Thủy sản khẳng định vị thế xuất khẩu
Trong 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản liên tục tăng trưởng ở mức cao 24,5% so với cùng kỳ năm 2013, đạt 4,2 tỷ USD. Không chỉ giữ vững tại các thị trường nhập khẩu chủ lực, thủy sản Việt Nam càng khẳng định vị thế bằng sự tăng trưởng ở hầu hết các thị trường khác.
Giữ vững thị trường chủ lực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục có đà tăng trưởng mạnh phải kể đến vai trò chủ đạo của mặt hàng tôm. Đặc biệt sản phẩm tôm thẻ chân trắng đã có sự phát triển tốt tại nhiều thị trường với mức tăng trưởng hầu hết ở 2 con số, thậm chí với 3 con số như thị trường Mỹ, Hàn Quốc. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng đạt 1,06 tỷ USD (tăng 133% so với cùng kỳ năm ngoái), đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tôm lên gần 1,8 tỷ USD (tăng 62%), đồng thời chiếm trên 49,5% giá trị xuất khẩu thủy sản.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại công ty TNHH Thịnh Hưng (Khánh Hòa)
|
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lợi thế Việt Nam có nguồn nguyên liệu ổn định, đặc biệt là nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh nên 6 tháng đầu năm nay, sản lượng tôm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013; trong đó sản lượng tôm chân trắng đã tăng 400%.
Về cơ cấu thị trường, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23% tỷ trọng xuất khẩu và thị trường này đang có xu hướng nhập khẩu nhiều sản phẩm tôm của Việt Nam nên dự báo xuất khẩu thủy sản sang đây vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, EU tiếp tục là thị trường lớn thứ 2 về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo VASEP, nhờ mặt hàng tôm, Việt Nam hoàn toàn có thể mở rộng thị trường EU hơn nữa. Hàn Quốc, ASEAN và Australia cũng ngày càng khẳng định là những thị trường tiềm năng của Việt Nam. Điển hình là Hàn Quốc, thị trường này đã lấy lại vị trí thứ 4 trong nhóm các nước đơn lẻ nhập khẩu thủy sản của Việt Nam sau khi bị tụt hạng năm 2013 với mức tăng trưởng khá cao (51%).
Tiếp tục nâng cao chất lượng
Mặc dù thủy sản Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc trên trường quốc tế, tuy nhiên trước yêu cầu ngày càng cao của các thị trường buộc Việt Nam phải tính toán kỹ càng hơn bài toán chất lượng. Cụ thể, với ngành cá ngừ, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi giá trị tại 3 địa phương trọng điểm sản xuất cá ngừ là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Hiện nay, tỉnh Bình Định đã tổ chức thí điểm sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phẩn Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), doanh nghiệp tham gia thí điểm cho biết: Sản xuất theo chuỗi, cá ngừ sẽ được bảo đảm chất lượng cao nhất vì cá không chỉ được khai thác, bảo quản đúng kỹ thuật mà từ khâu khai thác đến khi sang thị trường Nhật chỉ mất có 8 đến 10 ngày. Thời gian càng ngắn, sản phẩm cá ngừ càng có chất lượng cao.
Về tôm nuôi, theo ông Nguyễn Huy Điền, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với lực lượng thanh tra sở, tổ chức thanh tra trên diện rộng, đặc biệt là tình hình sử dụng và kinh doanh các chất mà thị trường nhập khẩu có giới hạn hàm lượng sử dụng; đồng thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân các quy trình nuôi để bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Về phía các doanh nghiệp đã từng bước chuyển từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng. Không sử dụng các loại hóa chất cấm, hoặc lạm dụng các chất hóa chất trong quá trình nuôi, bảo quản, chế biến và bắt đầu kiểm soát nguồn nguyên liệu trước khi chế biến bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến. Tùy theo quy mô sản xuất, cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật để ứng dụng các quy trình kỹ thuật nuôi tiên tiến như Quy phạm Quản lý tốt hơn (BMP), Quy phạm thực hành nuôi tốt (GAP) và các tiêu chuẩn quốc tế khác…
Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường nhập khẩu, ngành thủy sản cũng nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, thâm nhập các thị trường tiềm năng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, VASEP đã tổ chức cho các doanh nghiệp xúc tiến thương mại tại nhiều hội chợ thủy sản lớn ở nước ngoài như hội chợ Foodex Nhật Bản, hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ - Boston, hội chợ Thủy sản Toàn cầu - Brusell (Bỉ), hội chợ Thủy sản và nghề cá Busan (Hàn Quốc) và sắp tới ở trong nước sẽ có hội chợ Vietfish 2014. Ngành thủy sản đã chủ động tiếp cận, đàm phán với các đối tác nước ngoài để ký kết các bản ghi nhớ, hợp tác giữa các cơ quan nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, cũng như giải quyết những tranh chấp thương mại hoặc tháo gỡ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đưa thủy sản Việt Nam ra toàn thế giới.
Bích Hồng
tin tức
|