Đổi mới cơ chế quản lý để đạt hiệu quả sử dụng đất cao nhất
Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã được Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức sáng 1-8 tại Hà Nội.
Theo PGS-TS Vũ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Luật Đất đai năm 2003 đã thể chế hóa được bản chất sở hữu toàn dân và chế độ quản lý dựa trên sự phân chia quyền của chủ sở hữu giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai và người sử dụng đất, mà trong đó người sử dụng đất có khá nhiều quyền (sử dụng, hưởng lợi ích từ việc đầu tư lao động và vốn vào đất, chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, cho tặng, thế chấp vay vốn, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…).
“Quá trình này cho phép nước ta có vị thế tốt hơn trong sử dụng đất như một nguồn lực trong hợp tác làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài, khai thác được nhiều hơn giá trị gia tăng từ đất phục vụ đời sống nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế phân chia quyền giữa người sử dụng đất và cơ quan quản lý nhà nước về đất đai theo Luật Đất đai năm 2003 có những điểm chưa hợp lý”, PGS-TS Vũ Văn Phúc nhận định.
Một ví dụ về sự bất hợp lý này - theo GS-TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ là vẫn chưa có sự phân định rõ vai trò của nhà nước với 3 tư cách khác nhau: đại diện chủ sở hữu về đất đai, quản lý nhà nước về đất đai và chủ thể sử dụng đất; trong khi “đây là yêu cầu rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng lạm quyền, vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Nhiều ý kiến tại hội thảo nhận định hiệu quả sử dụng đất trong cả nước vẫn còn thấp. Ranh giới thực thi quyền đại diện chủ sở hữu của nhà nước đến đâu là hợp lý để không lấn át quyền sử dụng của người dân, kích thích việc sử dụng đất hiệu quả và tạo điều kiện hình thành thị trường bất động sản thống nhất? Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, trong mối quan hệ giữa hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai với hiệu quả sử dụng đất phải coi hiệu quả sử dụng đất là mục tiêu để điều chỉnh công tác quản lý nhà nước theo hướng công khai, minh bạch quyền, lợi ích và nghĩa vụ của các bên.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là không gian cho lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nhất là kinh tế hộ. GS-TS Đỗ Thế Tùng kiến nghị: “Để tiến lên nông nghiệp sản xuất hàng hóa thì không nên thu thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vì nông nghiệp hiện phải chịu nhiều thiệt thòi so với kinh doanh khu công nghiệp, dịch vụ...”.
Đồng chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, quản lý đất đai là một vấn đề quan trọng, phải hài hòa rất nhiều mục đích: sử dụng có hiệu quả; bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài; bảo vệ môi trường sinh thái; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Anh Thư
sggp
|