ACB: Giải trình hàng loạt khoản trích lập dự phòng
Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) vừa có giải trình các vấn đề cần lưu ý trên báo cáo tài chính bán niên soát xét 6 tháng về việc trích lập dự phòng.
Thứ nhất, tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng, các thuyết minh 6 và 15 đề cập tới 718.9 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tại một ngân hàng TMCP và 15 tỷ đồng các khoản lãi phải thu liên quan bị quá hạn, các sự kiện liên quan đến khả năng bị thu hồi và phương pháp trích lập dự phòng đối với các khoản này được thực hiện theo công văn của Ngân hàng Nhà nước ngày 27/11/2013.
Theo giải trình của ACB, 718.9 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn mà ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tại một ngân hàng TMCP (ngân hàng A) đã quá hạn. Tất cả nhân viên nhận ủy thác gửi tiền của ACB đã khởi kiện tại Tòa án yêu cầu Ngân hàng A hoàn trả gốc và lãi của các khoản này. ACB lập kế hoạch trích lập dự phòng cho số dư tiền gửi và thoái lãi dự thu liên quan đến các khoản tiền gửi này trong 3 năm từ 2013-2015. Kế hoạch này được NHNN phê duyệt ngày 27/11/2013.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, ACB đã thực hiện trích lập toàn bộ số dự phòng cho cả năm 2014 theo lộ trình được phê duyệt bởi NHNN.
Theo đánh giá của luật sư tư vấn, ACB có đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu Ngân hàng A hoàn trả tất cả các khoản gốc và lãi nêu trên. Việc trích lập dự phòng không đồng nghĩa với việc cho rằng Ngân hàng A không có trách nhiệm trả tiền.
Thứ hai, tại các thuyết minh 9, 11, 15 đề cập tới việc phân loại nợ và trích lập dự phòng cho khoản cho vay 468.36 tỷ đồng đối với một Tổng công ty nhà nước cùng với 500 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi Tổng công ty này và 47 tỷ đồng lãi trái phiếu phải thu được thực hiện theo công văn của NHNN ngày 27/11/2013.
ACB lý giải, vào tháng 8/2013, NHNN công bố kết quả về cuộc thanh tra toàn diện hoạt động của ACB năm 2012. Theo đó, các số dư nợ cho vay của Tổng công ty được phân loại nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn và việc trích lập dự phòng cho các số dư nợ cho vay được thực hiện theo quyết định 493 và 18. Dư nợ trái phiếu được phân loại nhóm 3 theo nhóm nợ của khoản cho vay. Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể là 20% dư nợ, không bao gồm tài sản đảm bảo. Số tiền trích lập dự phòng này được phân bổ đều trong 3 năm từ 2013-2015. Khoản lãi phải thu của trái phiếu được thoái thu, chia đều trong cùng thời gian trên.
6 tháng đầu năm ACB đã trích lập toàn bộ số dự phòng cần lập và thoái thu toàn bộ số lãi trái phiếu cần thoái thu cho cả năm 2014 theo lộ trình được phê duyệt bởi NHNN.
Thứ ba, cũng tại các thuyết minh 9, 11, 15 đề cập tới việc phân loại nợ và trích lập dự phòng cho khoản cho vay 2,237 tỷ đồng đối với nhóm 6 công ty cùng với 2,429 tỷ đồng trái phiếu phát hành bởi 3 trong nhóm 6 công ty, 1,179 tỷ đồng khoản phải thu của 2 trong nhóm 6 công ty và 96 tỷ đồng lãi trái phiếu phải thu được thực hiện theo công văn của NHNN ngày 27/11/2013.
ACB cho biết, vào tháng 8/2013, NHNN công bố kết quả về cuộc thanh tra toàn diện hoạt động của ACB năm 2013. Theo đó, các số dư nợ cho vay của nhóm 6 công ty được phân loại nhóm 2 - Nợ cần chú ý. Dư nợ trái phiếu của nhóm 6 công ty được phân loại theo nhóm nợ của khoản cho vay của nhóm 6 công ty. Việc trích lập dự phòng cho các số dư nợ cho vay và trái phiếu được thực hiện theo quyết định 493 và 18. Khoản lãi phải thu của các trái phiếu phát hành bởi nhóm 6 công ty được thoái thu chia đều trong vòng 3 năm từ 2013-2015.
Phải thu từ nhóm 6 công ty với số tiền 1,617 tỷ đồng, trong đó số tiền 1,179 tỷ đồng được trích lập dự phòng theo tỷ lệ 30% đối với tổng giá trị khoản phải thu, không tính đến tài sản đảm bảo. Số dự phòng này được phân bổ đều trong 3 năm từ 2013-2015.
6 tháng đầu năm ACB đã trích lập toàn bộ số dự phòng cần lập và thoái thu toàn bộ số lãi trái phiếu cần thoái thu cho cả năm 2014 theo lộ trình được phê duyệt bởi NHNN.
Minh An
|