Cổ đông Fiat chính thức thông qua việc sáp nhập với Chrysler
Ngày 1/8, các cổ đông của hãng xe Fiat, Italy, đã chính thức thông qua việc sáp nhập Fiat với nhà sản xuất xe hơi Chrysler của Mỹ nhằm tạo ra hãng sản xuất xe hơi Fiat Chrysler Automobiles (FCA).
Quyết định này cho phép nhà sản xuất ôtô lớn thứ bảy thế giới tiếp tục mở rộng thị phần và tầm ảnh hưởng quốc tế của mình.
Tại cuộc họp cổ đông, Chủ tịch Fiat John Elkann nhận định đây là điểm khởi đầu cho một hành trình dài của hãng. Tổng Giám đốc điều hành của FCA Sergio Marchionne cho biết, một số cổ đông bất đồng quan điểm trong việc sáp nhập này có thể chọn cách không tham gia thỏa thuận, nhưng ông tin rằng FCA sẽ thu được lợi nhuận và các nhà đầu tư sẽ được hưởng những khoản lợi của mình.
Cổ phiếu của hãng đã giảm 1,86% vào ngày 1/8, xuống 7,11 euro/cổ phiếu, khi tin tức về việc thông qua vụ sáp nhập được thông báo. Những cổ đông bỏ phiếu chống lại việc sáp nhập có thể bán cổ phần của mình trong vòng 15 ngày tới với giá 7,727 euro/cổ phiếu.
Đại hội cổ đông của Fiat lần này cũng là lần cuối được tổ chức tại Turin, nơi Fiat được ra đời bởi nhà sáng lập Giovanni Agnelli cách đây 115 năm. Tổng Giám đốc Sergio Marchionne ước tính FCA sẽ tiết kiệm 1,5 tỷ euro từ nay đến năm 2018 nhờ sự hợp tác lớn hơn giữa các thương hiệu của tập đoàn.
Theo ông Marchionne, tập đoàn FCA sẽ thực hiện một "bước nhảy vọt" về chất lượng và FCA sẽ không quay lưng với Italy. FCA sẽ duy trì các cam kết xã hội và lịch sử của nó đối với Italy. Ông Marchionne hy vọng sau khi sáp nhập, doanh số bán xe của FCA sẽ đạt 6 triệu chiếc vào năm 2018. Năm 2013, Fiat và Chrysler bán được tổng cộng 4,4 triệu xe ôtô. Cơ quan hành chính và các nhà máy của Fiat sẽ vẫn tiếp tục hoạt động ở Italy. FCA có trụ sở đăng ký tại Hà Lan và cơ sở thuế ở Vương quốc Anh.
Việc chấp thuận chính thức vụ sáp nhập sẽ cho phép tập đoàn sản xuất xe hơi FCA được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York vào mùa Thu 2014, tạo điều kiện mở rộng kinh doanh và thu hút vốn đầu tư.
Ông Marchionne cho biết Fiat cũng sẽ "tôn trọng các cam kết đối với người lao động", bao gồm các cam kết mở cửa lại tất cả nhà máy của Fiat ở Italy và tiếp tục thuê lại số nhân công tập đoàn đã cho “nghỉ phép.”
Trước đó, hồi tháng 5/2014, ông Marchionne công bố kế hoạch kích thích phát triển lớn của FCA với việc chi 5 tỷ Euro trong vòng 5 năm để phát triển các mẫu Alfa Romeo mới và 2 tỷ euro cho dòng xe ôtô hạng sang Maserati.
Tổng Giám đốc điều hành Marchionne là người đã nảy ra ý tưởng táo bạo sáp nhập hãng xe ôtô Fiat với Chrysler trong bối cảnh Chrysler phá sản và khủng hoảng kinh tế Mỹ rất trầm trọng năm 2009. Sau 5 năm, Fiat cuối cùng cũng giành quyền kiểm soát đầy đủ Chrysler với thỏa thuận 4,35 tỷ USD./.
Phạm Thành
Vietnam+
|