Chủ Nhật, 20/07/2014 10:02

Vũ khí mới của BRICS

Hội nghị cấp cao thường niên lần thứ 6 của nhóm BRICS tổ chức ở Fortaleza (Brazil) là một dấu mốc lịch sử đối với tập hợp lỏng lẻo của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Lãnh đạo các nước thuộc nhóm BRICS tại hội nghị thường niên lần thứ 6 tổ chức ở Brazil năm 2014

Ý tưởng đã có từ trước đó và mọi sự chuẩn bị cần thiết đã được hoàn tất để ở lần hội nghị cấp cao này, các vị lãnh đạo của 5 nước thành viên nhóm BRICS chính thức thành lập hai thể chế tài chính và tiền tệ riêng là một ngân hàng và một quỹ tiền tệ chung. Ngân hàng này có tên gọi là New Development Bank (NDB), còn quỹ tiền tệ không lấy tên là International Financial Coorpetation như dự định ban đầu mà gọi là Contingent Reserve Arrangement (CRA).

Từ tự thân vận động....

Hai thể chế tài chính và tiền tệ mới này của BRICS được thành lập với tôn chỉ mục đích khác nhau. NDB phục vụ cho những dự án phát triển ở các nước thành viên, dự án hợp tác giữa các thành viên với nhau và dành cho cả những đối tác ở bên ngoài BRICS. NDB được trang bị vốn ban đầu là 50 tỷ USD, chia đều cho tất cả 5 thành viên đóng góp, rồi đây sẽ được tăng thêm. Trụ sở của NDB được đặt ở Thượng Hải (Trung Quốc) và Ấn Độ đảm nhận cương vị đứng đầu NDB trước khi luân phiên sang các thành viên khác.

CRA lại đóng vai trò như của một “lính cứu hoả” giúp các thành viên đối phó với khủng hoảng tài chính và tiền tệ, với biến động về tài chính và tiền tệ ở các nước thành viên cũng như trên thế giới. CRA được trang bị vốn ban đầu là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc đóng góp 41 tỷ, Nam Phi góp 5 tỷ và 3 thành viên còn lại đóng góp đều mỗi thành viên 18 tỷ USD.

Việc thành lập NDB và CRA xuất phát từ nhu cầu thực tiễn từ trong nội bộ BRICS. Trên bình diện quốc tế và châu lục, những chức năng của NDB và CRA từ nhiều thập kỷ nay được các thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế đảm nhận và thực hiện, đặc biệt trong đó là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hai thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế này được thành lập tại Hội nghị ở Bretton Woods (Mỹ) năm 1944. Trong thực chất, cả hai đều do Phương Tây chi phối và chính trị hoá, lại đang suy giảm đáng kể vai trò và ảnh hưởng. Về chính trị, các thành viên BRICS đều không muốn dựa cậy để rồi phụ thuộc vào WB và IMF bởi như thế đồng nghĩa với phụ thuộc vào Phương Tây về chính trị. Về tài chính và tiền tệ, WB và IMF không còn có đủ khả năng để giúp các thành viên BRICS khi cần thiết. Bởi vậy, BRICS phải tự thân vận động để tự cứu mình trước hết. Đồng thời, biểu hiện "không còn cần đến Phương Tây mà vẫn giải quyết được không chỉ các vấn đề của mình mà còn của cả thế giới" có ý nghĩa chính trị và tâm lý to lớn đối với BRICS. Đó là những ý tưởng và dự án giúp BRICS từ một tập hợp lỏng lẻo dần trở thành một tổ chức hợp tác và liên kết đa phương thực thụ với ảnh hưởng và vai trò quốc tế ngày càng tăng.

Đến thách thức WB và IMF

Với mức vốn hiện tại, cả NDB lẫn CRA đều chưa thể là đối thủ tài chính và tiền tệ của WB và IMF. Nhưng về chính trị thì hiện chúng đã có khả năng để thách thức cả WB lẫn IMF. Do ảnh hưởng quá lấn át của Phương Tây và bị chính trị hoá, IMF và WB không còn là sự lựa chọn bắt buộc nữa đối với những quốc gia tìm kiếm tài trợ cho các dự án phát triển hoặc cần viện trợ tài chính. Họ hiện đã có không ít nguồn tài chính và tài trợ đa phương cũng như song phương khác. NDB và CRA của BRICS là những sự lựa chọn mới của họ bởi ở đây sẽ không có những điều kiện chính trị tiên quyết như ở WB và IMF, tạo cảm giác hợp tác bình đẳng giữa các đối tác chứ không phải mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ. BRICS lại còn mở cửa cho các đối tác ấy tham gia trong khi cả WB lẫn IMF không chịu cải tổ thể chế cũng như định hướng hoạt động.

BRICS có lối đi riêng trong hợp tác và liên kết. Cho tới nay, nó phần nhiều mới chỉ biểu hiện cho tập hợp lực lượng mới. Với việc thành lập NDB và CRA, BRICS đã chính thức bắt đầu cuộc ganh đua với WB và IMF. Hai thể chế tài chính và tiền tệ quốc tế lâu niên này rồi đây sẽ bị thách thức thực sự nếu coi thường những tiềm năng của BRICS, nếu không nhanh chóng thoát ra khỏi sự sơ cứng về chiến lược hoạt động và sự trì trệ trong cải cách thể chế. Nếu không nhanh chóng chấm dứt được quá trình lỗi thời hoá đang tiến triển thì IMF và WB sẽ mất vai trò và ảnh hưởng vào những thể chế tài chính và tiền tệ mới được các quốc gia và tổ chức thành lập như BRICS vừa làm. Điều này chắc chắn không làm Phương Tây hài lòng, nhưng lại mở ra những cơ hội mới cho các nước đang và chậm phát triển chuyển đổi quan hệ của họ với WB và IMF, suy tính tập hợp nhau lại để "góp gió thành bão" và tận dụng kinh nghiệm của BRICS.

Thuỵ Vân

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Trung Quốc: Rửa tiền qua ngân hàng quốc doanh? (19/07/2014)

>   Mỹ chấm dứt phong tỏa khoản tài chính 2,8 tỷ USD của Iran (19/07/2014)

>   Khi Fed tăng lãi suất (19/07/2014)

>   Vàng sụt 2%/tuần khi mất vai trò “vịnh tránh bão” và bị chốt lời (19/07/2014)

>   ADB hạ dự báo tăng trưởng ở Đông Nam Á do tình hình chính trị (18/07/2014)

>   Cộng hòa Séc chính thức cho lưu hành đồng tiền ảo đầu tiên (18/07/2014)

>   Số người thất nghiệp tại Anh ở mức thấp nhất 6 năm qua (18/07/2014)

>   Vàng tăng mạnh gần 20 USD/oz khi căng thẳng chính trị leo thang (18/07/2014)

>   Ngân hàng mới của BRICS có thể trở thành đối trọng của WB và IMF (17/07/2014)

>   WB, IFC sẽ dành khoản tín dụng 4,2 tỷ USD cho Philippines (17/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật