VAMC: Đã đến lúc phải có “tiền tươi thóc thật”
TS. Trần Du Lịch
|
TS. Trần Du Lịch – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.
* Tổng Giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy: Hỗ trợ VAMC mua nợ nhanh
* Bầm dập xử lý nợ xấu
Tiến trình xử lý nợ xấu của ngành NH có vẻ như đang chậm lại do quyền năng của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) bị hạn chế?
Bên cạnh vấn đề vướng mắc như: thị trường mua bán nợ chưa hoàn thiện, vấn đề định giá tài sản khó khăn, hay chưa có công ty định giá mua bán nợ… tôi cho rằng VAMC đang gặp 3 cản trở lớn khác.
Thứ nhất, một công ty mua bán nợ mà có số vốn điều lệ quá nhỏ nên chỉ mua được nợ bằng trái phiếu đặc biệt mà, nói nôm na, giấy nợ thì rất khó mua được nợ. Trong khi đó đa số các nước trên thế giới đã từng XLNX thành công thì họ phải sử dụng nguồn tiền tươi, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ.
Thứ hai, việc mua nợ xấu hiện nay thực sự chỉ là chuyển nhượng tạm thời và đa số chính là tài sản đảm bảo bằng BĐS. Trong khi đó, thanh khoản trên thị trường BĐS rất thấp, không luân chuyển được nên NH, VAMC không có dòng tiền để xử lý nợ. Bên cạnh đó, VAMC cũng khó bán được tài sản đảm bảo bằng BĐS vì còn vướng nhiều thủ tục nhiêu khê khác.
Thứ ba, khi bán nợ xấu cho VAMC, theo quy định thì TCTD phải trích lập từ 20% đến 100% dự phòng rủi ro... Với mức trích lập dư phòng rủi ro trên, trong bối cảnh lợi nhuận của các TCTD rất kém thì lấy gì mà trích lập? Những khoản nợ mà bán cho VAMC là những khoản nợ cực xấu mà bản thân TCTD không tự xử lý được nên phải bán cho VAMC và họ cũng đang khó khăn nên việc vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu đã bán sẽ không giảm được mấy áp lực cho NH.
Ba hạn chế này chúng ta đã nhìn thấy trước chứ không phải mới đây. Nhưng càng đi vào hoạt động một thời gian thì VAMC càng bộc lộ rõ những vướng mắc này. Mặc dù sự nỗ lực để thành lập VAMC của NHNN rất đáng hoan nghênh nhưng tự hệ thống NH và VAMC khó giải quyết nhanh được nợ xấu. Một vấn đề nữa là tôi có cảm giác xử lý nợ xấu lại đang trông chờ vào sự khai thông, khởi sắc của thị trường BĐS, hành lang pháp lý cho việc bán tài sản đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tại sao thị trường BĐS lại có tầm ảnh hưởng lớn tới xử lý nợ xấu, thưa ông?
Nợ xấu đa số liên quan đến thị trường BĐS và có nguồn gốc từ BĐS và dần lây lan rộng ra các lĩnh vực khác. Bởi tất cả các công trình xây dựng nói chung và BĐS lớn trên đất nước ta hiện nay ít hay nhiều đều có nguồn tiền từ hệ thống NH đổ vào. Nhiều khu đô thị được xây dựng có đầu tư từ nguồn vốn của NH, nay bị bỏ hoang hoặc không bán được đã trở thành những khoản nợ xấu. Kể cả xây dựng các công trình giao thông bằng hình thức BOT cũng vay tiền NH.
Có nghĩa là nếu thị trường BĐS sớm hồi phục sẽ hỗ trợ cho VAMC giải quyết nợ xấu?
Thị trường BĐS rất khó hồi phục sớm vì cung cầu méo mó hoàn toàn. Đó là hậu quả của tình trạng đầu cơ BĐS kéo dài trong nhiều năm. Khi tài sản thế chấp với thị trường chuyển nhượng tài sản này không lưu thông, khiến cho xử lý nợ xấu gặp khó. Thanh khoản của tài sản đảm bảo không có thì VAMC làm sao bán lại được? Ngoài ra, thủ tục hành chính còn vướng, thậm chí nhiêu khê thì phải tháo gỡ, nhưng khi bán nợ cũng phải chịu lỗ thì mới bán được.
Ví dụ, một tài sản BĐS trước đây trị giá 100 tỷ đồng, NH định giá và cho vay 70 tỷ đồng, bây giờ tài sản đó đưa ra bán chỉ được 50 tỷ đồng, thậm chí chỉ 30 tỷ đồng thì có quyết định bán đi hay không? Chúng ta phải chấp nhận chịu lỗ nhưng để cả hệ thống tốt và minh bạch lên thì mới được. Nếu cứ để tất cả tài sản đảm bảo đang ở trên một giá trị ảo thì làm sao xử lý được nợ xấu.
Chúng ta đang trông chờ thị trường BĐS khởi sắc lại, nhưng theo tôi thị trường khó điều chỉnh sớm, phải hết năm 2015 mới lạc quan.
Có ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần đưa “tiền tươi thóc thật” ra thì việc xử lý nợ xấu mới tiến triển nhanh và hiệu quả. Ông có thể nói thêm điều gì?
Tôi nghĩ phải đưa ra 20% lượng “tiền tươi thóc thật” trên tổng số nợ xấu hiện nay mới được, vì VAMC hiện chỉ có 500 tỷ đồng vốn điều lệ thì không đủ nguồn lực để có thể xử lý được nợ xấu. Giả sử nợ xấu hiện nay là 100 nghìn tỷ đồng thì VAMC phải có 20 - 30 nghìn tỷ đồng là “tiền tươi thóc thật” mới xử lý được.
Nguồn tiền này có thể không lấy từ ngân sách Nhà nước mà Quốc hội đã thông qua, nhưng có thể tận dụng các nguồn quỹ đang tạm thời nhàn rỗi của Chính phủ để dành cho việc xử lý nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!
Quang Cảnh thực hiện
thời báo ngân hàng
|