Thứ Hai, 22/09/2014 08:48

Ấn Độ lo ngại các động thái từ Trung Quốc

Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc, báo Ấn Độ Times of India đã có bài viết cho rằng không ít người Ấn Độ lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, nơi giờ đây đang tràn ngập các dự án xây dựng và viện trợ nhiều tỷ USD từ Trung Quốc.

Cảng biển Hambantota, lớn thứ hai ở Sri Lanka, do Trung Quốc đầu tư xây dựng.

Sóng ngầm

Tờ Times of India ra ngày 20-9 cho biết: trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 18-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nâng cốc chúc mừng sinh nhật của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong một bữa tiệc tối ở Gujarat. Hai nhà lãnh đạo say sưa trò chuyện khi đi bộ dọc theo sông Sabarmati, ông Tập Cận Bình mặc một chiếc áo khoác kiểu nhà lãnh đạo Nehru. Hai người dành nhiều lời ca ngợi nhau và cùng cam kết cùng nhau hợp tác vì sự tiến bộ và phát triển trên thế giới. Cam kết đầu tư từ Trung Quốc vào Ấn Độ cùng các thỏa thuận kinh doanh giữa 2 nước đạt trên 20 tỷ USD.

Tuy nhiên, những căng thẳng gần đây ở biển Đông và Hoa Đông liên quan đến Trung Quốc giờ lan sang Ấn Độ Dương cũng với nguyên nhân chính là nguồn năng lượng và các nước như Nhật Bản và Mỹ theo dõi chặt chẽ mọi động tĩnh. Sản lượng dầu vận chuyển ngang qua Ấn Độ Dương chiếm 80% lượng dầu của Trung Quốc, 65% lượng dầu của Ấn Độ và 60% lượng dầu của Nhật Bản, 3 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Nếu xảy ra ách tắc đường vận chuyển này do bế tắc ngoại giao, tranh chấp chủ quyền hoặc thậm chí là chiến tranh, hoạt động kinh tế của 3 quốc gia này có thể bị tê liệt gây chấn động toàn thế giới.

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã và đang xây dựng nhiều cảng biển và liên minh từ Pakistan đến Myanmar để đảm bảo nguồn dầu không bị gián đoạn. Cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal nói: “Trung Quốc muốn trở thành một tay chơi lớn ở Ấn Độ Dương cùng với Ấn Độ và Mỹ”. Cũng theo ông Sibal, sáng kiến xây dựng con đường tơ lụa trên biển của Bắc Kinh nối liền Trung Quốc với châu Âu được quảng bá như một bước đi thúc đẩy hợp tác quốc tế nhưng nhiều người trong Chính phủ Ấn Độ lo ngại đó cũng có thể là con ngựa thành Troy che giấu việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng.

Trước khi đến Ấn Độ, Chủ tịch Trung Quốc đã thăm đảo quốc Maldives, nơi vốn chỉ nổi tiếng về du lịch thì nay cũng đang chứng kiến ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng. Sri Lanka cũng là chặng dừng chân của ông Tập Cận Bình. Một quốc đảo vừa thoát khỏi nội chiến cũng đang thu hút rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc, trong đó có một cảng khổng lồ ở thị trấn từng rất yên tĩnh ở Hambantota.

Về phần mình, tất nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc rằng họ đang xây dựng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương mà chỉ cho rằng họ đang đẩy mạnh hợp tác từ xây dựng cảng biển đến an ninh hàng hải.

Căng thẳng ở biên giới

Theo hãng tin Ấn Độ PTI, vài giờ sau khi rút khỏi khu vực tranh chấp ở khu vực Chumar, vùng Ladakh, miền Đông Bắc Ấn Độ, lính Trung Quốc ngày 19-9 đã quay trở lại nơi này. Nhiều nguồn tin chính thức đã xác nhận rằng khoảng 35 binh sĩ Trung Quốc lại tiến vào lãnh thổ Ấn Độ, và đóng trại trên một ngọn đồi ở khu vực Chumar. Họ tuyên bố đấy là vùng đất của Trung Quốc, trong lúc vẫn có 300 lính Trung Quốc khác hiện diện ở một khu vực sát đường ranh giới phân chia hai nước gọi là Đường kiểm soát thực tế (Line of Actual Control).

Hành động tái xâm nhập của Trung Quốc đã buộc quân đội Ấn Độ phải đình chỉ kế hoạch rút ra khỏi khu vực như đã thỏa thuận sau cuộc gặp cấp cao tại New Delhi giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tranh chấp lãnh thổ Ấn - Trung, với các vụ lính Trung Quốc xâm nhập vào các khu vực mà New Delhi tuyên bố chủ quyền là một trong những cái gai khuấy động cuộc họp thượng đỉnh tại New Delhi giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 18-9 vừa qua. Truyền thông Ấn Độ, theo hãng PTI, đã tiết lộ nhiều chi tiết cho thấy là cuộc hội đàm Modi - Tập Cận Bình đã không diễn ra suôn sẻ lắm.

Thụy Vũ

Sài gòn giải phóng

Các tin tức khác

>   Ông Medvedev cảnh báo EU có thể mất thị phần tại Nga (21/09/2014)

>   Bất đồng quan hệ Trung-Ấn không dễ dung hòa (20/09/2014)

>   Trung Quốc phạt GlaxoSmithKline gần 500 triệu đô la (20/09/2014)

>   EU đàm phán khí đốt mới với Ukraine và Nga vào ngày 26/9 (19/09/2014)

>   Gánh nặng tài chính của Incheon đã tăng lên do ASIAD 17 (19/09/2014)

>   Giới đầu tư “thở phào nhẹ nhõm” sau kết quả trưng cầu dân ý lịch sử tại Scotland (19/09/2014)

>   EU "bơm" 90 triệu euro hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (19/09/2014)

>   Hàn Quốc quyết định đánh thuế hơn 500% đối với gạo nhập khẩu (19/09/2014)

>   Thị trường xe hơi châu Âu tiếp tục tăng trưởng khả quan (18/09/2014)

>   "Mỹ vẫn là thị trường kim cương lớn nhất trong 15 năm tới" (17/09/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật