Thứ Hai, 04/08/2014 06:36

Tín dụng: Bao giờ mới chạy?

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước đi quyết liệt, trong đó có việc hạ lãi suất. Thế nhưng, kết quả có vẻ chưa được như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 6, tín dụng chỉ tăng trưởng 3,52%, thấp hơn con số 4,5% cùng kỳ năm ngoái.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trước đây đã được hạ xuống còn 10%.

Mức tăng trưởng tín dụng thấp thực ra đã được cảnh báo từ nhiều tháng trước và khiến thị trường lo ngại. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận tăng trưởng tín dụng hiện đang ở mức thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trước đây đã được hạ xuống còn 10%. Để hiện thực hóa điều này, Ngân hàng Nhà nước đang thi hành nhiều biện pháp, được xem là mới hơn so với năm 2013.

Thứ nhất là giải pháp tăng tín dụng thông qua ngoại tệ. Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, trong một lần trả lời báo giới cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2014, khi tín dụng còn đang tăng trưởng thấp, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ, qua đó góp phần tăng tín dụng chung của nền kinh tế”.

Số liệu cho thấy tín dụng bằng ngoại tệ (chủ yếu là đồng USD) tăng mạnh hơn nhiều so với tín dụng bằng nội tệ. Tính đến cuối tháng 6.2014, tín dụng ngoại tệ tăng 12,03% so với cuối năm ngoái, trong khi tín dụng bằng tiền đồng chỉ tăng 2,17% (ở thời điểm tháng 6.2013, tín dụng bằng tiền đồng tăng đến 7,55%). Sở dĩ như vậy là vì lãi suất các khoản vay bằng ngoại tệ rẻ hơn khá nhiều so với nội tệ. Cụ thể, lãi suất vay ngoại tệ vào khoảng 4-6%/năm so với 8-10%/năm của nội tệ.

Trên thực tế, tín dụng ngoại tệ chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ để hạn chế tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, trong thời điểm này, những doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vẫn có thể được xem xét vay nếu như lĩnh vực hoạt động thuộc diện ưu tiên, khuyến khích.

Một động thái quan trọng khác là sự cam kết ổn định tỉ giá từ phía Ngân hàng Nhà nước. Tỉ giá ổn định giúp nhu cầu vay mượn đồng USD tăng lên khi lãi suất vay thấp. Nhu cầu nắm giữ đồng USD cũng tăng nhờ đồng tiền này mạnh lên một cách tương đối so với tiền đồng sau động thái tăng tỉ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng thêm 1% hồi tháng 6 của Ngân hàng Nhà nước.

Bên cạnh đó, ngày 24.7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 5342 thúc đẩy các ngân hàng tăng cường khả năng cho vay tín chấp bằng cách cải thiện hệ thống đánh giá rủi ro tín dụng của khách hàng.

Văn bản này cũng gần giống với văn bản 7558 ban hành vào tháng 10.2013, theo đó Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp đang nợ được vay thêm nếu có dự án kinh doanh tốt. Tuy nhiên, các ngân hàng không mấy mặn mà với việc cho đối tượng này vay thêm. Họ cũng sẽ không dám đặt nhiều kỳ vọng vào những khoản vay tín chấp vì việc cho vay không có tài sản đảm bảo mang lại rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu còn khá nhạy cảm như hiện nay.

Vậy với những biện pháp mới nói trên, liệu có thể kỳ vọng vào sự cải thiện trong tăng trưởng tín dụng vào cuối năm nay? Hồi giữa tháng 11 năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có cuộc nhóm họp với 14 ngân hàng thương mại lớn để bàn về giải pháp tăng trưởng tín dụng trong thời điểm cuối năm. Lúc đó, tín dụng mới chỉ tăng trưởng ở mức gần 8%. Tuy nhiên, đến hết tháng 12, con số này đã leo lên mức 12,5%. Nhìn vào thực tế này, có lẽ còn quá sớm để kết luận về khả năng hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay.

Thực ra, ở trường hợp cuối năm 2013, chỉ cần giải ngân vài dự án có quy mô vốn đầu tư lớn là tín dụng trong hệ thống sẽ được báo cáo là tăng mạnh, nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp lớn là được vay.

Suy cho cùng, bản chất của con số tăng trưởng tín dụng đơn thuần vẫn chỉ là ở con số và rất dễ có tăng trưởng “ảo”. Đó cũng là nghi vấn mà thị trường đặt ra với sự chuyển biến tích cực của tín dụng hồi tháng 6 năm nay.

Có nhiều con số tăng trưởng được các cơ quan hữu quan đưa ra. Theo Vụ Chính sách Tiền tệ, tính đến ngày 25.6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%. Còn ở Hội nghị sơ kết ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước lại công bố con số 3,52% tính đến ngày 30.6. Như vậy, tín dụng nhảy thêm hơn 1,2 điểm phần trăm chỉ trong gần 1 tuần.

Sự “nhảy vọt” của tín dụng đã có nhiều tiền lệ. Lần gần đây nhất là hồi tháng 4 vừa qua. Tăng trưởng tín dụng tính đến hết ngày 22.4 chỉ là 0,62%, trong khi đến ngày 26.4, con số này là 0,93%, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước thông qua báo chí. Còn theo website của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tháng 4 (tức tính đến ngày 30.4) ở mức 1,43%.

Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước đang rất nỗ lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhưng những nỗ lực ấy chưa cho thấy kết quả cụ thể, ngoài những con số tăng trưởng hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.

Điều đáng lưu tâm ở đây là dòng vốn đó có thực sự đi vào nền sản xuất hay không. Theo báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, có hơn 1 nửa số doanh nghiệp được hỏi không có nhu cầu vay vốn ngân hàng. Trong khi đó, hơn 85% lượng trái phiếu chính phủ phát hành vẫn được các ngân hàng mua vào đều đều.

Câu chuyện cuối cùng vẫn quay về sức cầu yếu của nền kinh tế. Để kích thích sức cầu, chỉ còn cách là hạ lãi vay xuống một mức nhất định. Theo dự báo của Ngân hàng HSBC hồi đầu tháng 7, lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ được giữ ổn định và không giảm dưới mức 5%. Trước đó, lãi suất trên thị trường mở đang có xu hướng giảm dần. Vấn đề đặt ra là lãi vay giảm đến mức nào thì tín dụng mới tăng được trở lại?

Thiên Phong

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   “Lãi suất có điều kiện để tiếp tục giảm” (03/08/2014)

>   Cho vay tín chấp: Một lối thoát cho doanh nghiệp (03/08/2014)

>   VietABank: Quý 1 lỗ 59 tỷ, quý 2 lãi ròng 67 tỷ đồng, huy động và cho vay giảm 18% (02/08/2014)

>   VAMC: Đã đến lúc phải có “tiền tươi thóc thật” (02/08/2014)

>   Con cá và cuộc “tháo chạy” của ngân hàng (02/08/2014)

>   Chủ tịch Vietcombank: “Không có gì ngạc nhiên khi hỗ trợ VNCB” (01/08/2014)

>   OceanBank: Triển khai chương trình “Tiếp sức doanh nghiệp 90+” (01/08/2014)

>   Vietcombank tham gia tái cơ cấu VNCB (01/08/2014)

>   NamABank: Gia đình Chủ tịch Nguyễn Quốc Toàn nắm 14.2% vốn (01/08/2014)

>   Ngân hàng SCB: Lãi trước thuế 6 tháng đạt 123 tỷ, vượt 2% kế hoạch năm (01/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật