Khi ngân hàng trung ương các nước bối rối
Đà phục hồi ì ạch của nền kinh tế toàn cầu đã đặt các ngân hàng trung ương vào tình thế khó xử.
Tăng trưởng GDP* bình quân của thế giới đang chậm lại
|
Có lẽ chưa bao giờ nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương các nước lại lúng túng như lúc này khi nền kinh tế toàn cầu liên tục phát đi những tín hiệu tốt xấu đan xen. Đó là lý do các ngân hàng trung ương đã tụ họp tại Jackson Hole, bang Wyoming, Mỹ vào tuần qua để cùng bàn bạc tìm ra chính sách điều hành phù hợp.
“Đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu thật đáng thất vọng”, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Stanley Fischer nhận xét.
Đà phục hồi ì ạch này đã đặt các ngân hàng trung ương vào một tình thế khó xử. Một số ngân hàng trung ương lo ngại rằng mức lãi suất thấp họ đang áp dụng để khuyến khích hoạt động đi vay và kích thích tăng trưởng có thể sẽ khơi mào cho một bong bóng tài chính mới.
Tại những nơi như London (Anh) và Vancouver (Canada), giá bất động sản đang tăng rất mạnh. Còn các quan chức của FED thì e ngại khi chứng kiến một cơn sốt phát hành các khoản cho vay lần hai ở Mỹ (tức cho doanh nghiệp hoặc cá nhân đang có những khoản nợ lớn vay, tức rủi ro vỡ nợ của đối tượng này sẽ rất cao) cũng như cơn sốt về “junk bond” (loại trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm thấp, nhưng đem đến lãi suất cao cho các nhà đầu tư không ngại rủi ro). Hiện tại, các nhà lãnh đạo phải trông nhờ vào những chính sách điều hành chưa từng được chứng minh trước đó là có hiệu quả hay không, để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác xảy ra trong khi vẫn duy trì chính sách lãi suất thấp.
FED đang chuẩn bị chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 10 tới. Nhiều tháng nay, các quan chức Mỹ đã định sẵn thời điểm giữa năm 2015 sẽ là lúc họ bắt đầu tăng lãi suất ngắn hạn Mỹ từ mức gần 0% hiện tại. Tuy nhiên, những diễn biến mới gần đây đã gây ra tranh cãi trong nội bộ của FED về việc liệu có nên tăng lãi suất sớm hơn, có thể là vào tháng 3 năm tới. Những diễn biến mới này là việc tỉ lệ thất nghiệp Mỹ đã giảm nhanh xuống còn 6,2% vào tháng 7.2014 từ mức hơn 7% cách đây 1 năm; lạm phát cũng đã tăng nhẹ; các biện pháp liên quan đến thị trường lao động cũng có sự cải thiện. Trước những giằng co này, các quan chức FED muốn có thêm nhiều bằng chứng hơn cho thấy sự cải thiện trên thị trường lao động là bền vững, rồi mới đưa ra quyết định có tăng lãi suất sớm hơn hay không.
John Williams, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco, cho biết ông dự kiến FED sẽ hoãn các đợt tăng lãi suất cho đến mùa hè năm tới. Thời điểm tăng có thể sớm hơn nếu tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm nhanh với tốc độ 1 điểm phần trăm mỗi năm. Thế nhưng, ông không nghĩ việc này sẽ xảy ra.
Tại Anh, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương nước này cũng đang đi những bước rất dè dặt. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Anh sẽ là nền kinh tế trong nhóm các nước phát triển có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2014. Trong dự báo mới nhất của mình, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự đoán GDP sẽ tăng trưởng 3,5% năm nay. Tốc độ tăng trưởng nhanh đã kéo tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Trước những diễn biến này, tuần qua, 2 trong số 9 quan chức thuộc BOE là ông Martin Weale và Ian McCafferty đã kêu gọi nên tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản ngay trong tháng 8 để kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, Thống đốc BOE, ông Mark Carney cho rằng việc tăng lãi suất vào thời điểm này là hơi sớm và phần lớn các quan chức trong BOE đều đồng tình với cách nghĩ của ông. Họ lo ngại nếu tăng lãi suất, người dân Anh sẽ khó xoay xở được với chi phí đi vay cao hơn. Cùng với mức tăng lương yếu ớt, điều này có thể sẽ kiềm hãm tăng trưởng. Họ cũng lo ngại những mối đe dọa từ bên ngoài có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, như đà phục hồi bị chững lại ở khu vực đồng euro và căng thẳng địa chính trị tại Ukraine và Trung Đông.
Các nhà làm chính sách Trung Quốc cũng đang trong tình trạng khó xử. Cách đây vài tháng, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang quay trở lại đường đua: xuất khẩu khởi sắc, tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 7,5% của Chính phủ trong quý II/2014 và đà sụt giảm giá thình lình trên thị trường bất động sản có vẻ như có thể kiểm soát được.
Thế nhưng, niềm vui không kéo dài được lâu. Các số liệu trong tháng 7 cho thấy sự suy yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp, đầu tư và doanh số bán lẻ, sự sụt giảm đột ngột trong hoạt động tín dụng và giá nhà tiếp tục giảm sâu.
Trước đó 1 tuần, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã gióng hồi chuông báo động khi cho biết hoạt động cho vay mới đã giảm 2/3 trong tháng 7 so với tháng trước. Điều này cho thấy gói kích thích kinh tế “mini” mà Trung Quốc tung ra từ nhiều tháng qua đã không hỗ trợ gì nhiều cho nền kinh tế.
Nhật, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, cũng loạng choạng. GDP nước này đã tăng trưởng âm tới 6,8% trong quý II/2014 so với cùng kỳ năm trước, sau khi Chính phủ Nhật tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4. Hiện tại, Ngân hàng Trung ương Nhật đang “vội vã” đưa ra các chương trình mua lại tài sản để kích thích tăng trưởng và cam kết sẽ mua lại tài sản với tốc độ hằng năm khoảng 580 tỉ USD đến 670 tỉ USD.
Một vấn đề đang gây tranh cãi lớn tại Nhật không phải là khi nào Ngân hàng Trung ương nước này sẽ cắt giảm quy mô chương trình mua lại tài sản mà là liệu có nên mở rộng ra thêm. Các con số ảm đạm sau đợt tăng thuế tiêu dùng vào tháng 4 “đã càng khiến cho các nhà làm chính sách Nhật phải tích cực làm mạnh thêm”, tổ chức nghiên cứu Capital Economics nhận xét vào đầu tuần qua.
Không chỉ lo ngại về sức cầu nội địa (bị ảnh hưởng sau đợt tăng thuế tiêu dùng), các nhà làm chính sách Nhật cũng bày tỏ mối lo ngại về đà phục hồi không ổn định của kinh tế thế giới và xem đó là rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế Nhật.
Đà phục hồi của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng bất ngờ chững lại trong quý II/2014 khi GDP chỉ tăng 0,2%, theo Eurostat. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã tăng trưởng âm 0,2% trong quý II, mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 2012. Pháp cũng chững lại, còn Ý thì quay trở lại thời kỳ suy thoái. Vực dậy một khu vực đã tăng trưởng ì ạch quá lâu là một thách thức lớn cho các nhà điều hành chính sách.
Với quá nhiều điều không chắn chắn về kinh tế vĩ mô cũng như sự khó đoán trước về các bước đi trong chính sách điều hành, những tháng còn lại của năm 2014, doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ còn biết phập phồng chờ đợi.
Đàm Hoa (Theo WSJ)
Nhịp cầu đầu tư
|