Thứ Tư, 06/08/2014 08:26

Hơn 90.000 tỉ đồng chờ... giải ngân!

Đến cuối tháng 7-2014, có đến hơn 90.000 tỉ đồng đang tồn ứ trong Kho bạc Nhà nước. Trong khi đó có nhiều dự án, công trình sử dụng vốn ngân sách đang đói vốn nhưng không thể giải ngân được.

Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông chậm giải ngân do chậm giải phóng mặt bằng và hàng loạt thủ tục hành chính trong điều chỉnh dự toán bổ sung

Theo Bộ Tài chính, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 29-7 Kho bạc Nhà nước đã huy động được 147.281,3 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ.

Trong khi đó, tính đến hết quý 1 năm nay có 25 bộ ngành có tỉ lệ thanh toán vốn xây dựng cơ bản cơ quan đạt 12% so với kế hoạch được giao. Trong đó, có đơn vị vẫn chưa thanh toán được đồng vốn nào như Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ...

Ứ vốn do năng lực nhà thầu hạn chế?

Giải thích nguyên nhân của tình trạng ứ vốn tại Kho bạc Nhà nước, ông Trịnh Nam Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho rằng nguyên nhân là do tỉ lệ thu đạt khá cao trong khi chi thấp hơn. Tính đầu năm đến nay, thu đạt 63,3% so với dự toán, còn chi đạt 59% (trong đó chi đầu tư chỉ đạt 57%). Năng lực tài chính của nhà thầu còn hạn chế cũng dẫn đến chuyện ứ vốn.

Bên cạnh đó, một số đơn vị tư vấn giám sát có năng lực cũng yếu nên chậm hoàn thành các thủ tục thanh toán, chưa ký được các biên bản nghiệm thu. “Một nguyên nhân không thể không kể đến là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Hầu như dự án, công trình nào cũng bị chậm do giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, có nhiều dự án triển khai năm năm nhưng chỉ riêng thời gian giải phóng mặt bằng đã kéo dài gần tới... năm năm” - ông Tuấn nói.

Riêng đối với nhiều dự án giao thông, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các nhà thầu ký quỹ 10% giá trị hợp đồng. Như các dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến hết quý 1 tỉ lệ giải ngân đạt rất thấp, các nhà thầu đang phải ký quỹ để thực hiện dự án. Hầu hết chủ đầu tư chưa tạm ứng cho các nhà thầu. Việc này đã gây khó khăn cho các nhà thầu và ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án.

Sẽ bỏ quy định ký quỹ?

Theo ông Tuấn, để đẩy nhanh việc thanh toán vốn, Bộ Tài chính vừa có một loạt văn bản gửi các bộ ngành, địa phương về việc này.

Cụ thể, về việc hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư, các bộ ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Khi có khối lượng nghiệm thu để thanh toán, chủ đầu tư cần khẩn trương làm thủ tục hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước.

“Không để dồn khối lượng hoàn thành mới làm hồ sơ thanh toán vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, không được kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2014 sang năm 2015” - ông Tuấn nói.

Về việc tạm ứng đối với các hợp đồng của dự án vay vốn ODA, theo ông Tuấn, Bộ Tài chính cũng vừa có hướng dẫn thực hiện tạm ứng cho các nhà thầu đối với các công việc thật sự cần thiết. Mức vốn, thời điểm và việc thu hồi tạm ứng phải theo quy định đối với từng loại hợp đồng.

Cụ thể, mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với hợp đồng tư vấn bằng 25% giá trị hợp đồng; Đối với hợp đồng thi công xây dựng công trình có mức tạm ứng tối thiểu 20% giá trị hợp đồng. Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu chủ dự án phải có trách nhiệm cùng với nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý, quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng.

Riêng đối với các dự án giao thông, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét bỏ quy định yêu cầu các nhà thầu phải ký quỹ nhằm tháo gỡ về vốn cho các nhà thầu.

Còn đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét việc thuê kiểm toán độc lập ngay trong quá trình triển khai thực hiện các dự án để đảm bảo công tác quyết toán dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.

L.Thanh

* Ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế)

Bộ Y tế: Sẽ có công trình chậm tiến độ do không được cấp đủ vốn

Tính đến hết tháng 6-2014, bộ đã giải ngân được trên 383 tỉ đồng, đạt 47,6% vốn được giao trong năm, cao hơn cùng kỳ năm 2013. Trong sáu tháng cuối năm sẽ tập trung để hoàn thành kế hoạch được giao, nhưng có những công trình sẽ chưa hoàn thành do vốn chưa được cấp đủ trong năm nay. L.Anh

* Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Ngân sách đang phải trả lãi cho hàng trăm ngàn tỉ đồng vốn đi vay

Công tác quản lý vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ngân sách có những bất cập không nhỏ. Thực tế, số vốn huy động rất lớn trong khi tỉ lệ giải ngân thấp cho thấy sự lãng phí trong sử dụng vốn nhà nước, ngân sách đang phải trả lãi cho hàng trăm ngàn tỉ đồng huy động vốn trái phiếu Chính phủ trong khi nhiều công trình thiếu vốn.

Nguyên nhân là do việc phát hành và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ không liên thông, phối hợp với nhau, bộ phận huy động vốn cứ đi vay theo kế hoạch, trong khi bộ phận giải ngân thì chậm trễ, vướng mắc.

L.Thanh


tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Xóa nợ thuế có cứu được doanh nghiệp? (04/08/2014)

>   Hải quan TP.Hồ Chí Minh: Mạnh tay thu hồi nợ đọng (03/08/2014)

>   Chính phủ không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có gas không cồn (02/08/2014)

>   Tăng lương tối thiểu: Tương ứng năng suất lao động hay mức sống? (02/08/2014)

>   Thất thu ngân sách nặng vì nông sản rớt giá (01/08/2014)

>   7 tháng, thu ngân sách đạt 63,5% dự toán (01/08/2014)

>   Maseco thắng kiện Thanh tra Bộ Tài chính (31/07/2014)

>   Đảm bảo cân đối ngân sách để giữ an toàn nợ công (31/07/2014)

>   Lương tối thiểu 2015 sẽ tăng (31/07/2014)

>   “Tuýt còi” 2 thông tư của Bộ Tài chính (29/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật