Chi ngân sách như thế nào trong giai đoạn 2016-2020?
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước thời gian tới.
Vậy, để thực hiện được các mục tiêu đề ra thì các nguồn lực được bố trí như thế nào? Cần một định hướng về cân đối ngân sách cho cả 5 năm hay tiếp tục bố trí vốn cho từng dự án và từng năm như lâu nay?
Đó là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi tham dự Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư đang diễn ra tại Đà Nẵng.
3 áp lực trong chi ngân sách Nhà nước
Trên cơ sở đánh giá việc thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) trong những năm qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp cho biết, chi NSNN trong giai đoạn tới sẽ có 3 áp lực gồm: Chi đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội và chi trả nợ công.
Trong đó, chi cho con người là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian qua có nhiều chính sách ra đời nhưng vẫn chưa bố trí được kinh phí để thực hiện chính sách.
Cũng theo ông Nghiệp, đối với chi trả nợ công, ước tính 2015 chi trả nợ khoảng 600.000 tỷ đồng, trong giai đoạn tới con số này sẽ gấp đôi. Nếu tính cả trả nợ gốc lẫn lãi khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Cho nên yêu cầu, áp lực chi trả nợ trong giai đoạn tới cũng rất lớn, chúng ta phải quyết tâm đảm bảo chi trả nợ đối với các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là nợ nước ngoài.
Do vậy, các ngành chức năng đặt ra mục tiêu phải giảm dần bội chi NSNN, bởi vì tăng bội chi thì áp lực vay nợ và áp lực nợ ngày càng tăng. Năm 2014 chi NSNN ở mức 5,3% thì năm 2015 sẽ giảm xuống một chút và dự kiến sẽ xin Chính phủ cho phép giai đoạn 2016-2020 chi NSNN giảm ở mức 4,2%, tương ứng với thông lệ quốc tế là khoảng 3%. Phương án này cũng nhằm giảm áp lực trả nợ thời gian tới.
Hoàn thiện chính sách thuế
Trên cơ sở đó, ông Nghiệp đề xuất: Về thu NSNN, cần hoàn thiện chính sách thuế theo hướng giảm mức động viên để tích tụ vốn cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh trong nước.
Đồng thời cắt giảm thuế quan có hiệu lực chung để đảm bảo các cam kết đã ký kết với các đối tác và chủ động điều chỉnh các chính sách thuế khi Việt Nam ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và tham gia đầy đủ vào khu vực tự do thương mại ASEAN.
Thực hiện Luật NSNN, các khoảng thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoảng thu khác sẽ được tổng hợp vào NSNN.
Với chính sách trên thì mục tiêu huy động từ thuế, phí, lệ phí giai đoạn 2016-2020 dự kiến khoảng 18% GDP. Trong đó sẽ nâng tỷ trọng thu nội địa năm nay đạt 71%, dự kiến đến năm 2020 chiếm tới 80% nguồn thu, còn lại là thu xuất nhập khẩu và dầu thô.
Về chi NSNN: Sẽ tiếp tục cơ cấu lại chi cùng với việc điều chỉnh các chính sách, chế độ theo quan điểm ưu tiên dành nguồn để cải cách tiền lương; bố trí đảm bảo các khoản chi để trả các khoảng nợ ngắn hạn; chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên cơ sở rà soát, cơ cấu sắp xếp lại các chính sách hợp lý, hiệu quả; chi cho quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Chi thường xuyên phải triệt để tiết kiệm.
Bố trí chi cho đầu tư phát triển từ NSNN bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ theo Luật NSNN ở mức hợp lý; tập trung đầu tư cho các dự án không có khả năng thu hồi vốn, đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý để thu hút các nguồn vốn đầu tư.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, giảm dần bội chi NSNN…; đảm bảo dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và dự nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP theo chiến lược nợ công.
Trên cơ sở định hướng về cân đối ngân sách trung hạn 2016-2020, Thứ trưởng Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, việc đảm bảo làm sao chi đầu tư đạt tốc độ tăng là một yêu cầu rất khó khăn.
Chi đầu tư theo hướng năm sau cao hơn năm trước 10%
Nhấn mạnh vai trò của nội lực trong đầu tư phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nội lực không chỉ nhìn ngân sách, mà cả đất nước, cả dân tộc, làm sao huy động toàn xã hội để đầu tư phát triển.
Nguồn ngân sách cũng phải tính đến trung hạn, trong đó có ngân sách Trung ương và địa phương phải bố trí để chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ và các khoảng chi khác của ngân sách như viện trợ…
“Trong đó chi đầu tư phải tính toán cho cả 5 năm, theo hướng tăng chi đầu tư năm sau cao hơn năm trước 10%. Nếu như năm 2016 tăng trưởng kinh tế từ 6 đến 7%, cộng với lạm phát nữa là 12%, như vậy nếu ko tăng đầu tư công năm sau cao hơn năm trước 10% thì làm sao phát triển được”, Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, 5 năm trước ngân sách Trung ương chi cho đầu tư phát trên 30%, hiện nay khoảng 22,5-23%, như vậy tỷ lệ đầu tư ngày càng giảm. Vì vậy, yêu cầu đặt ra bây giờ là nguồn ngân sách phải bố trí cho đầu tư phát triển không thể thấp hơn nữa, nhất là đầu tư vào các khâu đột phá phát triển đất nước.
Thế Phong – Lưu Hương
chính phủ
|