Các ngân hàng đang xoay xở thế nào?
Hà Nội dự kiến bán 3.000 tỉ đồng trái phiếu thủ đô thời hạn năm năm vào ngày 15-8. Nhưng giá trái phiếu chưa được chốt. Các ngân hàng đề nghị mức lãi suất khoảng 7,7-8,5%, còn Bộ Tài chính lại bảo thế thì cao quá. Ngân hàng phải cò kè từng đồng lãi suất như vậy, bởi tìm kiếm lợi nhuận bây giờ rất khó.
Người sẽ mua trái phiếu, các ngân hàng, đề xuất lãi suất bằng trái phiếu chính phủ cùng kỳ hạn cộng tối thiểu 100-150 điểm cơ bản, tức khoảng 8,5%. Techcombank đề xuất mức lãi suất 7,7%.
Bộ Tài chính cho rằng xét tương quan năm ngoái khi phát hành trái phiếu thủ đô, lãi suất liên ngân hàng lúc đó 6%, so với năm nay lãi suất liên ngân hàng chỉ quanh mức 2-3% nên mức lãi suất như các ngân hàng đề nghị là cao. Đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thì cho rằng loanh quanh 80 điểm cơ bản là “đúng giá”. Các ngân hàng dự đoán Hà Nội sẽ bán hết trái phiếu nhưng lãi suất như vậy vẫn thiệt cho ngân hàng vì trái phiếu Hà Nội không có thanh khoản trên thị trường thứ cấp, đã mua là giữ hết năm năm.
Cạnh tranh từng phút
Tín dụng đang tăng chậm hơn huy động, tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng trên huy động từ thị trường 1 đã giảm từ 91% (12-2013) xuống 89% cuối tháng 6. Người làm ngân hàng đều hiểu, tín dụng chậm hơn huy động thì lấy đâu ra lãi, nhưng kết quả kinh doanh sơ bộ của các ngân hàng sáu tháng đầu năm vẫn có lời không khỏi đặt ra câu hỏi đây là lợi nhuận thực hay chỉ là nhờ biện pháp kỹ thuật.
“Các ngân hàng đều phải thay đổi chiến lược kinh doanh và cách làm bởi sự hấp dẫn của thị trường đã thay đổi. Làm ngân hàng chưa bao giờ khó như bây giờ. Ngân hàng cạnh tranh từng hợp đồng, từng giây phút. Đích thân tôi là CEO cũng gặp và đàm phán với lãnh đạo từng doanh nghiệp, có hôm không kịp ăn trưa”, tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ.
Tất nhiên trên báo cáo, ngân hàng vẫn phải có lời vì nhiều sức ép. Họ nói đùa với nhau ngân hàng lời hay không là ở... kế toán trưởng, nhưng thực sự khi nào NIM (chênh lệch lãi suất đầu vào-đầu ra) còn cao thế này, thì hiệu quả kinh doanh ngân hàng còn thấp. Kể cả việc nếu Ngân hàng Nhà nước sắp tới hạ lãi suất cũng không giúp gì cho lợi nhuận ngân hàng bởi NIM các ngân hàng hiện là 4-5%, do dự phòng rủi ro cao, chất lượng tài sản kém, quản trị chưa tốt, chi phí vận hành lớn...
Trong bối cảnh này, các ngân hàng gốc quốc doanh dễ “xoay” hơn bởi họ có quan hệ với các tổ chức nhà nước lớn. Thời gian qua có hiện tượng ngân hàng gốc quốc doanh một tay nhận tiền gửi khối lượng lớn từ các tập đoàn nhà nước với lãi suất chỉ 6%/năm nhưng tay kia cho chính các tập đoàn đó vay với lãi suất 7%/năm chỉ để lấy tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng gốc quốc doanh làm được thế bởi họ có nguồn vốn rẻ từ các tổ chức nhà nước, như Ngân hàng Phát triển (VDB), bảo hiểm tiền gửi, các quỹ của các tổ chức nhà nước như quỹ lương hưu, tiền gửi của kho bạc, thuế, hải quan... Chỉ cần ký một hợp đồng tín dụng vài trăm tỉ với một tổng công ty, tập đoàn, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng gốc quốc doanh ngay lập tức được đẩy lên 1-2%. Còn các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thì chịu.
Áp lực từ trên
Ngoài áp lực lợi nhuận từ cổ đông, nội bộ ngân hàng, thị trường, các ngân hàng còn chịu áp lực từ trên xuống. “Các ngân hàng nay chịu sự áp lực minh bạch hóa rất cao. Trước ngân hàng được làm các giao dịch kỹ thuật để tăng chỉ số, tổng tài sản (các quy định không cấm) nhưng nay cơ quan quản lý không cho phép làm thế nữa. Thanh tra giám sát số liệu từ xa và sẽ có thanh tra trực tiếp nếu cần”, theo lời một lãnh đạo ngân hàng. Ông cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước nếu thấy số liệu ngân hàng xấu đi sẽ yêu cầu bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) và yêu cầu ngân hàng trích lập thêm.
Một lực cản xuất phát từ chính các ngân hàng, là bản thân tổ chức tín dụng gần đây không muốn bán nợ nữa. Vì thanh khoản của họ không căng thẳng nên vẫn có thể co kéo được. Bán nợ đi năm ngoái, thoắt một cái, năm nay đã phải trích lập dự phòng rủi ro 20%, họ xót vì lợi nhuận đang khó khăn lại càng co lại. Một vài ngân hàng nói bán cho VAMC họ cũng cảm thấy bị động hơn trong xử lý nợ vì làm gì cũng phải xin ý kiến VAMC.
“Tôi chưa dám kỳ vọng vào VAMC. Nợ đã bán chúng tôi vẫn phải quản lý, thu nợ, ngân hàng xử lý được lại tính vào thành tích của VAMC và còn mất phí. Nhưng “lăn tăn” là cách nợ chạy qua VAMC. Ví dụ, một tài sản giá thị trường 10 tỉ đồng, ngân hàng định giá 5 tỉ, cho khách vay 3 tỉ. Khách không trả được nợ, ngân hàng bán đi thu về 3 tỉ hoặc ít hơn. Nhưng nếu khoản đó đã bán cho VAMC, ngân hàng đã trích lập dự phòng 1 tỉ, VAMC mua 2 tỉ đồng, nhưng sau đó ngân hàng vẫn bán đi được 3 tỉ thì không có quy định rõ về 3 tỉ đó nên có thể dẫn đến thất thoát tài sản của ngân hàng”, tổng giám đốc một ngân hàng nói.
Vì có tâm lý chần chừ này, nên Ngân hàng Nhà nước gần đây phải cử ra một đội rà soát từng tổ chức tín dụng đối chiếu nợ xấu của ngân hàng báo cáo với số của thanh tra, tìm ra nguyên nhân tại sao không bán nợ cho VAMC. Đặc biệt là Thông tư 02 đã quy định nếu doanh nghiệp có một khoản nợ xấu ở một ngân hàng thì các khoản nợ khác tại các ngân hàng khác cũng phải quy thành nợ xấu. Điều này đặt lên các ngân hàng áp lực mới và cả áp lực cho Ngân hàng Nhà nước phải rà soát các khoản nợ dạng này.
Trong khi ngân hàng và VAMC còn loay hoay với vấn đề của mình thì nợ xấu còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Trong năm tháng đầu năm, một nguồn tin cho biết các ngân hàng đã tự xử lý được hơn 20.000 tỉ đồng nợ xấu qua nhiều biện pháp. Nhưng số đó chưa kể hàng trăm ngàn tỉ đồng nợ không bị chuyển qua nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 09. Số nợ này là nguy cơ tiềm ẩn, vì Thông tư 09 chỉ cho phép mỗi khoản nợ được cơ cấu một lần.
Tại một hội thảo mới đây ở TPHCM, ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nói rằng Chính phủ đã dùng thời gian để xử lý nợ xấu nhưng cách đó không bền vững. Cần có cú hích mạnh mẽ bằng nguồn lực cụ thể để giải quyết vấn đề và giúp doanh nghiệp lạc quan trở lại. Bởi người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng nhưng vì doanh nghiệp không vay vốn nên Chính phủ phải đứng ra hút tiền bằng trái phiếu. Nguồn tiền đáng ra vào khu vực tư nhân, tạo việc làm và hiệu quả lại đổ vào khu vực nhà nước. Tức tiền vẫn có đó, nhưng rủi ro cũng hiện hữu.
Hồng Phúc
TBKTSG
|