Ngân hàng Thụy Sĩ lên tiếng sau 200 năm im lặng
2 ngân hàng hàng đầu của Thụy Sĩ đã tiết lộ các chi tiết của báo cáo tài chính.
Các ngân hàng Thụy Sĩ từ lâu nay vẫn nổi tiếng với những quy tắc ngặt nghèo về việc giữ bí mật. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi khi lần đầu tiên trong 200 năm qua, 2 ngân hàng hàng đầu của Thụy Sĩ đã tiết lộ các chi tiết của báo cáo tài chính.
Theo Bloomberg, Cie. Lombard, Odier SCA (ngân hàng có trụ sở tại Geneva được thành lập từ năm 1796) sẽ chính thức công bố các báo cáo tài chính vào ngày 28/8 tới. Ngân hàng lớn thứ ba của Thụy Sĩ là Pictet & Cie. Group SCA (chỉ đứng sau UBS và Credit Suisse) cũng sẽ có động thái tương tự trong tháng 8.
Dưới áp lực từ các nhà quản lý nước ngoài, hồi tháng 1 vừa qua, hai ngân hàng này phải phá vỡ quy tắc đã có từ hàng trăm năm qua để đáp ứng yêu cầu phải công bố lợi nhuận. Các cơ quan thuế của Mỹ và châu Âu cũng ráo riết điều tra toàn bộ ngành ngân hàng Thụy Sĩ nhằm tìm kiếm những tài sản bị che giấu ở nước ngoài.
Mặc dù Pictet và Lombard Odier chưa tiết lộ họ sẽ báo cáo các số liệu về lợi nhuận với ai, chắc chắn đây sẽ là những thông tin cực kỳ hữu ích đối với các chuyên gia phân tích trong ngành, các nhà đầu tư và cả các khách hàng của hai ngân hàng này. Nguyên nhân là bởi từ lâu nay Pictet và Lombard Odier vẫn được các gia tộc giàu có sử dụng để bảo vệ tài sản của họ. Theo ước tính, hai ngân hàng đang quản lý khoảng 300 tỷ USD cho các khách hàng cá nhân và tổ chức.
Các ngân hàng trên toàn bộ đất nước Thụy Sĩ đang cố gắng thay đổi mô hình kinh doanh để có thể thích nghi với các quy định ngày càng chặt chẽ từ phía các chính phủ. Các cơ quan thuế yêu cầu họ phải báo cáo đầy đủ thông tin chi tiết về khách hàng và các quốc gia cũng mới thông qua thỏa thuận trong đó ngân hàng các nước phải trao đổi thông tin với nhau nhằm giảm thiểu tình trạng gian lận thuế.
Kết quả là các ngân hàng Thụy Sĩ vừa phải đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, vừa phải đối mặt với tình trạng doanh thu sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính.
Pictet là một trong số vài ngân hàng Thụy Sĩ đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vì giúp người Mỹ trốn thuế. Lombard Odier thì tham gia vào chương trình chia sẻ thông tin cùng với hơn 100 ngân hàng Thụy Sĩ khác.
Do có hơn một nửa khách hàng là định chế và các khách hàng cá nhân đều thuộc giới siêu giàu, sau khi ra đời vào năm 1805, Pictet đã phát triển thành ngân hàng tư nhân lớn nhất Thụy Sĩ.
Trong bối cảnh thị trường toàn cầu hồi phục sau khủng hoảng tài chính, quy mô dịch vụ quản lý tài sản cho khách hàng định chế của Lombard Odier đã tăng trưởng từ mức 25,2 tỷ USD cách đây 5 năm lên 44,7 tỷ USD tính đến cuối năm 2013. Ngân hàng này quản lý khoảng 200 tỷ USD cho các khách hàng cá nhân và tổ chức đến từ khắp nơi trên thế giới. Đầu tháng 8, ngân hàng này vừa tuyển dụng Nancy Everett - chuyên gia của BlackRock - nhằm đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các nhà quản lý quỹ của nước Mỹ.
Theo Francesco Lurati - giáo sư tại ĐH Lugano, cung cấp thêm nhiều chi tiết miêu tả mô hình hoạt động sẽ có ích cho các ngân hàng. "Bí mật là điều chỉ thích hợp trong quá khứ. Ngày nay, các ngân hàng cần giao tiếp với những bộ phận quan trọng khác. Họ phải đảm bảo mọi người đều hiểu về những lợi thế cạnh tranh của họ, hiểu rằng họ làm tốt hơn so với đối thủ".
Thùy Linh
Infonet
|