Thứ Sáu, 22/08/2014 15:09

Kinh tế Đài Loan khó khăn trước áp lực cạnh tranh

Do quá phụ thuộc kinh tế Đại lục, năng lực cạnh tranh Đài Loan bị suy yếu trước sức ép chính trị nội bộ.

Trong vòng vài chục năm, từ nghèo khó Đài Loan đã vươn lên thành một trung tâm thương mại và công nghệ cao ở Đông Á, một “con hổ” châu Á. Vùng lãnh thổ này hiện có hàng trăm tỷ USD dự trữ và thu nhập bình quân đầu người theo sức mua thực tế gần 40.000 USD, ngang hàng với các nước EU. Chỉ tính riêng năm 2013, GDP theo danh nghĩa của Đài Loan đạt 489,213 tỷ USD (xếp thứ 25 trên thế giới), tăng 2.11%, GDP theo sức mua thực tế (PPP) đạt 926,441 tỷ USD (xếp thứ 20 trên thế giới). Điểm độc đáo là so với các “con hổ” Đông Á khác, Đài Loan đi lên từ nguồn gốc tiểu nông lạc hậu, còn hai miền Triều Tiên và Nhật Bản dù sao cũng đã có một nền tảng công nghiệp nặng từ trước Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây chính là yếu tố chính tạo nên “phép lạ kinh tế Đài Loan”.

Mặc dù có cơ sở kinh tế vững chắc như vậy, hiện nay Đài Loan đang đứng trước những thách thức kinh tế nổi cộm trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các thị trường mới nổi cũng như những áp lực về chính trị.

Cuộc Vận động Hoa hướng dương dập tắt hy vọng ECFA

Là một hòn đảo nhỏ, kinh tế Đài Loan phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động trao đổi thương mại, tuy nhiên trên thực tế, Đài Loan vẫn không được đa số cộng đồng quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập, chính vì vậy cánh cửa để nền kinh tế này gia nhập các tổ chức thương mại, các hiệp định thương mại tự do… dường như rất nhỏ hẹp.

Khi mối quan hệ giữa Đài Loan và đại lục nồng ấm lên trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư Đài Loan đến Đại lục tìm kiếm cơ hội làm ăn. Với thị trường rộng lớn, Đại lục cũng là mảnh đất vàng cho xuất khẩu các sản phẩm của Đài Loan như máy móc thiết bị điện tử công nghệ, thiết bị điện và các sản phẩm bán dẫn. Theo thống kê số hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan sang thị trường Hoa lục chiếm đến ¼ tổng khối lượng xuất cảng hàng hóa của nền kinh tế này.

Mới đây vào ngày 21/6/2013, Đài Loan và Trung Quốc đã đi đến quyết định ký kết “Hiệp định thương mại dịch vụ hai bờ eo biển Đài Loan” (ECFA). Hiệp định này được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hợp tác giữa đôi bờ trong các lĩnh vực thương mại, thông tin, xây dựng, y tế xã hội, du lịch, giải trí, văn hóa giáo dục, giao thông, tài chính ngân hàng…

Tuy nhiên, cuộc Vận động Hoa hướng dương diễn ra vào mùa xuân năm nay tại Đài Loan đã dập tắt hy vọng đi đến hồi kết của Hiệp định này. Những người biểu tình cho rằng Đài Loan đang gặp nguy hiểm bị Đại lục nuốt chửng trong bối cảnh các hoạt động thương mại của nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Có thể thấy, sự bất đồng về chính trị dường như vẫn là rào cản lớn nhất trong hợp tác giữa Đài Loan và Hoa lục.

Mới đây từ ngày 26 - 28/7, Đài Loan đã tổ chức “Hội nghị kinh tế thương mại toàn quốc” nhằm tìm ra lối thoát cho những yêu cầu của cuộc Vận động Hoa hướng dương. Theo đánh giá, hội nghị này có ý nghĩa quan trọng đối với một nền kinh tế đang đứng giữa “ngã tư đường”. Theo trang Chinataiwan.com, hội nhập kinh tế hai bờ Eo biển, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu đang là xu thế chủ đạo hiện nay, việc Đài Loan tổ chức hội nghị lần này không chỉ nhằm tháo gỡ các vấn đề kinh tế, mà cao hơn là tìm con đường cải cách và loại bỏ những nhân tố chính trị phức tạp.

Chấp nhận nhường thị trường Hoa lục cho Hàn Quốc?

Nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Đài Loan đưa ra cảnh báo rằng sự cô lập kinh tế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hiện tại, nỗi lo của các nhà lãnh đạo có thể sắp trở thành sự thật và những hậu quả của việc phản đối những cải cách kinh tế và tự do thương mại đang ngày một rõ ràng hơn trong bối cảnh Hiệp định ECFA với Đại lục đứng trước nguy cơ bị đổ bể.

Trong khi đó, Trung Quốc và Hàn Quốc lại đang có kế hoạch đi đến ký kết một hiệp định thương mại tự do, miễn thuế quan hoàn toàn cho các sản phẩm xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc. Đây là một vấn đề lớn với Đài Loan bởi lẽ cả hai nền kinh tế này đều coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, và các nhà xuất khẩu của Đài Loan và Hàn Quốc cũng cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường Hoa lục. Khoảng 50-80% các sản phẩm xuất khẩu của Đài Loan và Hàn Quốc trùng lặp nhau, từ các sản phẩm hóa dầu, sắt thép, vải, cho đến máy móc.

Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, nếu thỏa thuận này không được thực thi theo đúng kế hoạch, khoảng 2-5% xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc sẽ bị thay thế bởi các sản phẩm của Hàn Quốc. Những ngành sản xuất có lợi nhuận thấp như màn hình phẳng, máy móc đứng trước nguy cơ bị phá giá ở thị trường lục địa.

Đài Loan yếu thế trong cuộc cạnh tranh quốc tế

Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay, kinh tế Đài Loan đang phải chịu nhiều sức ép, từ chính trị từ Trung Quốc cho đến những áp lực từ các nền kinh tế mới nổi khác. Do Trung Quốc là một nước quan trọng trong chuỗi cung cấp toàn cầu, nếu Đài Loan bảo hộ thương mại hai bờ thì chính nền kinh tế này sẽ phải chịu thiệt hại. Hơn nữa, hai nền kinh tế này phụ thuộc nhiều vào nhau khi 80% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Đài Loan và 40% lượng xuất khẩu là tại Đại lục.

Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu rằng nước này sẽ ngăn cản Đài Loan tham gia các hiệp định đa phương như TTP nếu Đài Loan không tự do hóa thương mại với Trung Quốc trước tiên. Do vậy con đường để ít phụ thuộc vào Trung Quốc của Đài Loan dường như nằm trong tay Bắc Kinh. Nếu không có cách nào giảm sự phụ thuộc vào kinh tế Đại lục, tương lai của nền kinh tế Đài Loan là đáng bi quan.

Những năm gần đây, Đài Loan đã đạt được những bước tiến về thương mại song phương. Tuy nhiên, theo Bộ Kinh tế Đài Loan, những hiệp đinh với Singapore và New Zealand năm vừa qua chỉ có giá trị trao đổi thương mại ít hơn 30 tỷ USD, trong khi hiệp định thương mại tự do FTA giữa Hàn Quốc và Trung Quốc có thể đe dọa 49 tỷ USD xuất khẩu của Đài Loan.

Hiện tại cả Đài Loan và Hàn Quốc đều bày tỏ mong muốn tham gia TPP. Tuy nhiên, dường như Seoul có ưu thế rõ rệt hơn khi nước này đã ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ nhằm vào nhiều các quy định khắt khe của TPP. Nếu Đài Loan sửa đổi các quy định cũ và nới lỏng các hạn chế về đầu tư, thì nước này có thể thúc đẩy cạnh tranh trong nước, và cho thấy quyết tâm gia nhập TPP.

Nguyễn Nam

tổ quốc

Các tin tức khác

>   Tình hình tài chính công của nước Anh có dấu hiệu cải thiện (22/08/2014)

>   Bank of America bị phạt gần 17 tỷ USD do lừa dối khách hàng (22/08/2014)

>   Dầu tăng bất chấp PMI sản xuất kém khả quan của Trung Quốc (22/08/2014)

>   Vàng sụt gần 20 USD/oz xuống đáy 2 tháng (22/08/2014)

>   Credit Suisse thừa nhận có hoạt động đầu tư tại ngân hàng BES (21/08/2014)

>   Nghị viện châu Âu đề nghị cấm giao dịch bằng đồng rúp của Nga (21/08/2014)

>   "Quỹ kền kền" chỉ trích Argentina vi phạm phán quyết tòa án (21/08/2014)

>   Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ duy trì mức trần tỷ giá đến 2016 (21/08/2014)

>   Moody's hạ mức tín nhiệm của bốn ngân hàng lớn tại Nam Phi (21/08/2014)

>   Nhu cầu quá yếu để tạo đà phục hồi cho nền kinh tế Eurozone (20/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật