500 tờ giấy cho năm phút thông quan
Theo một chuyên gia của USAID, dường như Việt Nam rất thích có nhiều số liệu, nhiều thông tin và rất thích kiểm tra nên mới đòi hỏi nhiều thủ tục ở DN.
“Thực tế thời gian thông quan chỉ năm phút là xong một tờ khai. Song để có một tờ khai hải quan hoàn chỉnh là một tập dày 500 tờ đi kèm”. Câu chuyện doanh nghiệp (DN) đi làm thủ tục được ông Nguyễn Giang Tiến, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu, nêu lên tại hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức vào ngày 31-7. Đây cũng chính là bài toán nan giải cho môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay.
Quá nhiều chứng từ, lãng phí khủng khiếp
Theo ông Tiến, DN xuất nhập khẩu không chỉ mệt vì khâu thông quan mà còn mệt ở những khâu khác trước và sau thông quan, bởi lẽ hiện nay chính sách quản lý giữa hải quan và các cơ quan khác (Bộ Công Thương) có sự lệch nhau. “Trong đó phải kể đến là các chứng từ đi dọc đường, mặc dù hải quan không yêu cầu chi tiết nhưng quản lý thị trường (QLTT) lại quản lý chi tiết. Thậm chí có trường hợp nhập vải còn bị QLTT lôi hàng ra đo bao nhiêu mét!” - ông Tiến bức xúc và đề nghị phải có quy định để các cơ quan chuyên ngành kết nối với hệ thống hải quan để DN bớt khổ.
Làm thủ tục hải quan tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM. Ảnh: Hữu Luận
|
“Tại sao không dùng một mã code để quản lý cho dễ. QLTT muốn kiểm tra hàng hóa chỉ cần một động tác sẽ biết hàng hóa đã được kiểm tra hay chưa” - ông Tiến thắc mắc.
Đề cập đến giấy tờ thủ tục của Việt Nam, ông Olin McGill, chuyên gia quốc tế về phát triển môi trường kinh doanh của dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID, bày tỏ: “Việt Nam là nhà vô địch chứng từ. Dường như Việt Nam rất thích có nhiều số liệu, nhiều thông tin và rất thích kiểm tra nên mới đòi hỏi nhiều thủ tục ở DN. Có nhất thiết cần quá nhiều thông tin và kiểm tra nhiều đến mức mọi sản phẩm xuất nhập khẩu đều phải kiểm tra?”.
Theo ông Olin, thủ tục thuế và thủ tục thương mại qua biên giới ở Việt Nam là rất lớn. Cho dù số lượng tờ khai trên thực tế của các lĩnh vực này không nhiều nhưng trong mỗi tờ khai lại có rất nhiều mục. Để hoàn tất thủ tục, DN phải khai thông tin của mình nhiều lần cho nhiều cơ quan khác nhau.
“Nhiều DN phản ánh hàng hóa của họ được kiểm tra ở nước nhập rồi nhưng vào đến đất liền Việt Nam lại bị kiểm tra tiếp. Hình ảnh những chiếc xe tải đứng xếp hàng dài, những container chồng chất đợi 3-4 ngày để thông quan, để kiểm tra hàng hóa thì đấy là một sự lãng phí khủng khiếp nếu lượng hóa thành tiền” - ông Olin nhắn nhủ.
Gánh nặng từ nhiều phía
Về thời gian, thủ tục hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết gánh nặng của DN nằm ở chỗ liên quan đến nhiều ngành khác nhau. “Hàng muốn qua biên giới còn phải qua cơ quan biên phòng, xuất nhập cảnh, đơn vị cảng, lưu thông từ cảng đến nhà máy rồi năng lực bốc xếp, kiểm tra, kiểm dịch… rất nhiều nguyên nhân” - ông Tuấn nói.
Để gỡ cái khó này, theo ông Tuấn, nhóm hàng hóa vận chuyển qua cửa khẩu, cảng, tạm nhập tái xuất… chỉ cần thông qua trung tâm giám sát chứ không nên can thiệp thủ công. Chẳng hạn như 28% phần việc của hải quan đối với hàng luồng xanh thì 56% số hàng này thông qua không quá 10 phút. Hàng kiểm tra liên quan 11 luật cũng không quá hai giờ. Loại hàng hóa nhập từ nước có rủi ro thì một container cũng không quá tám giờ vì đã có máy soi.
“Điều quan trọng là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tập trung tất cả tờ khai. Mọi tờ khai qua cổng quẹt mã vạch, qua bộ phận tính thuế đã lưu thông tin. Như vậy đưa ra được công cụ kiểm soát. Vấn đề là chọn công nghệ thực hiện và nhận thức con người” - ông Tuấn nhấn mạnh.
72% phần việc còn lại của thương mại qua biên giới mất thời gian nhiều phụ thuộc vào việc kinh doanh cảng, năng lực bốc xếp, bố trí hàng khoa học, năng lực điều động tàu. Còn nhóm liên quan cảng vụ, xuất nhập cảnh quản lý nhà nước tương đối theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng chỉ ra một nhóm khó khăn khác liên quan đến tám bộ cấp phép về tiêu chuẩn hàng hóa. Vấn đề kiểm tra hiện nay có hai loại: kiểm dịch tại chỗ và kiểm tra chất lượng. Để việc này đơn giản cho DN, theo ông Tuấn, đối với hàng hóa nhập từ các nước đã được kiểm tra rồi thì không cần kiểm tra lại. Ngoài ra các bộ, ngành chỉ nên ra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, còn giao cho hải quan thực hiện kiểm tra để tiện cho DN.
Việc kê khai hải quan tại các cảng quốc tế như cảng Hải Phòng, nếu theo thông lệ thì hải quan Hải Phòng chịu trách nhiệm toàn bộ nhưng ở Việt Nam DN phải có tờ khai hải quan khu vực 1, khu vực 2, khuc vực 3… riêng biệt. Trong đó các hải quan ở từng dịch vụ riêng lại có một mã số riêng nữa. Vì vậy mà hằng năm chúng ta có hàng triệu tờ khai. Với số lượng tờ khai như vậy cho dù mỗi tờ khai chỉ mất một giây thôi cộng lại cũng tạo nên con số khủng khiếp.
Ông Nguyễn Giang Tiến, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu
Về phần thủ tục, biểu mẫu và số lần kê khai thuế, hoàn thuế thì Bộ Tài chính có thể điều chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế để giảm được thời gian nộp thuế xuống. Hiện Bộ đang sửa ba thông tư liên quan đến thuế. Nếu thực hiện nộp thuế theo ba thông tư này thì thời gian nộp thuế giảm xuống còn hơn 300 giờ/năm.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|
Thu Hằng
Pháp luật TPHCM
|