứng 16,7% và 20% so với năm trước đó.

Trong báo cáo kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm của Vietjet, hãng này cho biết lượng hành khách vận chuyển đã tăng đến 182% so với cùng kỳ. Và mục tiêu Hãng sẽ vận chuyển tổng cộng 6 triệu hành khách trong năm nay, tăng hơn 1,5 lần so với năm ngoái.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters (Mỹ), Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong số những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Cụ thể, cho dù nền kinh tế hiện chỉ tăng trưởng với tốc độ khoảng 5%/năm, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người Việt đang tăng trưởng ổn định ở mức hai con số.

“Việt Nam là thị trường hàng không năng động và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển mạnh mẽ của hàng không sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, lĩnh vực hàng không cần được coi trọng như một ngành kinh tế chiến lược và cần được quan tâm đúng đắn”, ông Tony Tyler, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA, nhận định tại Hội thảo ngành hàng không vừa diễn ra vào cuối tháng 8 tại Hà Nội.

Theo ông Tyler, ngành hàng không hiện đóng góp 6 tỉ USD cho GPD Việt Nam và tạo ra hơn 230.000 việc làm. Trong giai đoạn 2008-2013, lượng khách đi lại bằng đường hàng không của Việt Nam đã tăng thêm 96%.

Trong xu thế đón đầu thị trường, IATA cũng dự báo rằng các hãng chuyên chở của Việt Nam sẽ có số lượng máy bay trong phi đội tăng mạnh trong một vài năm tới, với mức tăng có thể là gấp đôi so với số máy bay hiện có nhằm phục vụ dân số 90 triệu người và lượng du khách quốc tế tăng bình quân 20% mỗi năm.

Đơn cử như Vietjet. Tháng 2 năm nay, hãng này đã chính thức ký hợp đồng đặt mua và thuê 100 máy bay Airbus với tổng giá trị lên đến 9 tỉ USD. Theo thông tin từ Airbus, chiếc máy bay đầu tiên trong đơn hàng này dự kiến sẽ được giao vào tháng 11 năm nay.

Còn đối với Vietnam Airlines, hãng này cũng chuẩn bị tăng 28% số lượng máy bay hiện tại, lên mức 101 chiếc vào năm 2015. Trong khi đó, Jetstar Pacific cũng dự kiến sẽ tăng đội bay hiện có từ 8 tàu bay lên 15 - 16 tàu trong thời gian tới.

Một tín hiệu nữa cho hàng không Việt là sự kiện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines sẽ IPO trong năm nay.

Thực tế, Vietnam Airlines hiện cũng là đơn vị duy nhất còn lại trong số 6 hãng hàng không lớn của Đông Nam Á chưa được niêm yết. Vì vậy, việc Vietnam Airlines sắp IPO là cột mốc để hãng này có thể bắt đầu cởi bỏ dần chiếc áo cũ kỹ, chật chội để chuẩn bị bước vào cuộc chơi sòng phẳng với các hãng hàng không trong nước và quốc tế.

 Hòa Thuận

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Nhập khẩu từ Trung Quốc sắp chạm mốc 40 tỉ USD (01/09/2014)

>   Canh bạc bản quyền của người làm sách (01/09/2014)

>   90% nhà máy titan hoạt động cầm chừng, đóng cửa (01/09/2014)

>   Xuất khẩu gần 10 triệu tấn ximăng (01/09/2014)

>   Vốn ngoại kích dệt may (01/09/2014)

>   Nghịch lý: Thiếu tiền, ngán ưu đãi ngàn tỷ (01/09/2014)

>   Học cách tiếp thị gạo từ Campuchia (01/09/2014)

>   Giá gas tiếp tục giảm 7.000 đồng/bình (31/08/2014)

>   TP.Hồ Chí Minh: Xuất siêu gần 3 triệu USD (31/08/2014)

>   Công nghiệp hỗ trợ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Chưa xứng tầm (31/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật