Thứ Hai, 04/08/2014 15:00

6 ngân hàng trung ương lớn sẽ làm gì khi Fed chưa vội nâng lãi suất?

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì quan điểm nâng lãi suất vào năm tới, các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới cũng sẽ đua nhau công bố quyết định chính sách của mình trong tuần này.

* Quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ và thị trường mới nổi đồng loạt hút tiền mạnh

* Fed cắt QE3 bớt 10 tỷ USD lần thứ 6 liên tiếp khi kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng trong quý 2

 

Theo đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) và Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sẽ cùng nhóm họp trong tuần này. Dù khó có khả năng các NHTW sẽ hành động ngay lập tức nhưng thời điểm chuyển hướng lãi suất đang đến gần.

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại trong quý 2/2014 và Fed cũng nâng các đánh giá về nền kinh tế trong tuần trước. Theo lộ trình, Fed sẽ chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng thứ 3 (QE3) vào tháng 10 tới nhưng sẽ chưa nâng lãi suất cho đến giữa 2015.

Điều này khiến NHTW Anh (BoE) rơi vào tình thế khó xử khi có khả năng trở thành NHTW lớn đầu tiên nâng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0.5% như hiện nay, có lẽ là trước thời điểm cuối năm 2014. Dù tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế Anh đã vượt mức 3% và tỷ lệ thất nghiệp đang sụt giảm nhưng trước sự thiếu vắng của áp lực về lương thưởng, BoE không có lý do gì để nâng lãi suất sớm vào thứ Năm tới.

Theo dự báo, BoE sẽ chưa nâng lãi suất cho đến đầu năm 2015 nhưng các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò tuần trước của Reuters lại cho rằng một hoặc hai thành viên của Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) sẽ kêu gọi nâng lãi suất trong tuần này.

Lần cuối cùng mà MPC xem xét nâng lãi suất là vào năm 2006. Tháng 5 năm đó, một thành viên MPC bỏ phiếu ủng hộ nâng lãi suất và chỉ 3 tháng sau đó, đa số thành viên MPC đều ủng hộ quan điểm này. Tuy nhiên, thông tin về tỷ lệ bỏ phiếu chỉ được công bố sau khi cuộc họp chính sách của BoE kết thúc được 2 tuần.

Một NHTW lớn khác của châu Âu là NHTW châu Âu (ECB) cũng sẽ nhóm họp vào ngày thứ Năm trong bối cảnh lạm phát tại Eurozone tiếp tục giảm còn chỉ 0.4% trong tháng 7 và nếu chỉ báo này chưa sớm cải thiện, áp lực in tiền sẽ gia tăng bất chấp sự dè dặt rất lớn trong nội bộ Hội đồng Thống đốc ECB.

Sau lần cắt giảm tất cả các loại lãi suất trong tháng 6/2014 và công bố chương trình cấp vốn mới cho các ngân hàng lớn nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay kể từ tháng 9 tới, ECB sẽ chưa tung ra các động thái mới cho đến khi có thời gian đánh giá tác động của những biện pháp này.

Nếu ECB không cân nhắc áp dụng thêm các bước đi triệt để hơn trong các tháng còn lại của năm nay, ngân hàng này sẽ có rất ít cơ hội để hành động trước khi Mỹ bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2015. Các nhà làm chính sách thừa nhận rằng lãi suất dài hạn của Eurozone khó có thể tách rời khỏi lãi suất của Mỹ một khi Fed bắt đầu hành động.

Tại châu Á, NHTW Nhật Bản (BoJ) sẽ công bố quyết định chính sách vào ngày thứ Sáu sau khi sản lượng nhà máy nước này bất ngờ sụt giảm mạnh nhất kể từ khi xảy ra động đất và sóng thần khủng khiếp vào năm 2011. Trong bối cảnh BoJ đã in tiền với tốc độ chóng mặt, ngân hàng này khó có thể tiến hành bất kỳ thay đổi nào về mặt chính sách.

Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy NHTW Ấn Độ (RBI) sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 8% tại cuộc họp vào ngày thứ Ba và chưa nới lỏng chính sách cho tới đầu năm 2015 trước lo sợ lạm phát thực phẩm sẽ tăng mạnh nếu lượng mưa gió mùa tại Ấn Độ thấp hơn bình quân.

Tăng trưởng của nước này đang giảm tốc và đã duy trì dưới mốc 5% trong vòng hai năm qua, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết đủ để tạo việc làm cho thanh niên Ấn Độ và mở rộng lực lượng lao động.

Theo kỳ vọng, NHTW Australia (RBA) cũng sẽ giữ nguyên mức lãi suất 2.5% sau cuộc họp ngày thứ Ba và động thái tiếp theo của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ là tăng lãi suất hơn là giảm nhưng không phải trong thời điểm hiện tại mà có thể là vào năm tới.

Tiếp đó vào ngày thứ Tư, một ngân hàng trung ương khác của châu Á là NHTW Thái Lan (BoT) cũng được dự báo sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ.

Phước Phạm (Theo CNBC)

Các tin tức khác

>   London sẽ mất hơn một triệu việc làm nếu Anh rời EU (04/08/2014)

>   Thẩm phán Mỹ đề nghị Argentina nối lại vòng đàm phán nợ (03/08/2014)

>   Nga đề xuất thành lập ngân hàng phát triển của khối SCO (03/08/2014)

>   Kinh tế khởi sắc trở lại, Hy Lạp được Moody's nâng hạng tín nhiệm (03/08/2014)

>   Chìm trong khủng hoảng, kinh tế Ukraine tiếp tục suy giảm (01/08/2014)

>   Hong Kong chi 2 tỷ USD cứu đồng nội tệ (01/08/2014)

>   Đồng USD lên giá trên thị trường châu Á trong lúc chờ tin từ Mỹ (01/08/2014)

>   Trừng phạt kinh tế Nga, phương Tây mất gì? (01/08/2014)

>   Khủng hoảng đi vào giai đoạn mới (01/08/2014)

>   Tại sao Argentina không thanh toán nổi khoản nợ 1,3 tỷ USD? (01/08/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật