Có hay không sự khác biệt trong ưu đãi đầu tư?
Có thật là doanh nghiệp FDI nhận được nhiều ưu đãi đầu tư hơn?
Trong con mắt nhiều doanh nghiệp trong nước và một số chuyên gia kinh tế Việt Nam, Tập đoàn Formosa Plastics (Đài Loan) là một trong những nhà đầu tư nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi nhất khi đầu tư một dự án sản xuất thép tại Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, theo ông Vương Văn Tường, Phó Tổ trưởng Tổ Quản lý dự án Gang Thép Formosa Hà Tĩnh, những gì Formosa nhận được không phải là quá mức so với quy định pháp luật. “Chúng tôi không được hưởng ưu đãi nào vượt quá khung pháp luật của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt nếu đầu tư trong Khu Kinh tế Vũng Áng và cùng trong lĩnh vực thép với quy mô lớn đều được hưởng ưu đãi giống như chúng tôi. Đó là quy định của pháp luật nhằm khuyến khích sự phát triển của các khu kinh tế cả nước,” ông nói.
Lý giải về việc Formosa đưa ra một loạt đề xuất ưu đãi mới sau sự kiện tháng 5 vừa qua, ông Tường nói với quy mô đầu tư lên đến 10 tỉ USD, doanh nghiệp nào cũng muốn có được sự hỗ trợ và bảo vệ của chính quyền nhằm tăng tính khả thi của dự án, nhưng quyền quyết định vẫn nằm trong tay Chính phủ.
Thực vậy, các đề xuất nằm ngoài khung pháp luật của Formosa như thành lập đặc khu kinh tế cho dự án đã bị Chính phủ từ chối, trong khi các đề xuất như bảo hộ thị trường thép trong nước vẫn đang được xem xét. Nhưng theo một lãnh đạo cấp cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất này cũng khó được chấp nhận do Việt Nam đã có cam kết khi ký hiệp định thương mại tự do.
Mặc dù Chính phủ đã từ chối đề xuất thành lập đặc khu kinh tế của Formosa với lý do “chưa có tiền lệ”, nhưng việc Formosa gửi một loạt đề xuất ưu đãi lên Chính phủ một lần nữa khuấy động lại những tranh luận liên quan đến chính sách ưu đãi dành cho các dự án đầu tư nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, Việt Nam là một trong những quốc gia đang có một số ưu đãi quá mức cho doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vô tình tạo phân biệt đối xử với doanh nghiệp trong nước, khiến họ thua ngay trên sân nhà.
Cùng với Formosa, các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Nokia (nay thuộc Microsoft) hay LG cũng được cho là đang hưởng những ưu đãi đặc biệt đối với các dự án sản xuất sản phẩm điện tử Bắc Ninh và Hải Phòng.
Cái nhìn tiêu cực về FDI, cùng với những ưu đãi mà các công ty nước ngoài được hưởng, càng trở lên gay gắt khi các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận việc chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp Việt Nam gần như vẫn là con số 0. Trong khi đó, Việt Nam vẫn phải dựa vào lợi thế lao động giá rẻ và ổn định chính trị để thu hút đầu tư.
Nhưng có thật là chỉ doanh nghiệp FDI được hưởng ưu đãi? “Không thể nói là doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi đầu tư rất nhiều, còn doanh nghiệp trong nước thì không,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định như vậy trong một lần đối thoại qua truyền hình với người dân.
Điều này cũng được người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc lại trong những lần trả lời phỏng vấn báo giới và cả ở những diễn đàn hay hội thảo về xúc tiến đầu tư. Ông viện dẫn các bộ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các bộ luật liên quan đến thuế và đất đai đang được áp dụng chung cho cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài.
Trong trường hợp của Samsung hay Nokia, những ưu đãi các công ty này nhận được đều căn cứ theo Luật Công nghệ cao và quy định của doanh nghiệp chế xuất. Nói cách khác, bất cứ doanh nghiệp nào nếu được công nhận là doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp chế xuất đều được hưởng, chứ không chỉ riêng Samsung hay Nokia.
Mặc dù khẳng định không có sự phân biệt đối xử trong chính sách ưu đãi, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng thừa nhận các địa phương thường ưu tiên chú trọng thu hút đầu tư FDI hơn, bởi các dự án này thường có quy mô lớn hơn, có tiềm lực về vốn, công nghệ, từ đó có khả năng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương.
Chính điều này khiến cho doanh nghiệp trong nước cảm thấy mình bị lép vế. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước thường là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có điều kiện đầu tư vào những dự án quy mô lớn hay công nghệ cao để có thể được hưởng ưu đãi giống doanh nghiệp FDI.
Điều này có thể thấy rõ ở Thái Nguyên khi các doanh nghiệp địa phương trong buổi đối thoại với Ủy ban Nhân dân Tỉnh hồi tháng 8 vừa qua đã nêu lên quan ngại rằng họ bị phân biệt đối xử sau khi Samsung đầu tư tổ hợp sản xuất với tổng số vốn cam kết 3,2 tỉ USD tại huyện Phổ Yên.
“Không có một từ nào trong các văn bản pháp luật của Tỉnh nói doanh nghiệp nước ngoài được hưởng ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước,” ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, trả lời các doanh nghiệp tại buổi đối thoại.
Nhưng ông Long cũng thừa nhận các doanh nghiệp địa phương cảm thấy bị đối xử không công bằng là có lý do: Tỉnh tập trung giải phóng mặt bằng cho dự án Samsung rất nhanh trong khi có doanh nghiệp trong Tỉnh đợi đến 2 năm vẫn chưa nhận được mặt bằng.
“Chúng tôi hiểu điều đó sẽ khiến doanh nghiệp trong nước cảm thấy không công bằng, nhưng Samsung là một dự án lớn có tác động rất tích cực đến sự phát triển của Tỉnh nên cần phải tập trung làm ngay,” ông Long nói.
Ông đưa ra bằng chứng là chỉ trong 6 tháng hoạt động, nhà máy Samsung Thái Nguyên đã có giá trị xuất khẩu hơn 2 tỉ USD và tạo được hàng chục ngàn việc làm. Hơn nữa, kể từ khi Samsung đầu tư vào Thái Nguyên, có tới hơn 20 công ty Hàn Quốc khác theo chân đầu tư vào Tỉnh. Con số này gấp đôi số dự án FDI mà Thái Nguyên thu hút được trong suốt 25 năm từ năm 1987-2012.
Nhưng công bằng mà nói, ngay cả đối với các dự án FDI, không phải dự án nào cũng được hưởng ưu đãi. Chính sách của Việt Nam hiện nay là ưu tiên các dự án có quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao.
Tháng 1 năm nay, Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Ôtô Trường Hải về việc cho phép công ty này kéo dài thời gian sản xuất các động cơ tiêu chuẩn Euro 2 và 3 theo hợp đồng chuyển giao công nghệ với Hyundai đến tận cuối năm 2018, thay vì buộc phải sản xuất động cơ theo tiêu chuẩn Euro 4 từ tháng 1.2017. Đề nghị này được chính Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam giúp Trường Hải gửi lên Chính phủ.
Nếu không được chấp thuận, dự án đầu tư này của Trường Hải xem như đổ vỡ ngay từ khi mới bắt đầu hoạt động, do thời gian nhà máy dự tính hoạt động đúng vào thời điểm buộc phải sản xuất động cơ tiêu chuẩn Euro 4 trong khi công nghệ này lại chưa được chuyển giao.
Trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý đưa dự án này vào danh sách các dự án cơ khí trọng điểm quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với việc Trường Hải sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và cả lãi suất vay ngân hàng.
Ví dụ trên cho thấy nếu đã là dự án có quy mô lớn và có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế thì đều được Chính phủ và chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ.
Thùy Trang
Nhịp cầu đầu tư
|