Vinatex: IPO với giá khởi điểm 11,000 đồng/cp
Ngày 22/07, Công ty mẹ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ tổ chức đấu giá cổ phiếu với giá khởi điểm 11,000 đồng/cp. Tuy nhiên, phải 3 năm nữa, Tập đoàn mới tiến hành niêm yết trên sàn giao dịch có tổ chức cho nên nhà đầu tư khi quyết định nắm giữ cổ phần Vinatex cần xác định mục tiêu đầu tư trung và dài hạn.
Trong đợt phát hành cổ phần ra công chúng lần đầu (IPO) này, Tập đoàn sẽ bán một phần vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm để tăng vốn và Nhà nước sẽ vẫn giữ cổ phần chi phối. Cụ thể, sau phát hành và IPO, cơ cấu cổ đông Vinatex gồm 51% vốn nhà nước, 24% nhà đầu tư chiến lược, 0.6% người lao động và 24.4% chào bán công khai.
Tiếp đó, sau cổ phần hóa vốn điều lệ Tập đoàn tăng từ 3,400 tỷ lên 5,000 tỷ đồng. Số lượng cổ phần phát hành ra công chúng là 121,999,150 cp với giá khởi điểm 11,000 đồng/cp. Theo định giá của CTCK BIDV (BSI) mức giá hợp lý cho một cổ phiếu Vinatex dao động từ 11,442 - 13,332 đồng/cp (phương pháp định giá gồm chiết khấu dòng tiền và so sánh P/B).
Đối tượng phát hành gồm tổ chức, cá nhân, các cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Cổ đông chiến lược mà Vinatex hướng đến là đơn vị giúp Tập đoàn nâng cao năng lực quản trị, kỹ thuật công nghệ trong sản xuất và chuỗi phân phối, cung ứng. Theo kế hoạch, Tập đoàn sẽ chào bán tối đa cho 3 cổ đông chiến lược, qua đó giúp Tập đoàn nâng cao năng lực tài chính, kinh doanh, quản trị và thúc đẩy tăng trưởng.
Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sáng ngày 04/07/2014
|
Ông Lê Tiến Trường, Thành viên HĐTV Vinatex cho biết tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tập đoàn đã định ra lộ trình sau 3 năm tiến hành IPO sẽ niêm yết trên các sàn giao dịch có tổ chức. Ông Trường chia sẻ, Vinatex cần thời gian 3 năm để tái cấu trúc triệt để, hoàn thiện chuyển dịch mô hình sản xuất sang phương thức sản xuất trọn gói kèm thiết kế (ODM) thành công và ổn định đội ngũ quản lý cũng như phương thức hoạt động kinh doanh của cả Tập đoàn.
Về định hướng hoạt động kinh doanh, Vinatex hướng tới hoạt động theo mô hình đa ngành, đa sở hữu với lĩnh vực cốt lõi là ngành Dệt may. Theo đó, Tập đoàn sẽ chỉ sở hữu từ 51% đến 65% các đơn vị thành viên nằm trong chuỗi sản xuất ODM, còn các đơn vị khác thì sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu xuống khoảng 30%.
Về năng lực cạnh tranh, Vinatex khá tự tin khi kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường nước ngoài tăng trên 15%, trong khi nhập khẩu của các thị trường này tăng thấp hơn vào những năm gần đây. Bên cạnh đó, lợi ích do các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Chính Phủ Việt Nam đang đàm phán như TPP, EVFTA, FTA và LMHQ cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn.
Chia sẻ thêm tại hội thảo, ông Trường kêu gọi các cổ đông hay các nhà đầu tư có ý định gắn bó với Vinatex thì cần có cái nhìn nhất quán, xuyên suốt, chia sẻ và sát cánh cùng Ban lãnh đạo Tập đoàn trong việc định hướng, quy hoạch các giai đoạn đầu tư vì lợi ích trung và dài hạn cho giai đoạn 2014 – 2020.
Dẫu vậy, cổ tức của các đơn vị thành viên Vinatex như May Nhà Bè, May Việt Tiến trong 3 năm trở lại đây đều khá cao (trung bình trên 25%) là điểm đáng lưu ý.
Mỹ Hà
|