Đầu tư Nhật Bản: Việt Nam trong "giấc mơ châu Á"
Dù thời gian gần đây, các tập đoàn Thái Lan gây ấn tượng bằng những thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị lớn tại thị trường Việt Nam, nhưng dòng đầu tư từ Nhật Bản vẫn được đánh giá sẽ tiếp tục gia tăng...
FamilyMart "tái xuất"
FamilyMart tái xuất với hình ảnh một thương hiệu chỉn chu và khác nhiều so với thời điểm còn tồn tại dưới thời liên doanh với Tập đoàn Phú Thái.
Sau 4 năm gắn bó, liên doanh điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart, Công ty TNHH Vina FamilyMart (do đối tác Nhật, Itochu và Công ty TNHH FamilyMart liên doanh) và Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) đã chính thức "chia tay" vào tháng 5/2013.
Theo đó, FamilyMart đã bán toàn bộ 49% cổ phần đang nắm giữ cho Phú Thái và 41/42 cửa hàng của họ tại Việt Nam đã lần lượt được đổi tên thành B's mart khi đối tác Việt kết hợp với Công ty Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi (tỷ phú này cũng vừa thâu tóm Metro Cash & Carry Việt Nam và trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Công ty CP Sữa Việt Nam sau khi nắm giữ 11,04% cổ phần thông qua F&N Dairy Investments Pte., Ltd vào tháng 8/2014). Vào thời điểm đó, không ít những lời đồn đoán về chuyện FamilyMart thua lỗ và chuẩn bị rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2013, chuỗi cửa hàng này đã hồi sinh với việc tái khởi động cửa hàng đầu tiên tại Sky Garden, Q.1, TP.HCM (đây cũng là cửa hàng duy nhất trong 42 FamilyMart còn sở hữu).
Điều đáng chú ý là FamilyMart tái xuất với hình ảnh một thương hiệu chỉn chu và khác nhiều so với thời điểm còn tồn tại dưới mái nhà chung liên doanh. Hiện FamilyMart được Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi Gia đình Việt Nam 100% vốn trong nước, kinh doanh theo hình thức nhượng quyền và được phía Nhật hỗ trợ phát triển, điều hành.
Cũng ngay trong năm 2013, Tập đoàn FamilyMart ở Nhật Bản chủ trương mở rộng hệ thống cửa hàng và thay đổi hình ảnh thương hiệu (thiết kế, cơ cấu hàng hóa...). Đây là hai chiến lược quan trọng của nhà bán lẻ này nhằm tạo nên sự khác biệt, tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
Một nhà điều hành chuỗi bán lẻ nội địa cho rằng, động thái "ra riêng" là bước đi khôn ngoan của phía FamilyMart, nếu không muốn nói là có sự suy tính từ trước và chắc chắn, khi đứng một mình, FamilyMart mới "vươn vai" vì trên thực tế, trong mảng kinh doanh cửa hàng tiện lợi, họ là một tên tuổi lớn, đứng thứ 3 tại thị trường Nhật, chỉ sau 7-Eleven và Lawson.
Còn nhớ, cuối năm 2011, trả lời Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Hashimoto Yuji, Trưởng Phòng Xây dựng và Phát triển cửa hàng Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam (pháp nhân của công ty liên doanh cũ) cho rằng, tốc độ mở rộng chuỗi sẽ đi chậm hơn so với kế hoạch ban đầu. Cụ thể, thay vì mở 50 cửa hàng/năm, Công ty sẽ phát triển khoảng 27 cửa hàng.
Sự thay đổi này được ông Hashimoto Yuji nhìn nhận là do người tiêu dùng Việt Nam vẫn quen với mô hình siêu thị truyền thống, do đó, nhiệm vụ trước mắt của nhà đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi là làm sao tăng mức độ nhận biết về mặt thương hiệu và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng. Khi đã đạt được mục tiêu này sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc.
Hậu "chia tay" với Phú Thái, chuỗi FamilyMart xuất hiện với tần suất cao, ở đâu có B's mart hiện diện (cửa hàng trước đây là FamilyMart), FamilyMart cũng có cửa hàng. Điển hình như ở khu vực đường D1, D2 (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), cả hai thương hiệu này đều xuất hiện trên cùng tuyến đường hoặc trong vòng bán kính chưa đầy 1km.
Nếu xét về vấn đề nhận diện thương hiệu, rõ ràng, FamilyMart chiếm lợi thế hơn Bs mart vì với người tiêu dùng Việt Nam, dù sao FamilyMart đã có hơn 4 năm hiện diện. Hơn nữa, chuỗi FamilyMart cũng đang định hình rõ về phân khúc khách hàng với độ tuổi trung bình dưới 30, đây là lực lượng chiếm tỷ lệ đông đảo tại các thành phố lớn.
Chỉ riêng trong tháng 7/2014, chuỗi FamilyMart đã mở 7 cửa hàng tại TP.HCM. Báo cáo thường niên của tập đoàn này cho thấy, tính đến ngày 31/5/2014, FamilyMart đã phát triển 40 cửa hàng ở Việt Nam (chủ yếu là ở TP.HCM). Trong khi, Công ty TNHH Cửa hàng tiện lợi Gia đình Việt Nam đang điều hành 51 cửa hàng.
Nếu so với trước, tốc độ phát triển hiện nay của FamilyMart tăng gấp 10 lần (trong 4 năm, từ 2009 - 2013, trung bình mỗi năm có 10 cửa hàng hình thành), xấp xỉ với tốc độ của Bs mart. Hiện, chuỗi Bs mart có khoảng 94 cửa hàng, kể cả 41 cửa hàng đã đổi tên từ FamilyMart, tức trong vòng một năm, 53 cửa hàng mới đã gia nhập vào chuỗi Bsmart.
Với FamilyMart, tính cách của nhà đầu tư Nhật thể hiện khá rõ nét, ngay khi mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2009 trên đường Nguyễn Khắc Nhu (Q.1), đại diện công ty nêu rõ, họ đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam và đặt mục tiêu phát triển dài hạn.
Điều này cũng được nhấn mạnh trong báo cáo thường niên của Tập đoàn, cụ thể, ngoài Nhật Bản, FamilyMart đang theo đuổi chiến lược "Asia Dream Team", trong đó, nhấn mạnh 6 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Theo thông tin từ FamilyMart, đến cuối năm 2014, họ sẽ phát triển 70 cửa hàng tại Việt Nam và tiếp tục theo đuổi mục tiêu mở 300 cửa hàng trong khoảng thời gian sớm nhất có thể.
"Sóng ngầm" Itochu
Dù trong gần 2 tháng qua, các nhà đầu tư Thái Lan đang áp đảo thị trường bằng những thương vụ M&A có giá trị lớn, nhưng doanh nghiệp (DN) Nhật cũng có những đầu tư quy mô còn lớn hơn.
Bỏ qua những mảng xám mà các tập đoàn điện tử Nhật vướng phải vài năm trở lại đây, nhiều tập đoàn kinh tế lớn khác của xứ Mặt trời mọc vẫn mở rộng đầu tư ra nước ngoài bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Theo Công ty Tư vấn Recof (Nhật Bản), tính từ đầu năm 2010 đến 30/6/2014, số lượng giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 69 thương vụ, tương đương với Thái Lan và lớn nhất trong các quốc gia ASEAN (ngoại trừ Singapore).
Đồng thời, đến tháng 6/2013, Việt Nam xếp thứ nhất trong việc thu hút các công ty mới của Nhật (178 công ty) và xếp thứ 2 trong tổng số các công ty Nhật đang đầu tư (sau Thái Lan) so với các nước ASEAN khác.
Tuy trong 6 tháng đầu năm 2014, số thương vụ M&A của nhà đầu tư Nhật với DN Việt giảm mạnh (4 thương vụ so với 8 của Thái Lan, Indonesia và 5 tại Malaysia) nhưng trên thực tế, các nhà đầu tư Nhật vẫn đang tìm hiểu và tăng thêm các khoản đầu tư vào Việt Nam.
Sojitz, một tập đoàn đa ngành của Nhật đang nắm cổ phần ở 23 công ty tại Việt Nam (trong đó có 17 công ty liên doanh với tỷ lệ nắm giữ từ 20% trở lên, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điện, phân bón, dầu khí, hạ tầng khu công nghiệp, cảng, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc... với tổng giá trị đầu tư trên 100 triệu USD và 6 công ty sở hữu cổ phần dưới 15%).
Tập đoàn đa ngành hàng đầu khác của Nhật Bản là Itochu cũng trở thành tên tuổi có thâm niên ở thị trường Việt Nam. Bên cạnh việc đầu tư trực tiếp vào nhà máy sản xuất năng lượng ethanol 80 triệu USD tại Bình Phước, Itochu cũng đã tham gia đầu tư vào một nhà máy sợi có quy mô 20ha cùng với Vinatex tại Khu công nghiệp Bảo Minh (Nam Định) với tổng vốn đầu tư 120 triệu USD.
Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Như vậy, cùng với Ấn Độ, Campuchia và Sri Lanka, Việt Nam là thị trường tiếp theo mà Itochu đầu tư nhà máy liên quan đến lĩnh vực dệt may.
Song, điểm đáng chú ý là có khả năng Itochu sẽ tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam trong tương lai gần thông qua Charoen Pokphand Group (CP Group), tập đoàn đang điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi chiếm thị phần cao nhất ở Thái Lan, 7-Eleven. Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), hôm 24/7/2014, đại diện của hai tập đoàn (Itochu và CP Group) đã ký kết biên bản ghi nhớ đối tác chiến lược.
Cụ thể, Itochu mua 25% cổ phần của Charoen Pokphand Foods (công ty con chuyên lĩnh vực cốt lõi của CP Group là nông nghiệp) với giá 854 triệu USD. Ngược lại, CP Group là cổ đông lớn nhất của Itochu sau khi nắm giữ 4,92% cổ phần.
Với liên minh chiến lược này, Itochu và CP sẽ cùng nhau phát triển thị trường châu Á, đặc biệt là Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2013, lĩnh vực kinh doanh nông sản ở cả hai thị trường Trung Quốc và Việt Nam chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu của Tập đoàn CP.
Được biết, tại Việt Nam, năm 2013, doanh thu ngành nông sản của CP tăng 18,3%, đạt 1,8 tỷ USD so với 2012. Trong đó, mảng thức ăn chăn nuôi chiếm 46,6% tổng doanh thu, tiếp tục dẫn đầu thị phần ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước với khoảng 18%; còn lại là ngành nuôi trồng và kinh doanh thực phẩm.
Cũng trong lĩnh vực nông sản, năm 2012, Itochu đã chi hơn 1,6 tỷ USD để mua lại mảng thực phẩm đóng gói và thực phẩm tươi của Công ty Dole Food (thuộc Dole International Holdings) tại khu vực châu Á.
Dù chỉ mới đặt nền tảng thương mại tại thị trường Việt Nam (sản phẩm trái cây tươi như chuối mang thương hiệu Dole) nhưng đại diện của Dole cũng từng chia sẻ với báo chí vào năm 2012 rằng họ đang tìm kiếm vùng trồng chuối Dole tại một số địa phương của Việt Nam như Lâm Đồng, Đồng Nai...
Tương tự như Itochu, hai nhà đầu tư khác của Nhật là Sojitz và Kyodo đã đầu tư 24 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với công suất 200.000 tấn/năm tại Long An (hiện đã vận hành) sau khi tham gia đầu tư vào một công ty cùng ngành ở Campuchia.
Tìm kiếm cơ hội mới
Bên cạnh hai ngành thực phẩm và năng lượng mà ông Hiroshi Taniguchi, đại diện Công ty Sojitz cho rằng thu hút sự chú ý của nhà đầu tư Nhật vào Việt Nam là chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Ông Masataka Sam Yoshida - Giám đốc Điều hành cấp cao Recof cho rằng, DN Nhật đang kỳ vọng sẽ thực hiện những giao dịch tương đối lớn trong những công ty dẫn đầu các ngành tại Việt Nam.
Cũng theo ông Masataka, nhà đầu tư Nhật hiểu được những lợi điểm của thị trường Việt Nam, điển hình là sự gia tăng về dân số, chi phí lao động rẻ hơn 50% so với Trung Quốc và 40% so với Thái Lan, mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia, sự ổn định chính trị...
Qua khảo sát 3.400 DN Nhật cho thấy, trên đây là những điểm mà họ đánh giá cao khi đặt ra chiến lược đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong vấn đề đầu tư gián tiếp thông qua mua bán cổ phần, giữa DN Nhật và Việt Nam vẫn chưa gặp nhau ở một số điểm như: minh bạch thông tin, lựa chọn đối tác và định giá khoản đầu tư... Và đây là lý do khiến giao dịch M&A giữa hai bên trong 6 tháng đầu năm 2014 giảm mạnh.
Tuy vẫn luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các tổng công ty, DNNN cổ phần hóa nhưng không phải lĩnh vực nào nhà đầu tư Nhật cũng quan tâm. Một nhà đầu tư Nhật am hiểu thị trường Việt Nam tiết lộ, thực tế, trong hơn 10 công ty đầu ngành đang tiến hành cổ phần hóa, các nhà đầu tư Nhật đặc biệt chú ý đến trường hợp của Sabeco và một tổng công ty lớn trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam, nó không đơn thuần ở chỗ hai công ty này sở hữu nhiều quỹ đất mà còn ở mức tăng trưởng và thị phần nắm giữ thực trong lĩnh vực họ kinh doanh.
Nguyên Bảo
doanh nhân sài gòn
|