Sự việc của Ngân hàng Xây dựng không ảnh hưởng đến thị trường BĐS Việt Nam
Tại Hội thảo với chủ đề “Quản lý thị trường bất động sản và vai trò của các định chế tài chính: Kinh nghiệm của Nhật Bản và gợi ý chính sách cho Việt Nam” mới đây, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tư vấn về chính sách quản lý thị trường BĐS cho chính sách điều hành của Chính phủ. Nhiều vấn đề khác cũng được bàn thảo, như kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của bong bóng BĐS, kinh nghiệm xử lý nợ xấu phát sinh…
Ở nước ta, nguồn vốn cho thị trường BĐS chủ yếu đến từ ngân hàng, trong khi các nguồn vốn từ các định chế tài chính khác (các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…) còn hạn chế. Tính đến hết tháng 12/2013, dư nợ ngân hàng cho vay BĐS khoảng 262.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ, trong khi chi ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản đạt khoảng 77.000 tỷ đồng năm 2013.
Theo ông Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo Ngân hàng BIDV: Tuy dư nợ BĐS của ngân hàng chưa cao, nhưng tài sản đảm bảo tín dụng ngân hàng lại chủ yếu dưới dạng BĐS (khoảng 65%). Ngoài ra, dù quy mô hoạt động kinh doanh BĐS chiếm khoảng 5,4% GDP của Việt Nam năm 2013, nhưng tính lan tỏa của thị trường BĐS lại rất lớn, liên quan đến nhiều ngành nghề, đối tượng khác (như xây lắp, sản xuất nguyên vật liệu, tư vấn thiết kế, lao động, chủ hộ…). Với tính chất như vậy, việc quản lý thị trường BĐS hiệu quả, an toàn và bền vững là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Với thực tế đã trải qua, các chuyên gia Nhật Bản đã rút ra những bài học kinh nghiệm và mong muốn gửi đến các nhà quản lý tài chính, ngân hàng Việt Nam để tránh được “vết xe đổ” mà nước này đã từng gánh chịu.
|
Ông Takashi Hara, chuyên gia của JICA, chia sẻ: Nhật Bản từng trải qua khủng hoảng và bong bóng BĐS trong một thời gian dài lên tới 15 năm. Giá nhà đất từ chỗ tăng cao những năm 1980 đã giảm thê thảm vào những năm 1989 và kéo dài đến 2005. Có thời điểm, quốc gia này đã phải chứng kiến có đến 56 ngân hàng, tổ chức tín dụng bị phá sản vì bong bóng bất động sản bị vỡ, dẫn đến khủng hoảng kinh tế.
Ông Koashi Kazuhisa, Giám đốc nghiệp vụ của SuMi Trust Bank cho rằng, cũng chính vì bong bóng bất động sản bị vỡ nên giá trị tài sản thế chấp cũng như năng lực tài chính của bên vay nhanh chóng yếu đi, từ đó phát sinh một lượng nợ xấu, dẫn tới việc cho vay đình trệ, khiến nhiều tổ chức tín dụng nhanh chóng bị phá sản,
Các chuyên gia đều có chung quan điểm về tình trạng bong bóng bất động sản không ổn định dẫn đến đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính, vì hai lĩnh vực này vốn dĩ là “bình thông nhau”. Liên quan đến nhiều thông tin về sự việc của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam có tác động như thế nào đến thị trường trong nước, bên lề sự kiện, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: Gói tín dụng 50 nghìn tỷ không phải là gói tín dụng mà là chương trình của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam mà thôi. Bởi vì đó là những hoạt động mới khởi đầu, tầm ảnh hưởng và lan tỏa chưa sâu sắc. Nhưng tất nhiên những hoạt động đã ký với các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu và các khách hàng thông qua chương trình này cũng cần được quan tâm hơn. “Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đang quản lý rất chặt chẽ hoạt động của ngân hàng này, nên sự việc lãnh đạo của VNBC bị bắt không ảnh hưởng gì đến thị trường BĐS trong nước” - ông Châu nói.
Ninh Toàn
Báo Xây dựng
|