Thứ Ba, 23/09/2014 23:04

Cho công chức vay tiền mua nhà: Cẩn trọng để tránh vết xe đổ

Với dự kiến gói tín dụng hỗ trợ cho cán bộ, công chức có thu nhập khá vay tới 2 tỉ đồng để mua nhà, người ta cho rằng đây là động thái tiếp theo sau gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ bất động sản. Tuy nhiên, nhiều người đã tỏ ra ngờ vực trước "thiện chí” này. Ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ nhân lực Ngân hàng BIDV đã có cuộc trao đổi xung quanh gói tín dụng này.

Thưa ông, được biết gói vay này sẽ không khống chế giá trị căn hộ mà chỉ hạn chế đối tượng vay là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… có tổng thu nhập cả gia đình đạt 25 triệu đồng/tháng trở lên; mức vay tối đa 2 tỉ đồng trong vòng 10 năm; mức lãi suất dự tính dao động 6-7,5%. Mức lãi suất này không hề thấp?

Ông Cấn Văn Lực- Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ nhân lực Ngân hàng BIDV: Chúng ta cần phải xem kỹ rằng, mức lãi 7,5% được duy trì trong vòng 10 năm. Như vậy đây là mức lãi suất cho vay dài hạn khá hấp dẫn. Hiện nay nếu lãi suất cho vay dài hạn đối với các DN, hộ cá thể bình thường cũng phải 10%.

Thưa ông, từ phía các ngân hàng cũng cho rằng, ngân hàng khó duy trì được mức lãi suất dao động 6-7,5% trong vòng 10 năm. Bởi hiện nay các ngân hàng cũng đang huy động tiền vào với mức lãi suất tương đương. Các ngân hàng cho rằng cần phải có sự hỗ trợ từ NHNN...

- Đây cũng là một vấn đề cần cân nhắc, theo quan điểm của tôi thì 7,5% không phải là cố định trong vòng cả 10 năm mà nó sẽ có sự thả nổi. Nghĩa là năm nay 7,5%, còn năm tới sẽ theo mặt bằng chung của thị trường, cộng thêm một mức độ, mức chênh lệch nào đó. Không ai có thể cố định lãi suất trong vòng 10 năm.

Thưa ông, nếu như làm một tính toán nhỏ, vay 2 tỉ để mua một căn hộ, lãi 7%, mỗi tháng bình quân trả cả gốc lẫn lãi 28 triệu đồng. Như thế phần chi tiêu còn lại không còn. Bản thân ngân hàng cũng sẽ khó xử lý với những trường hợp này. Còn từ phía người dân, sẽ rất ít người mặn mà với gói vay này?

- Mức độ tối đa mà ngân hàng cho vay là 2 tỉ, còn khách hàng muốn vay bao nhiêu thì tùy điều kiện. Bản thân ngân hàng cũng khuyến khích người dân trước khi đi vay, cần có một phần vốn tự có của mình. Bây giờ chúng ta tính thế này, trong tổng số tiền vay 2 tỉ, nếu khách hàng có được 500 triệu thì có nghĩa là khách hàng chỉ cần vay 1,5 tỉ nữa thôi. Con số 500 triệu vừa thể hiện tiềm lực tài chính của khách hàng, và cũng là mức độ cam kết của khách hàng với ngân hàng.

Trên quan điểm cá nhân của tôi, thì thời hạn vay bao lâu rất quan trọng. Thông thường ở các nước khác, cho vay mua nhà ở xã hội kéo dài 30 năm, còn với nước mình, tình hình hiện nay thời hạn 10 năm là phù hợp. Tuy nhiên chúng ta cũng cần cân nhắc về mức thu nhập để phù hợp hơn nữa. Bởi vì nếu như cán bộ công chức có mức thu nhập cao, tầm 30 - 40 triệu thì chẳng ai mặn mà đi vay gói tín dụng này.

Thưa ông, vậy làm thế nào để gói tín dụng này sẽ không dẫm lên vết xe đổ của gói 30.000 tỉ?

- Đây chỉ mới là một dự thảo. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ thành công hơn vì dưới góc độ là gói đi sau nên có thể điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, với công tác truyền thông và nhu cầu thiết thực người dân cũng bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến những gói tín dụng như thế này. Vấn đề của chúng ta là tháo gỡ cơ chế chính sách bằng cách phối kết hợp giữa các bên, ví dụ giữa NHNN với các UBND tỉnh, thành phố cùng vào cuộc. Rồi phối hợp với Bộ Tài chính vì nó liên quan đến cả một phần về lâu về dài về vấn đề thuế má, hỗ trợ người dân về vấn đề thuế hay không. Hay chẳng hạn như liên quan đến việc một phần hỗ trợ lãi suất thì NHNN sẽ ứng xử như thế nào đối với phần hỗ trợ lãi suất đó của các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn như NHNN lại phải hỗ trợ lãi suất tái cấp vốn, đó là một cách.

Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đến hết tháng 8, gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỉ đồng đã cam kết giải ngân được 7.064,2 tỷ đồng (tăng so với thời điểm 31/7/2014 là 64%), tổng dư nợ là 3.074 tỷ đồng (tăng so với 31/7/2014 là 21%). Cụ thể ngân hàng đã ký hợp đồng cam kết cho 7.232 hộ gia đình, cá nhân vay với tổng số tiền là 2.942,8 tỷ đồng, trong đó 3.597 hộ vay để mua nhà ở xã hội, 3.635 hộ vay để mua nhà ở thương mại.

Theo như các tiêu chuẩn vay ban đầu, cho vay với cán bộ có có thu nhập khá tức là khoảng 25 triệu đồng/tháng trở lên. Liệu các ngân hàng có cảm thấy tin tưởng đối với nguồn vay ra trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang là vấn đề nan giải?

- Thực ra cho vay với đối tượng này xác minh nguồn thu nhập thì tôi nghĩ rằng cũng không phải là rủi ro nhiều. Khả năng trả nợ sau này cái đó không đáng lo mà cái đáng lo ở đây là cơ chế, chính sách thủ tục phải nhanh, gọn hơn. Dưới góc độ là ngân hàng thương mại thì chúng tôi yên tâm về nguồn thu nhập, mà nói đúng hơn là yên tâm với những nguồn trả nợ đối với những đối tượng vay như thế này.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thúy Hằng- Tú Anh (thực hiện)

Đại đoàn Kết

Các tin tức khác

>   Công trình “đội vốn” và gánh nặng nợ công (23/09/2014)

>   Hà Nội sẽ xây dựng trên 1.000 siêu thị, trung tâm thương mại (23/09/2014)

>   Đề nghị chuyển nhà thương mại khu ngoại giao đoàn thành nhà ở xã hội (23/09/2014)

>   TPHCM đề xuất giữ lãi suất 3%/năm cho gói tín dụng 30.000 tỷ (23/09/2014)

>   TPHCM kiến nghị lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội là 3%/năm (23/09/2014)

>   Mở bán phân khu biệt thự Ruby Villa - dự án Green City (24/09/2014)

>   TP Hồ Chí Minh: Nhiều sai sót tại 2 dự án lớn về cầu, đường của CII (23/09/2014)

>   Biệt thự trăm tuổi rao giá 35 triệu USD (23/09/2014)

>   Tín dụng bất động sản khởi sắc (23/09/2014)

>   Ông Nguyễn Văn Đực: Đề xuất cho công chức vay 2 tỷ xây, mua nhà là "hơi bị ...vô duyên“ (23/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật