Đừng vội thỏa mãn!
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, vị trí xếp hàng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng lên 2 bậc. Cụ thể, từ vị trí 70/148 (năm 2013) và 75/144 (năm 2012) lên vị trí 68/144. Đây là năm thứ 2 liên tiếp trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu Việt Nam được cải thiện.
"Điểm cộng” của Việt Nam trong việc xếp hạng dựa vào kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường lao động dồi dào. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ lưỡng thì vấn đề chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bởi vì theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong Asean Việt Nam được xếp vào nhóm kém phát triển nhất của khu vực khi đứng cùng với Campuchia, Lào, Myanmar trong khi các nước láng giềng khách đều ở thứ hạng cao. Theo đó, Thái Lan tăng 6 hạng xếp thứ 31, Indonesia tăng 4 hạng xếp thứ 34, Philippines tăng 7 hạng ở vị trí 52. Riêng Sigapore và Malaysia thì ở nấc thang phát triển cao hơn hẳn.
Nguyên nhân của việc thứ hạng thấp của Việt Nam được quy về việc một nền kinh tế chỉ dựa vào hoạt động năng suất thấp và lao động giá rẻ cho nên giá trị gia tăng cho sản phẩm không đạt yêu cầu; thị trường tài chính và công nghệ yếu kém… Thực tế cho thấy, suốt mấy năm liền ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên nền kinh tế trong nước cũng lâm vào khó khăn. 9 tháng đầu năm, thể trạng của kinh tế có vẻ phục hồi và ổn định hơn song dấu hiệu mệt mỏi sau thời gian dài mất sức của DN vẫn chưa thật sự hồi sinh. Mong muốn tạo môi trường kinh doanh có sức hút lớn nhằm đuổi kịp các nước trong khu vực, vì vậy Nghị Quyết 19 đặt ra mong muốn đưa Việt Nam vươn lên phát triển ở mức trung bình trong Asean - 6. Hơn thế, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh hợp tác và hội nhập sâu hơn thị trường thế giới với những hiệp định song phương, đa phương như: Asean, Việt Nam - EU, TPP. Chính vì lẽ đó, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi và cải cách. Song mọi sự cải cách về thuế, hải quan, đất đai… chỉ là vạn sự cho một cuộc khởi đầu. Vấn đề cốt lõi ở đây, năng suất lao động, hiệu quả trong sản xuất, đặc biệt là tính minh bạch của nền kinh tế vẫn chưa được thay đổi mạnh mẽ. Bởi vì, tính minh bạch đang thể hiện sự yếu kém trong việc chống tham nhũng.
Rõ ràng, bảng xếp hạng môi trường kinh doanh không thể hiện hết các khía cạnh của môi trường đầu tư. Thứ hạng môi trường kinh doanh cao không có nghĩa là nước đó có được môi trường pháp lý và thể chế tốt tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Chạy đua theo các nước để giành thứ hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh không kém phần quan trọng, nhưng việc mấu chốt cần làm ngay chính là nên nhìn thẳng vào những yếu kém trong môi trường đầu tư và kinh doanh để có sự cải tiến thật sự. Song song đó, doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp gắn với thương hiệu uy tín, chất lượng.
Thanh Giang
đại đoàn kết
|