Buôn lậu xăng dầu trên biển lợi nhuận như buôn ma túy?
Chỉ tính riêng ở Kiên Giang, xăng dầu lậu gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Trong khi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu làm ăn chân chính kêu trời vì không bán được hàng, chuyên gia khẳng định, xăng dầu vào được đất liền nhiều do quản lý thị trường buông lỏng quản lý.
Hệ thống bơm hút dầu trên tàu An Bình 126-phương tiện bị bắt giữ trong vụ án cuối năm 2013. Ảnh: Lương Bằng Hệ thống bơm hút dầu trên tàu An Bình 126-phương tiện bị bắt giữ trong vụ án cuối năm 2013.
|
Đủ chiêu buôn lậu
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, từ đầu năm 2014 đến nay, buôn lậu xăng dầu qua biên giới, đặc biệt trên biển, diễn ra nghiêm trọng từ vùng biển Quảng Ninh đến vùng biển Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động buôn lậu nổi bật là ở vùng biển Thanh Hóa, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu… Tình hình nghiêm trọng tới mức, theo ông Ruệ, Hiệp hội đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Buôn lậu xăng dầu gia tăng do chênh lệch giá quá lớn, từ 3.000 đồng – 5.000 đồng/lít dầu diesel bán tại thị trường nội địa. Chỉ tính riêng tỉnh Kiên Giang, theo thông tin từ các DN xăng dầu, lượng xăng dầu cho đánh bắt hải sản khoảng 250.000m3/năm.
Nay lượng xăng dầu này hoàn toàn tiêu thụ từ nguồn nhập lậu trên biển. Riêng khoản xăng dầu lậu này đã gây thất thu cho ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng/năm”, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Phó Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận, tình hình buôn lậu xăng dầu rất phức tạp. Thời gian qua, Tổng cục đã xây dựng 3 kế hoạch kiểm soát chặt chẽ ở cả ba khu vực Bắc, Trung và Nam với các chuyên đề chống vi phạm trong kinh doanh tạm nhập, tái xuất.
“Lực lượng hải quan đã đấu tranh thành công 2 chuyên án, bắt giữ một vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất, tịch thu 1.655 tấn, 422.000 lít và 1.640 m3 dầu. Chỉ riêng hai chuyên án này, các đối tượng đã trốn khoảng 70 tỷ đồng tiền thuế.
Tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan mới đây, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho biết, qua phá vụ buôn lậu 1.692 tấn xăng dầu của Công ty Hoàng Sơn trên vùng biển Thanh Hóa mới đây cho thấy tình trạng buôn lậu xăng dầu hết sức phức tạp.
Theo ông Lực, khi bị bắt giữ, đối tượng khai lập DN ở Trung Quốc để kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất. Nhưng khi hàng vào vùng biển Việt Nam là bán luôn. “Các đối tượng khai đã bán mấy chục chuyến tàu như vậy tại vùng biển Thanh Hóa với tổng giá trị 19 triệu USD.
Riêng tiền thuế trốn được cũng cả chục triệu USD. Dù lực lượng chức năng rất kiên quyết nhưng vẫn chưa đủ sức trấn áp các đối tượng buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép”, ông Lực cho biết.
Thông tin từ Cảnh sát biển Vùng 4, trong 6 tháng đầu năm đã phá hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị lớn, mà nổi cộm nhất là mặt hàng dầu DO. Trong đó có một số vụ điển hình như bắt tàu HADUCO 01 vận chuyển trên 2,1 triệu lít dầu; tàu Nang Nual 27 và tàu NT 90139 - TS với trên 200.000 lít dầu; tàu Thiện Hòa 03 - BV 0585 với trên 470.000 lít dầu...
Quản lý thị trường buông lỏng?
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Saigon Petro cho biết, xăng dầu lậu khiến các DN kinh doanh xăng dầu không thể cạnh tranh nổi. “Các DN xăng dầu đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát xăng dầu lậu. Kiến nghị nhiều, bắt xăng dầu lậu cũng nhiều nhưng đưa ra tòa có mấy đâu. Một thời gian lại chìm xuồng hết”, ông Sang nói.
Lãnh đạo một DN xăng dầu đầu mối lớn khẳng định, các DN trong ngành hết sức bất bình về tình trạng xăng dầu buôn lậu gia tăng. Theo vị này, xăng dầu lậu tung hoành một phần do quản lý thị trường buông lỏng. Nếu làm chặt, kiểm tra thường xuyên tại các kho bãi, bến tàu thì làm sao vào được đất liền.
“Xăng dầu lậu vào được đất liền lãi tới 3.000 đồng/lít. Với tiền chênh này, họ cạnh tranh thoải mái luôn. Các tổng đại lý, đại lý, khi có nguồn hàng giá rẻ như vậy, kể cả biết chất lượng thấp, họ vẫn sẵn sàng nhập về để bán cho người tiêu dùng kiếm lợi. Các DN muốn bán hàng lại phải tăng thù lao, hoa hồng. Cạnh tranh gay gắt rất mệt mỏi nhưng hàng vẫn không bán được”, ông phân tích.
Một chuyên gia về xăng dầu khẳng định, với khoản thuế, phí đang chiếm khoảng 43% giá xăng dầu, kinh doanh xăng dầu lậu có lợi nhuận không khác gì… buôn ma túy. Chỉ cần vận chuyển trót lọt một tàu dầu trị giá 100 tỷ đồng, những kẻ buôn lậu ung dung đút túi 43 tỷ đồng.
Do lợi nhuận lớn nên thủ đoạn buôn lậu của các đối tượng rất tinh vi. Những kẻ buôn lậu thường mua xăng dầu ngoài biển, sau đó neo đậu ở ngoài phao số 0 rồi lợi dụng đêm tối, bán dầu cho các tàu cá, các tàu nhỏ hơn để vận chuyển vào bờ.
Tàu vào đến cảng, xăng dầu lậu được hút vào các xe téc của các đại lý, tổng đại lý để chuyển đến các cây xăng bán lại thu lời. Từ đây, nguồn xăng dầu lậu lại được bán lại cho người tiêu dùng. Lợi nhuận tiếp tục được chia đều cho các mắt xích trong vòng quay buôn lậu.
“Một tàu chở dầu 15.000 tấn được bán thành công 2 chuyến/tháng, trừ chi phí, những kẻ buôn lậu thu khoản lợi nhuận vài trăm tỷ đồng là bình thường. Thực tế, nếu quản lý thị trường làm chặt, sẽ không thể có chuyện xăng dầu buôn lậu dễ dàng vào đất liền như vậy”, một chuyên gia về xăng dầu cho biết.
|
tiền phong
|