Thứ Năm, 21/08/2014 16:51

Siêu bộ quản lí tập đoàn - nên chăng?

Thành lập một cơ quan “siêu bộ” để quản lý các tập đoàn – tương tự như một ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại các DNNN để tách bạch quản lý và vốn nhà nước tại các DNNN nói chung đang là đề xuất được nhiều người quan tâm. Nhưng đề xuất này nếu triển khai chưa chắc “tối ưu” mà còn có thể lợi bất cập hại.

* Nên bỏ cơ chế bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước

* Quản lý vốn đầu tư của nhà nước vào DN: Thiếu cơ chế giám sát

* Nhiều "ông lớn" càng kinh doanh càng lỗ "khủng"

 

Theo khẳng định của Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – ông Bùi Văn Dũng, thực hiện đề án về đổi mới mô hình tổ chức, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN nhà nước (DNNN), Viện đã nghiên cứu và đề xuất ba phương án trong đó phương án tối ưu nhất là lập một Ủy ban quản ly vốn Nhà nước tại các DNNN, mỗi thành viên ủy ban chịu trách nhiệm các vấn đề riêng, ai sai người đó chịu trách nhiệm. Người đứng đầu là Phó thủ tướng.

Vì sao lợi bất cập hại?

Tuy đây mới chỉ là đề xuất nhưng câu hỏi đầu tiên đặt ra cho “siêu bộ” này, với hình dung nêu trên, sẽ là vấn đề nhân sự. Vậy, ai sẽ là thành viên ủy ban? Phải chăng, mỗi một Tập đoàn, TCty Nhà nước cử một thành viên vào Ủy ban? Hay, mỗi một Bộ có quản lý DNNN sẽ cử thành viên vào Ủy ban? Cho dù là một trong hai cách này thì với việc “thành viên ủy ban chịu trách nhiệm các vấn đề riêng”, có thể thấy mục tiêu tách bạch giữa quản lý chính sách và lợi ích nhóm – như mục tiêu đề án đặt ra – sẽ khó khả thi. Trong trường hợp ngược lại chọn hướng quản lý chéo, ông đại diện “Bộ” này sẽ quản lý việc của ông đại diện “Bộ” kia, thì câu chuyện lại càng bất khả bởi mỗi một Bộ, với các DNNN dưới Bộ mình, lại liên quan đến những cơ chế, lĩnh vực kinh doanh đặc thù không ai giống ai, cũng không ai “quyết” hộ ai được, cho dù phía dưới họ, những ai có thẩm quyền đều sẽ phải chịu trách nhiệm với các quyết định cụ thể của mình.

Từ góc độ này để thấy một “siêu bộ” như vậy “có quyền bổ nhiệm, ký hợp đồng quản lý, miễn nhiệm, kỷ luật từ chủ tịch HĐQT đến các thành viên HĐQT của công ty, quyết cả cơ cấu tổ chức, chiến lược, kế hoạch, quyết việc sử dụng lợi nhuận sau thuế của DNNN...” e chừng là một trọng trách nặng nề và có thể mâu thuẫn lợi ích, trách nhiệm với những người có thẩm quyền phía dưới (những người đứng đầu một Tập đoàn, điều hành TCty). Chẳng hạn, nếu như “siêu bộ” quyết chiến lược của một DNNN là chuyển hướng đầu tư trực tiếp từ nông nghiệp sang đầu tư vào các Cty sản xuất liên ngành để hỗ trợ chuỗi giá trị nông - ngư nghiệp (như cung cấp thức ăn cho cá) trong trường hợp thất thoát vốn hoặc thua lỗ, thì ai ở “siêu” bộ chịu trách nhiệm về chiến lược này, hay Tổng giám đốc của DNNN đó phải chịu trách nhiệm? Nói nôm na ở đây, vấn đề quản lý trước hết là con người. Chưa nói đến quản lý cả ngàn DNNN mà chỉ nội chuyện quản lý khoảng 40 DN Tập đoàn trong đó có SCIC đã đòi hỏi nếu hình thành một tổ chức như vậy, các nhà quản lý tham gia Ủy ban phải có đủ năng lực tư vấn chiến lược, kế hoạch… cho các DN, Tập đoàn thuộc mỗi Bộ khác nhau. Như vậy chẳng khác nào chũng ta buộc đòi hỏi có có những “big man” - siêu nhân - trong một “supper team” - siêu nhóm với năng lực… am hiểu đa ngành nghề, đa lĩnh vực, đa chính sách.

Nên có nhiều SCIC

Trong khi mô hình “siêu bộ” quản lý tập đoàn có thể gây nghi ngại, thì một ý kiến “con” trong mô hình này xem ra lại khá phù hợp với mục tiêu quản ly vốn Nhà nước. Cũng theo ông Bùi Văn Dũng thì TCty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC sẽ là cánh tay nối dài của ủy ban quản lý giám sát DNNN để quản lý, bán dần các DNNN nhỏ. Hướng là sẽ thành lập 3-4 SCIC, theo vùng miền, như SCIC miền Bắc, SCIC miền Trung, SCIC miền Nam... Ngoài ra các DN quốc phòng, an ninh quan trọng, chỉ còn một số DN công ích, gắn chặt với địa phương, hoặc với các bộ thì vẫn để các bộ chuyên ngành hoặc UBND các địa phương quản lý. Tôi cho rằng việc phát triển thêm các SCIC khu vực, hoặc theo bộ, ngành, là một định hướng có thể hoàn toàn đảm bảo mục tiêu tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện vốn chủ sở hữu tại DN. Trong đó, nếu thành lập SCIC theo Bộ hay theo nhóm ngành thì càng hợp lí và chuyên nghiệp hóa hơn, có thể nâng cao hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tốt hơn, cũng phù hợp với chiến lược phát triển tài chính vi mô của nền kinh tế - điều mà Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến như một lỗ hổng của Việt Nam.

Việc quản lý dòng vốn luôn song hành với chiến lược kinh doanh của các tập đoàn và TCty. Trách nhiệm hoạch định và tính khả thi của các dự án tuỳ thuộc vào chiến lược ngành và chiến lược kinh doanh của từng Cty. Vì vậy nó phải song hành với chiến lược nguồn vốn và dòng tiền. Nghĩa là các bộ phải chịu trách nhiệm về chiến lược ngành của mình và chịu trách nghiệm về hiệu quả của các tập đoàn, TCty trong ngành do mình phụ trách. Và vì vậy việc quản lý vốn cũng phải do một SCIC của các bộ hay cá nhóm bộ ngành. Chỉ có điều là chuyển quyền đại diện sở hữu chủ từ các cơ quan Nhà nước sang Cty đại diện, tức các State Holding như cách gọi của quốc tế. Và ý nghĩa holding sẽ rất rõ ràng đối với mô hình SCIC. Đồng thời ý nghĩa bám sát chiến lưọc kinh doanh theo từng bộ ngành, hay nhóm ngành và địa phương cũng được thể hiện. Tức duy trì giữa tập trung hoá và khác biệt hoá, chứ không phải là tập trung hoá hoàn toàn như mô hình siêu bộ.

Một “siêu bộ”e chừng là một trọng trách nặng nề và có thể mâu thuẫn lợi ích, trách nhiệm với những người có thẩm quyền phía dưới.

Sự khuôn định dòng vốn Nhà nước vào SCIC mặt khác, cũng có ý nghĩa tăng cường cơ chế nền kinh tế thị trường trong đó bên cạnh vai trò kinh tế Nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân được kích thích và tạo mọi điều kiện phát triển công bằng. Chính phủ Singapore đã thực thi chiến lược này rất thành công với mô hình Temasek Holdings. Việt Nam hiện đang ở trong một giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế với một trong ba trọng tâm là tái cơ cấu DNNN, trong đó cổ phần hóa là một hoạt động để thúc đẩy tiến trình này. Chính phủ hiện đã quyết tâm thực hiện cổ phần hóa hàng loạt DN Nhà nước và chỉ một số ít các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, kinh tế quốc gia và an sinh xã hội, mới nắm 100% vốn chủ sở hữu, nên sự xuất hiện của các SCIC quản lý vốn Tập đoàn, TCty theo bộ ngành cũng sẽ giúp tháo “nút thắt cổ chai” trong thực thi cổ phần hóa khiến các nhà đầu tư e ngại về mức độ đổi mới quản trị, năng lực khai thác thị trường, làm chiến lược thương hiệu… của DNNN.

Vĩ thanh

Một góc độ khác, về vĩ mô quản lý kinh tế với các chiến lược, chủ trương phát triển kinh tế quốc gia, chúng ta hiện đã có Ban Kinh tế Trung ương. Ở góc độ vĩ mô cấp khu vực, Việt Nam hiện cũng đã có các Ban chỉ đạo vùng kinh tế như Tây Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, miền Trung…

Còn xét ở góc độ giám sát, Việt Nam đã có Ủy ban Giám sát Tài chính Tiền tệ Quốc gia. Phía Quốc hội cũng có Ủy ban Kinh tế Quốc hội chuyên trách. Nay nếu lập thêm một Ủy ban quản lý Siêu bộ, vậy Ủy ban này có chồng chéo trách nhiệm với các Ban ở cấp vĩ mô nêu trên? Bản thân Ủy ban Giám sát Tài chính Tiền tệ Quốc gia, thiết nghĩ, cũng đã có trọng trách giám sát quản lý vốn Nhà nước nếu được thông qua SCIC thì sẽ càng dễ dàng hơn. Cùng với Giám sát, chúng ta có Thanh tra Chính phủ. Rõ ràng cái yếu của kinh tế Việt Nam, như Thủ tướng đã nêu, không phải là vĩ mô là cấp vi mô. Làm sao để cấp vi mô quản lý dòng vốn Nhà nước hiệu quả, câu trả lời chỉ có thể chuyên nghiệp và chuyên trách vi mô.

Một khi SCIC chỉ quản lý vốn và chịu trách nhiệm về vấn đề tài chính – vốn của Nhà nước tại DNNN, tin rằng các quan ngại về “móc ngoặc” chính sách và lợi ích nhóm, tham nhũng… cũng sẽ đi vào khuôn khổ quản lý, tiêu trừ. Bởi vì các Cty SCIC hoạt động theo Luật DN và Luật quản lý đầu tư ngân sách nhà nước vì vậy nhân sự của các Cty SCIC và kể cả VAMC, không liên đới đến các vị thế chính trị nếu đưa ra Mô hình siêu bộ. Đây cũng nên được xem là một bước ngoặt khi quốc tế đánh giá Việt Nam có mô hình kinh tế thị trường.

Chuyên gia Võ Văn Quang

dđdn

Các tin tức khác

>   Phát hiện thêm hàng loạt sai phạm tại 3 dự án đường sắt (21/08/2014)

>   Không còn ùn tắc phương tiện vận tải tại cửa khẩu Mộc Bài (21/08/2014)

>   Việt Nam lần đầu tiên có dịch vụ bay thủy phi cơ (21/08/2014)

>   Vỡ mộng giá ô tô (21/08/2014)

>   “Đại gia” Thái chen vào thị trường bán lẻ (21/08/2014)

>   Bình Dương hút doanh nghiệp phụ trợ (21/08/2014)

>   Lo tiền cho doanh nghiệp sắm máy móc mới (21/08/2014)

>   80% số người dân hài lòng dịch vụ hành chính công: Thật hay đùa? (21/08/2014)

>   Rà soát kinh doanh than, quặng tại một số điểm nóng (21/08/2014)

>   Tìm “đất sống” ở thị trường ASEAN (21/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật