Tranh cãi gay gắt tại đại hội cổ đông ĐH Hoa Sen
Sáng 2-8, đại hội cổ đông bất thường Trường Đại học Hoa Sen 2014 đã diễn ra. Đại hội này do một nhóm cổ đông chiếm hơn 30% cổ phần triệu tập.
* Chuyện gì đang xảy ra tại Trường ĐH Hoa Sen?
Các cổ đông biểu quyết về nhân sự đoàn thư ký tham gia đại hội
|
Theo lịch làm việc, đại hội bắt đầu từ lúc 8g30 nhưng mãi đến hơn 9g mới bắt đầu.
Trong lúc đại hội đang diễn ra, ban tổ chức đã phát rộng rãi tài liệu hồ sơ sai phạm của Hội đồng quản trị hiện tại và các bài báo viết về sai phạm của hiệu trưởng Bùi Trân Phượng. Kết quả kiểm tra tư cách cổ đông có hơn 100 cổ đông và đại diện ủy quyền tham gia với số cổ phần chiếm 70,5%. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Việc kiểm tra tư cách đại biểu không gắn với việc phát phiếu biểu quyết dẫn đến phần biểu quyết thông qua điều lệ làm việc rất lộn xộn và ngắt quãng.
Ngay sau khi công bố kiểm tra tư cách cổ đông, ban tổ chức đã công bố thể lệ làm việc và biểu quyết của đại hội. Trong khi biểu quyết, một số cổ đông có ý kiến vẫn chưa nhận được phiếu biểu quyết. Ban tổ chức tiến hành phát phiếu biểu quyết. Kết quả có 99,1% cổ đông đồng ý với thể lệ làm việc và biểu quyết của đại hội.
Việc đề nghị chủ tọa đại hội là ông Nguyễn Trung Đức - thành viên hội đồng quản trị, người đại diện nhóm cổ đông đứng ra triệu tập đại hội đồng cổ đông bất thường - cũng khiến cho đại hội gián đoạn rất lâu do có ý kiến không đồng ý. Kết quả biểu quyết có hơn 98% cổ đông đồng ý ông Đức làm chủ tọa đoàn.
Chương trình đại hội bao gồm nhiều nội dung như: báo cáo về các sai phạm của hiệu trưởng, báo cáo về sự thiếu trách nhiệm của hội đồng quản trị, báo cáo từ nhiệm của hội đồng quản trị, thông qua tờ trình về việc bãi nhiệm các thành viên hội đồng quản trị, bầu cử thành viên hội đồng quản trị mới, tín nhiệm hiệu trưởng…
Kiến nghị của cổ đông hơn 20.000 cổ phần
Về nội dung chương trình đại hội, một cổ đông (có hơn 20.000 cổ phần tại ĐH Hoa Sen) đề nghị bổ sung vào nội dung chương trình làm việc các nội dung: thảo luận về điều lệ hoạt động của trường “không vì mục tiêu lợi nhuận theo Luật giáo dục ĐH” và tính pháp lý của công ty iConnect khi tham gia biểu quyết tại đại hội.
Theo ý kiến cổ đông, vì đang có tranh chấp cổ phần tại iConnect nên cần phải xem xét tính pháp lý của công ty này và ghi nhận điều này vào biên bản đại hội để xem xét quá trình biểu quyết.
Các cổ đông và chủ tọa đoàn tranh cãi khá gay gắt về vấn đề này. Trong khi cổ đông cho rằng theo luật, với cổ đông có trên 20.000 cồ phần, đề xuất của họ phải được đưa vào nội dung chương trình đại hội và đại hội phải tôn trọng cổ đông. Tuy nhiên, chủ tọa đoàn cho rằng đây là đại hội cổ đông bất thường nên điều đó là không hợp lý. Đại hội biểu quyết và không đồng ý đưa hai nội dung trên vào chương trình đại hội.
Trong quá trình nêu ý kiến về các nội dung trên, chủ tọa đoàn liên tục ngắt lời ý kiến của cổ đông có ý kiến bổ sung nội dung chương trình hoặc không đồng ý với nội dung chương trình. Trong khi đó, người phát biểu đồng thuận lại được chấp nhận và phát biểu đến hai lần nhưng không bị ngắt lời.
Đến 10g, đại hội mới được tiến hành với phần báo cáo sai phạm của hiệu trưởng Bùi Trân Phượng trong chương trình liên kết đào tạo Vatel.
Có đến mức bãi miễn hiệu trưởng không?
Tiếp đó là báo cáo về sự thiếu trách nhiệm của hội đồng quản trị trong công tác giám sát, quản lý, điều hành của ban giám hiệu Trường ĐH Hoa Sen và đề nghị bãi miễn hội đồng quản trị, bầu lại các thành viên hội đồng quản trị mới.
Chủ tọa đoàn tiếp tục báo cáo về sự thiếu trách nhiệm của ban kiểm soát khi thiếu giám sát các sai sót của ban giám hiệu, hội đồng quản trị và đề nghị bãi nhiệm ban kiểm soát, bầu ban kiểm soát mới.
Sau phần này, chủ tọa đoàn thông báo dành 10 phút cho phần thảo luận. Có 4 người được phát biểu. Cổ đông Nguyễn Đăng Hưng cho rằng đại hội ngày hôm nay chủ yếu liên quan đến vấn đề tài chính, chia cổ tức cho cổ đông. Trường thực sự thành công, doanh thu ngày càng cao. Nếu không có tích lũy như thế thì chắc sẽ không có đại hội bất thường hôm nay.
Ông cũng cho rằng cần phải có sự thỏa hiệp để trường tiếp tục phát triển bởi với tình hình này, tôi lo trường sẽ trở thành “Trường ĐH Hùng Vương” thứ hai. Đúng là thời gian qua, việc quản lý tài chính có lỏng lẻo nhưng cần phải xem xét đó là sai sót có thể khắc phục hay là trục lợi cá nhân. Nếu chứng minh được là trục lợi cá nhân thì bãi miễn hiệu trưởng. Trong khi đó, chúng ta chưa chứng minh được đó là trục lợi cá nhân thì sai sót đó có đến mức bãi miễn không?
Trong ngày hôm nay, chúng ta đề cập đến thiếu sót của hội đồng quản trị nhưng những người ngồi đây là thành viên hội đồng quản trị bao gồm ông Nguyễn Trung Đức - chủ tọa đoàn và bà Phạm Thị Thủy. Thế nhưng khi phê phán, chỉ trích hội đồng quản trị thì các thành viên này thấy thế nào? Tại sao không nói về trách nhiệm của mình, mình đã làm gì trước những sự việc đã qua? Đó là trách nhiệm chung.
Tính chất không vì mục tiêu lợi nhuận của trường là cần thiết. Tôi mong đại hội bất thường này sẽ trở nên bình thường để trường Hoa Sen gánh vác trách nhiệm tiên phong đổi mới cho giáo dục đại học Việt Nam.
Cổ đông Nguyễn Thị Hòa cho rằng không có cổ đông nào đầu tư vào đây với mong muốn chia lợi nhuận. Trước những sai sót, chúng tôi mong muốn ngồi lại đối thoại và chia sẻ cùng ban giám hiệu, hội đồng quản trị nhưng đã bị từ chối.
Cổ đông Trần Quốc Bình cho rằng báo cáo của đại hội có phần không chính xác khi cho rằng trách nhiệm của bà Phượng về nhân sự khi khoa Khoa học - công nghệ cứ 19 tháng thay trưởng khoa một lần. Ông cho biết mình làm trưởng khoa liên tục nhiều năm chứ không phải thay 19 tháng một lần. Ông cũng đề nghị cần phải xác định bà Phượng có trục lợi cá nhân hay không.
Một cổ đông khác phát biểu và đề cập đến tính pháp lý của đại hội cổ đông bất thường này và ông cho rằng đại hội tổ chức không đúng pháp luật. Thành viên chủ tọa đoàn đã ngắt lời và cho rằng đại hội được tổ chức đúng quy định khi đủ tỷ lệ cần thiết. Ông này tiếp tục công bố thư ngỏ của bà Bùi Trân Phượng, giải thích vì sao bà không đến dự đại hội. Lúc này, chủ tọa đoạn liên tục ngắt lời. Sau khi tranh cãi qua lại, các cổ đông lại tranh cãi gay gắt về điều này vì cho rằng như thế là mất thời gian. Các bên tiếp tục cãi nhau và mất khoảng gần 10 phút đại hội mới có thể tiếp tục.
Thành viên chủ tọa đoàn ngắt lời và kết thúc phần thảo luận. Đại diện chủ tọa đoàn trả lời các ý kiến của cổ đông.
Trong khi thành viên chủ tọa đoàn liên tục ngắt lời cổ đông vì cho rằng để tiết kiệm thời gian thì trong phần trả lời của mình, ông lại nói lại những sai sót của bà Phượng. Ông cũng chỉ đề cập đến sự quan tâm, đầu tư phát triển đại học Hoa Sen mà không đề cập đến vấn đề bà Phượng có trục lợi cá nhân hay không do cổ đông đưa ra.
Sau phần thảo luận, đại hội tiến hành bỏ phiếu kín, bãi nhiệm hội đồng quản trị và bầu thành viên hội đồng quản trị mới.
Cuối giờ trưa, Đại hội đồng cổ đông đã bỏ phiếu kín bãi nhiệm Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Kết quả, 5/7 thành viên hội đồng quản trị bị bãi miễn, chỉ còn lại ông Nguyễn Trung Đức và bà Phạm Thị Thủy.
Tuy nhiên, bà Thủy đã tự nguyện không tham gia Hội đồng quản trị và đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Sau đó, Đại hội đồng cổ đông đã tiến hành bầu 6 thành viên hội đồng quản trị và các thành viên Ban kiểm soát mới.
Kết quả, chủ tịch hội đồng quản trị mới là ông Lưu Tiến Hiệp và các thành viên Nguyễn Trung Đức, Nguyễn Ngọc Duy, Tô Ngọc Ngời, Huỳnh Minh Việt và Trần Phước Huy.
Các thành viên Ban kiểm soát gồm Nguyễn Hoàng Chương, Nguyễn Hữu Phát, Phan Hữu Tấn Đức, Võ Thị Anh Thy và Đặng Nguyễn Hương Quế Bình.
Kết quả bầu HĐQT này chưa có giá trị ngay mà còn phải chờ UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phê duyệt.
Minh Giảng
tuổi trẻ
|