Thứ Sáu, 08/08/2014 14:47

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và vụ lùm xùm cống dân sinh

Trước thông tin cho rằng, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bị “ăn bớt” hạng mục, chủ đầu tư đã có buổi đối chất với chính quyền và các hộ dân có liên quan tại huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.

Như VnEconomy đã phản ánh, dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình trọng điểm của quốc gia, chạy qua địa phận 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Với chiều dài hơn 105 km, dự án có vốn đầu tư gần 47.000 tỷ đồng và hứa hẹn sẽ thông xe toàn tuyến vào cuối 2015.

Tuyến tỉnh lộ 199 phục vụ giao thông đi lại của người dân xã Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên đang bị bịt lại khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được triển khai qua đoạn này

Trong đó, đoạn qua địa phận huyện Yên Mỹ, Hưng Yên, dự án khi hoàn thành sẽ chia đôi cánh đồng 300 ha canh tác thâm canh của hai thôn Từ Hồ, Mễ Thượng của địa phương này.

Do đó, theo quy hoạch ban đầu, để đảm bảo giao thông cho người dân trong vùng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án - đã cho thiết kế một cầu vượt trên tuyến đường tỉnh lộ 199 băng qua tuyến cao tốc, để giữ nguyên tuyến giao thông vốn có cho người dân.

Thế nhưng, sau đó thay vì làm cầu vượt, ban quản lý dự án đã tiến hành lấp hẳn đoạn đường 199 - đoạn giao với cao tốc, thay vào đó là một cống dân sinh phi tiêu chuẩn, chỉ cao khoảng 2 m, rộng 4 m, nhưng cũng cách tuyến đường 199 gần 3 km.

Tại buổi đối chất với chính quyền và người dân cuối tuần qua, đại diện chủ đầu tư đã nêu nguyên nhân vì sao VIDIFI hủy xây cầu vượt.

Theo đó, trong quá trình tư vấn thiết kế cho dự án, một đơn vị tư vấn của Hàn Quốc đã “gợi ý” huỷ bỏ cây cầu vượt này vì cách đó khoảng gần 1 km cũng đã có một cầu vượt khác, gây mất mỹ quan.

Ý kiến của đơn vị tư vấn sau đó đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, và VIDIFI đã thay đổi thiết kế tuyến đường này.

Tuy nhiên, ngay cả việc làm cống chui dân sinh thay cho cầu vượt, VIDIFI được cho là đã tỏ ra thiếu trách nhiệm với dân khi triển khai cống phi tiêu chuẩn, chỉ cao 2 m, thay vì tối thiểu là 2,7 m như thiết kế của một cống chui thông thường.

Đại diện các hộ dân cho rằng, do cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án lớn, là công trình quốc gia nên họ hoàn toàn ủng hộ, chia sẻ với Nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Việc huỷ xây cầu vượt cũng gần như nhận được những cái gật đầu miễn cưỡng của hàng trăm hộ dân nơi đây.

Song, điều họ phản đối là ngay cả việc đưa chiếc cống chui dân sinh vào thế chỗ một chiếc cầu vượt có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng để mang lợi cho Tổng công ty, VIDIFI cũng “bớt xén” và thay đổi thiết kế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông hàng ngày của người dân.

Phản hồi ý kiến này, đại diện VIDIFI, ông Đỗ Đình Định cho hay, việc doanh nghiệp này làm cống chui phi tiêu chuẩn là do ảnh hưởng đến thiết kế của tuyến cao tốc, không thể nâng cao hơn được, chứ hoàn toàn không phải vấn đề kinh phí!

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ Nguyễn Văn Đoan, việc VIDIFI lý giải huỷ bỏ cầu vượt và xây cống chui phi tiêu chuẩn không phải do vấn đề về kinh phí là không đúng.

Bởi lẽ, với những người có chuyên môn, ai cũng hiểu rằng, nếu làm cống chui đúng tiêu chuẩn sẽ ảnh hưởng đến tuyến cao tốc ở ngay trên, và khi đó, cả một đoạn đường dài đến nhiều km của cao tốc cũng phải nâng lên để phù hợp với chiều cao của chiếc cống. “Rõ ràng, đây là cả vấn đề về kinh phí chứ không hẳn chỉ là kỹ thuật”, Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ nói.

Đáng chú ý, ngay sau khi đại diện VIDIFI khẳng định, cống chui phi tiêu chuẩn “vẫn đảm bảo” giao thông cho người dân, hàng chục hộ dân phản đối quyết liệt và khẳng định “khái niệm đảm bảo đó chỉ phù hợp với những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Còn hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong vùng đều sắm sửa máy móc, công cụ, thậm chí là cả ôtô tải để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, xin hỏi có chui được qua cống cao chỉ 2 m hay không?”

Ông Phạm Văn Biển, đại diện cho các hộ dân khẳng định “chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Nhà nước, ủng hộ chủ đầu tư làm cao tốc, vì thấy ngay từ đầu chủ đầu tư đã tôn trọng lịch sử, tôn trọng những gì đã có, hứa hẹn xây cầu vượt cho dân. Nay, chủ đầu tư đã trở mặt, khiến chúng tôi từ chỗ đã thoát nghèo nay lại phải đối mặt quay về với nghèo đói”.

Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên, Sở Giao thông Vận tải và huyện Yên Mỹ sau đó đều khẳng định, những phản ánh, nguyện vọng của người dân trong vùng là đúng và xác đáng. Song, vì lợi ích chung, ở chừng mực nào đó, thì “người dân trong vùng phải chịu thiệt thòi một chút”.

Từ Nguyên

vneconomy

Các tin tức khác

>   Biện pháp trả đũa của Nga có thể khiến EU thiệt hại 16 tỷ USD (08/08/2014)

>   Còn 400 giấy phép con 'hành' doanh nghiệp (08/08/2014)

>   Giới chuyên gia: Máy bay MH17 có thể bị Su-25 bắn hạ (07/08/2014)

>   Xông vào phòng họp báo đòi nợ chủ công ty vàng (07/08/2014)

>   Trung Quốc ngang nhiên khảo sát xây hải đăng ở Hoàng Sa (07/08/2014)

>   Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân (07/08/2014)

>   “Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nên từ chức nếu không tái cơ cấu” (06/08/2014)

>   Cục trưởng Y tế Dự phòng: 'Dịch Ebola tăng kinh khủng' (06/08/2014)

>   Đình chỉ tuyển sinh chương trình liên kết của Đại học Hoa Sen (06/08/2014)

>   Trả đất vàng trụ sở: Bộ Tài chính, Hà Nội "vênh" nhau (06/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật