Thị trường bán lẻ - "cuộc chơi" của các "ông lớn"?
Kể từ khi Việt Nam thực hiện các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và mở cửa cho các doanh nghiệp (DN), nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh tại thị trường trong nước đã thúc đẩy thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Bên cạnh những mặt tích cực, hiện các DN trong nước đang đứng trước không ít khó khăn, thậm chí nếu không có chiến lược phát triển hợp lý, rất có thể chúng ta sẽ bị thua thiệt ngay trên "sân nhà".
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hệ thống siêu thị Hapro. Ảnh: TÚ ANH
|
Sức ép mạnh
Bên cạnh những DN trong nước như Hapro, Co.opmart, Fivimart, Ocean mart,... đến nay chúng ta đã cho phép một số DN trong lĩnh vực phân phối có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Tập đoàn Casino của Pháp (các siêu thị BigC), Metro của Ðức (các trung tâm Metro Cash&Carry), Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Parkson (Ma-lai-xi-a), Robinson của Thái-lan (với trung tâm mua sắm Robins),... Ngoài ra, các tập đoàn bán lẻ lớn của thế giới như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp), Emart (Hàn Quốc),... hiện cũng đang quan tâm đến việc thành lập cơ sở của mình tại Việt Nam. Ðiều dễ nhận thấy, phần lớn các tập đoàn này đều có thế mạnh về tài chính, kinh nghiệm, công nghệ,... cộng với sự ưu đãi đầu tư của một số địa phương khiến các DN trong nước cùng lĩnh vực sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cạnh tranh, phân phối hàng hóa. Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) Vũ Thị Hậu cho biết, hiện đang là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa DN bán lẻ trong nước và nước ngoài. Cuộc cạnh tranh này ngày càng cam go hơn đối với các DN trong nước, do không cân sức về nhiều yếu tố như vốn, kinh nghiệm, hàng hóa,...
Ðề cập việc Tập đoàn Metro (Ðức) ký thỏa thuận chuyển nhượng lại hệ thống Metro Việt Nam cho Tập đoàn Berli Juker (BJC) của Thái-lan sẽ gây xáo trộn không nhỏ đối với thị trường bán lẻ trong nước, bà Hậu chia sẻ: Do vị trí địa lý Thái-lan gần Việt Nam, chi phí vận chuyển rất rẻ cho nên hàng Thái từ lâu đã tràn ngập Việt Nam. Trước đây, do chỉ có trên thị trường trôi nổi nên người tiêu dùng vẫn có sự lo lắng về nguồn gốc. Chắc chắn tới đây, hàng hóa Thái sẽ nhập ồ ạt vào thị trường nước ta, có mặt ở khắp mọi nơi. Lúc đó, người tiêu dùng không cần đi cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) mới mua được hàng Thái. Ðiều này trước tiên sẽ ảnh hưởng trực tiếp các nhà sản xuất trong nước, nếu không có phương án nâng cao chất lượng, mẫu mã, cung cách bán hàng và giảm giá, sẽ "cạnh tranh không lại" được với hàng hóa Thái vốn có chất lượng và mẫu mã bắt mắt. Do vậy, để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước, Nhà nước cần xây dựng các "hàng rào kỹ thuật". Trong xu thế hội nhập, các DN bán lẻ trong nước sẽ gặp "cơn bão" thâu tóm của các nhà bán lẻ nước ngoài. Nếu không có chính sách hỗ trợ rõ ràng của Nhà nước về địa điểm, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng..., đến một lúc nào đó, các DN trong nước sẽ buộc phải sáp nhập, thậm chí phải bán lại cho các tập đoàn nước ngoài để tiếp tục phát triển và tồn tại.
Tận dụng cơ hội
Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, với số dân hơn 90 triệu người, trong đó phần lớn dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã ở mức trung bình, thị trường nông thôn chiếm 65% - 70% số dân nhưng chưa được khai thác đúng mức, sẽ là "mảnh đất vàng" cho các DN bán lẻ "dụng võ". Với tốc độ phát triển kinh tế và mức sống ngày càng cải thiện, thị trường Việt Nam có tiềm năng và sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bán lẻ Việt Nam tuy hiện nay đang đứng ở tốp ngoài 30 song vẫn là một thị trường có sức hút mạnh mẽ, đầu tư trong vài năm gần đây của các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài và một số DN trong nước vào lĩnh vực siêu thị và trung tâm thương mại hiện đại đã chứng minh điều đó. Cơ hội như vậy, nhưng thách thức còn nhiều, trước hết các DN Việt Nam phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh là các DN nước ngoài tiềm năng vốn lớn, công nghệ kinh doanh giỏi, công tác quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và được hỗ trợ của các công ty mẹ ở nước ngoài, chủ động trong chuỗi thu mua - phân phối toàn cầu.
Trước sức ép cạnh tranh như vậy, các DN bán lẻ trong nước luôn nỗ lực chiếm lĩnh thị trường. Chuỗi siêu thị Fivimart của Công ty cổ phần Nhất Nam đã cố gắng đổi mới, mở rộng hệ thống bán lẻ nhằm tăng thị phần DN bán lẻ trong nước. Fivimart đã ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hóa, kéo giá siêu thị gần về với giá chợ. Công ty Nhất Nam đã phối hợp Sở Công thương các địa phương tìm được nhà sản xuất uy tín, trực tiếp đưa sản phẩm về tổng kho, tự đóng gói, bảo đảm giá rẻ và chất lượng. Còn Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, từ khi thành lập, Hapro đã mở rộng rất nhanh hệ thống bán lẻ. Ðến nay, Hapro phải tạm dừng mở rộng, nhằm cơ cấu lại những cửa hàng theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp từng khu vực, ngành hàng; phát triển mạng lưới bán lẻ về vùng nông thôn, đến tận huyện, xã, mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 50% doanh thu từ khu vực nông thôn. Nhưng việc triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do thu nhập của khu vực này còn thấp. Do khó thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng truyền thống của nông dân, việc đầu tư về khu vực nông thôn thực tế của Hapro chưa đem lại hiệu quả. Ðiều đó giải thích vì sao các DN nước ngoài với nội lực mạnh mẽ cũng chỉ cố gắng chen chân vào các thành phố lớn, bỏ ngỏ thị trường nông thôn. "Ta không thể cạnh tranh trực diện với các DN nước ngoài "trên đường lớn", cho nên phải tìm các "đường nhỏ, ngõ ngách" để phát triển và tồn tại. Thị trường nông thôn là một hướng đi khả thi, nhưng nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về đất đai, thì các DN trong nước sẽ không thể đứng vững được trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này", Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Vượng chia sẻ.
Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Nguyên Năm khẳng định, thị phần của các DN bán lẻ nước ngoài vẫn chưa áp đảo DN trong nước. Hiện nay, cả nước có khoảng 900 cơ sở bán lẻ hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại,...) trong đó khoảng 7% của DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trên góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công thương đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN phân phối, cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài cùng với những giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng hóa một cách cụ thể. Các DN Việt Nam nên tận dụng tốt các thế mạnh vốn có của mình như nắm bắt tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng, xác định rõ thị trường mục tiêu, có các hoạt động quảng bá thương hiệu bài bản, hiệu quả, từng bước xây dựng hệ thống bán lẻ văn minh, hiện đại đi đôi với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thái độ phục vụ văn minh, nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường.
Kiểm soát bằng "hàng rào kỹ thuật"
Các nước phát triển đều mở cửa thị trường nhưng chỉ trên danh nghĩa, thực chất họ sử dụng rất nhiều các "rào cản kỹ thuật" và thuế quan để kiểm soát gắt gao lượng hàng hóa nhập khẩu. Nếu có mặt hàng nào nhập khẩu chiếm hơn 8% tổng thị phần, ngay lập tức sẽ được cơ quan quản lý "chăm sóc" rất kỹ lưỡng nhằm hạn chế lượng hàng nhập khẩu. Vì vậy, câu chuyện của nước ta khi mở cửa thị trường là phải tăng cường các "hàng rào kỹ thuật" và thuế quan, để từ đó khống chế và kiểm soát tốt về số lượng cũng như chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác.
TS Lê Đăng Doanh (Chuyên gia kinh tế)
|
Nguồn nhân lực yếu
Nguồn nhân lực đang là một trong những điểm yếu nhất của các DN bán lẻ Việt Nam. Nhân lực bán lẻ gồm hai nhóm: nhân viên trực tiếp bán hàng, kho, kế toán, thu ngân và nguồn nhân lực cấp trung - cao. Cả hai nhóm nhân lực này rất quan trọng nên cần phải đầu tư hơn nữa và có sự bứt phá để phát triển tốt. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này, các DN Việt Nam cần tự đổi mới mình trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa, có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn. Mặt khác, DN bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam cần phải tuân thủ các quy định pháp luật nước sở tại.
Ðinh Thị Mỹ Loan (Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam)
|
Hoàng Hải Anh
Nhân dân
|