Thứ Hai, 25/08/2014 09:05

VN-Index vượt 610, băng qua 620 và sẽ đi đâu, về đâu?

Sau thời gian tích lũy và giằng co mạnh, VN-Index đã vượt đỉnh 610 với khối lượng tương đối cao, thậm chí còn vượt mốc 620 kết phiên tuần qua (22/08). Rủi ro đang ở mức nào khi thị trường đi khá nhanh? Diễn biến tiếp theo của VN-Index là gì và động thái nào dành cho nhà đầu tư?

Vì sao VN-Index dễ dàng vượt đỉnh 610?

Ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt (VDS) đưa ra 4 nguyên nhân chính giúp VN-Index vượt đỉnh 610. Cụ thể:

Đầu tiên và là cơ bản nhất là thị trường chứng khoán (TTCK) đang nằm trong xu hướng tăng dài hạn kể từ thời điểm đầu năm 2013 với những yếu tố hỗ trợ như kinh tế vĩ mô tốt dần qua các quý, lạm phát ổn định, tỷ giá giữ vững, nhập siêu thấp… Một điểm nhấn mới là việc Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ B2 lên B1 với triển vọng ổn định giúp nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng và sẵn sàng đổ tiền vào Việt Nam.

Thứ hai là CPI ổn định ở mức thấp giúp tăng kỳ vọng giảm lãi suất và thực tế cũng đã có nhiều ngân hàng giảm lãi suất. Vấn đề này giúp doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn nhằm đưa hoạt động kinh doanh gia tăng. Đồng thời dòng tiền gởi ngân hàng giảm theo đó khả năng chuyển sang kênh đầu tư chứng khoán tăng. Kết quả kinh doanh tốt hơn, dòng tiền vào thị trường chứng khoán nhiều hơn là nhân tố tạo tiền đề cho sự bứt phá.

Thứ ba, khối ngoại có chuỗi bán ròng 12 phiên trước khi VN-Index vượt đỉnh nhưng nhà đầu tư nội vẫn mua mạnh trong thời gian này giúp TTCK cân bằng. Trong phiên ngày 21/08, khối ngoại đã mua ròng trở lại kết hợp với lực mua mạnh từ khối nội vẫn duy trì giúp VN-Index vượt đỉnh 610 dễ dàng.

Nguyên nhân cuối cùng theo ông Hùng là ở xu hướng kỹ thuật, VN-Index đã tích lũy quanh mốc 610 điểm khá lâu, khi chỉ báo kỹ thuật cho xu hướng bứt phá khỏi ngưỡng này thì nhà đầu tư giải ngân mạnh góp phần đẩy chỉ số gia tăng mạnh. Chỉ báo kỹ thuật cũng cho thấy xu hướng gia tăng tiếp tục được củng cố.

Với ông Hùng, ba nguyên nhân đầu là yếu tố dài hạn và nguyên nhân sau cùng đến từ yếu tố ngắn hạn.

Ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Giám đốc Khối phân tích CTCK Bảo Việt (BVS) cho biết VN-Index đang được hỗ trợ bởi triển vọng quý 3/2014 tích cực của doanh nghiệp niêm yết cũng những thông tin về mua bán tài sản sắp diễn ra (các doanh nghiệp vận tải biển bán tàu,…). Theo đó, dòng tiền vẫn sẽ đổ vào những doanh nghiệp dạng này.

Đồng thời, VN-Index đang bị chi phối bởi những mã có vốn hóa lớn như GAS, VIC, MSN,… Đây là những mã tăng mạnh trong 2 phiên gần đây và mức tăng của riêng 3 mã này có thể đóng góp đến 40% mức điểm tăng của VN-Index (theo tính toán sơ bộ). Việc gia tăng này kết hợp với dòng tiền vào nhóm penny giúp cho VN-Index vượt đỉnh 610.

Ông cũng nhìn nhận, dòng tiền sau khi tập trung mạnh vào nhóm dầu khí và vốn hóa lớn thì bắt đầu có sự lan tỏa sang các dòng cổ phiếu khác mang tính thị trường cao hơn, đặc biệt là những mã ngành chứng khoán, bất động sản – xây dựng,…

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Bình - Trưởng phòng phân tích CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS) nhìn nhận VN-Index vượt đỉnh 610 chủ yếu nhờ dòng tiền đánh quá mạnh vào nhóm cổ phiếu lớn nhất là dòng dầu khí.

Ông Bình cho biết, như nhận định trước đây, thị trường tháng 8 khả năng có 2 kịch bản: sideway giảm nhẹ và tích lũy 1-2 tháng để bứt lên và kịch bản còn lại là cố gắng đẩy dòng tiền vào nhóm cổ phiếu lớn để kéo VN-Index lên mức đỉnh 633 và sau đó dòng tiền sẽ lan tỏa qua các nhóm khác. Với diễn biến hiện tại, kịch bản 2 đang xảy ra và nhóm các cổ phiếu penny đang nhận sự tích cực từ dòng tiền. Nhưng theo kịch bản 2 thì VN-Index sẽ lên mốc 633 điểm và điều này khá rủi ro với thị trường do VN-Index tăng chủ yếu từ các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ông Bình không đánh giá cao trường hợp nhóm cổ phiếu bluechip sẽ tăng điểm nữa do nhóm này đã tăng khá và không đồng thuận với thị trường khi thị trường tiếp tục gia tăng.

Rủi ro có lớn dần?

Theo ông Lê Vương Hùng, việc gia tăng nóng sau giai đoạn kìm nén kết hợp với nhân tố kỹ thuật hỗ trợ là điều bình thường, theo đó độ rủi ro thị trường vẫn có nhưng không đáng kể. Yếu tố tích cực từ việc vượt đỉnh sẽ tạo tiền đề tâm lý giúp lực cầu lấn át lực cung, qua đó đưa VN-Index tiếp tục gia tăng và tiến về đỉnh 633 của năm 2009.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Bình nhận định rủi ro thị trường không đáng kể do dòng tiền đang có xu hướng chuyển dịch qua nhóm penny và cho dấu hiệu gia tăng, khối lượng vào dòng này chưa đủ lớn để có thể tạo ra sự đảo chiều giảm điểm. Ông Bình cho biết, do lo ngại thị trường đang giao dịch ở mức đỉnh nên tỷ lệ margin nhà đầu tư sử dụng chưa quá cao. Nếu lực bán có xuất hiện cũng chỉ là tiền thực và sẽ không có bán tháo mạnh.

Tuy nhiên, ông Bình cũng lưu ý nếu VN-Index bứt phá quá nhanh hay quay đầu giảm điểm nhanh thì rủi ro sẽ dâng cao. Dòng tiền sắp tới sẽ có điều chỉnh nhẹ và khả năng được sẽ đẩy mạnh sang HNX.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Bình, đà tăng TTCK trong 2 phiên gần đây mang tính kỹ thuật nhiều hơn và chủ yếu dựa vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn nên độ tin cậy không cao. Về kỹ thuật, VN30 và HNX-Index vẫn đang xác nhận xu hướng tăng tốt trong trung hạn nhưng ngắn hạn lại đang đối mặt với rủi ro điều chỉnh trong 1-2 tuần tới và được thể hiện khá rõ trên đồ thị tuần. Phân kỳ âm trên vùng quá mua của một số chỉ báo kỹ thuật xuất hiện và cảnh báo khả năng điều chỉnh ngắn hạn.

Bên cạnh đó, mặc dù VN-Index đã giao dịch ở mốc 620 điểm nhưng theo mặt bằng giá đa số các mã cổ phiếu và ngành chỉ giao dịch trong vùng 580-590 điểm, chỉ có nhóm ngành dầu khí là bứt phá và phù hợp với mặt bằng giá hiện tại. Ông đánh giá vấn đề này cũng là một yếu tố rủi ro của TTCK. Dòng tiền nội tích cực và cho tín hiệu lan tỏa nhưng chưa đủ sức lan tỏa toàn thị trường, ngoài ra dòng tiền này cũng chưa có lý do cơ bản để tiếp tục tăng, cũng chưa cho tín hiệu rõ ràng để có thể đưa chỉ số tăng mạnh hơn.

Hậu 620 điểm, TTCK có điều chỉnh?

Theo ông Lê Vương Hùng, TTCK tuần cuối tháng 8 khả năng sẽ có điều chỉnh với một số nguyên nhân: (1) Đây là tuần giáp với kỳ nghỉ lễ dài ngày và tâm lý chốt lời với những nhà đầu tư cần tiền. Tuy nhiên ông nhìn nhân lực bán sẽ không mạnh. (2) Ngoài ra, TTCK đang trong tháng 7 âm lịch mà theo như diễn biến các năm trước thì tháng này TTCK suy giảm, trong khi đó từ đầu tháng đến nay thị trường gia tăng.

Nhiều khả năng sẽ có điều chỉnh xuất hiện trong tuần cuối tháng 8 và VN-Index sẽ test lại mốc 610 điểm, nhưng ông Hùng cho rằng việc test này có thể chỉ diễn ra trong phiên. Thanh khoản tuần cuối tháng 8 sẽ vẫn duy trì ở mức cao.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Bình, về mặt thông tin thì tuần cuối tháng 8 hai quỹ ETF sẽ chốt NAV để review lại danh mục và sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó, thị trường sẽ có những nhịp tăng điểm và nhiều khả năng xác lập đỉnh ngắn hạn. Khả năng xuất hiện điều chỉnh tương đối cao, VN-Index có thể sẽ về giao dịch quanh ngưỡng 610 điểm nhưng sẽ không xuyên thủng ngưỡng này.

HNX cũng sẽ xuất hiện điều chỉnh nhưng do điểm số và mặt bằng giá khá cân bằng và xu hướng đi lên trong trung hạn đã được xác lập nên điều chỉnh cũng sẽ không mạnh và ngưỡng hỗ trợ cho HNX-Index là 82 điểm.

Ông Nguyễn Hữu Bình cho rằng, nhóm large cap sẽ không tăng nữa và VN-Index sẽ chững lại quanh vùng hiện tại, nhóm bluechip có điều chỉnh nhưng sẽ không giảm sâu. Dòng tiền sẽ được đẩy vào nhóm các cổ phiếu penny và mức độ tăng giá của chỉ số không nhiều. Điểm nổi bật của tuần này là chỉ số HNX-Index sẽ sôi động hơn, tích lũy và tạo bứt phá.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Với diễn biến thị trường hiện tại, ông Lê Vương Hùng khuyến nghị nhà đầu tư có thể canh giải ngân mạnh khi VN-Index test mốc 610 điểm. Nhà đầu tư theo cơ bản thì nên mua vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, an toàn, quan tâm đến các cổ phiếu ngành dược hay những cổ phiếu có khả năng phát hành thành công cho đối tác nước ngoài hay tăng vốn thành công. Về tính thị trường, có thể quan tâm các ngành như chứng khoán, xây dựng-bất động sản.

Về chốt lời, ông khuyến nghị nhà đầu tư nên đợi những phiên thanh khoản đột biến và tăng cao, điều này sẽ giúp có mức lợi nhuận tốt hơn.

Còn ông Nguyễn Xuân Bình khuyến nghị nhà đầu tư trong giai đoạn hiện tại nên phân rõ danh mục ra làm hai phần. Một phần nắm giữ cho mục đích trung hạn và tối thiểu 50% tổng tỷ trọng danh mục. Phần này nên tập trung vào những mã mang tính cơ bản với hoạt động kinh doanh ổn định. Nên xem xét các mã cổ phiếu của ngành xuất khẩu, dệt may hay thủy sản do có khả năng hưởng lợi từ Hiệp định TPP; doanh nghiệp có những yếu tố chuyển biến cho thấy tín hiệu thành công trong lộ trình tái cơ cấu và có khả năng hồi phục. Ông khuyến nghị xem xét ngành chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng

Phần còn lại là xoay vòng ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt nhưng tùy vào từng mã chứ không dựa vào xu hướng chung, có thể mua bán theo những mốc kháng cự và hỗ trợ (mua khi về hỗ trợ và bán khi chạm kháng cự).

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, do tuần cuối tháng 8, các quỹ ETF sẽ chốt NAV nên nhà đầu tư nên để ý vấn đề này. Thị trường hiện tại nếu có giải ngân mua vào thì nên mua các cổ phiếu có thị giá dưới 20,000 đồng do dòng tiền gần đây đang có xu hướng chảy vào nhóm này, tuy nhiên không nên sử dụng margin lớn.

Các dòng hấp thụ tốt dòng tiền như chứng khoán, xây dựng,… và nhóm tiềm năng là các cổ phiếu họ Sông Đà hay Vinaconex.

Duy Hoàng

Các tin tức khác

>   Góc nhìn tuần 25-29/8: Tiếp tục bùng nổ để tiếp cận đỉnh 633? (24/08/2014)

>   Góc nhìn ngày 22/08: Thử thách ngưỡng cao hơn (21/08/2014)

>   Góc nhìn 21/08: Gia tăng và thử thách đỉnh ngắn hạn (20/08/2014)

>   Xu hướng ngành Bất động sản và các cổ phiếu nổi bật dưới góc nhìn Phân tích Kỹ thuật (21/08/2014)

>   Tháng 9 ETF nội đi vào hoạt động: Điểm nhấn của dòng tiền (21/08/2014)

>   Góc nhìn 20/08: Vẫn tích cực! (19/08/2014)

>   TTCK nửa cuối tháng 8: Điều chỉnh, tích lũy và phá đỉnh 610? (19/08/2014)

>   Góc nhìn 19/08: Phá vỡ trạng thái giằng co? (18/08/2014)

>   Ông Yun Hang Jin (KIS): Nửa cuối năm đà tăng VN-Index bị suy yếu nhưng có thể lên 650 điểm (18/08/2014)

>   Tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung và dài hạn (18/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật