Thứ Tư, 25/06/2014 10:07

IPO cảng biển: Vì sao èo uột?

Chỉ trong vòng hơn một tháng qua đã có đến bốn cảng biển từ Bắc vào Nam liên tiếp bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) để cổ phần hóa. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng ban đầu, lượng người mua cổ phần của các doanh nghiệp khai thác cảng lại rất èo uột, chủ yếu là cán bộ, công nhân viên của chính đơn vị chào bán.

Bấy lâu nay ngành cảng biển của Việt Nam vẫn ở tình trạng trì trệ kém phát triển, điển hình nhất là những khoản thua lỗ khổng lồ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Lần này Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã quyết tâm cải tổ lĩnh vực cảng biển bằng con đường cổ phần hóa. Chính vì vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng đã có bốn cảng biển chào bán cổ phần.

Trong số bốn cuộc IPO này, èo uột nhất là hai cảng Quảng Ninh và Nha Trang. Cảng Nha Trang sau khi chào hàng chỉ bán được 350.800 cổ phần (chiếm 6,3%) và thu về vỏn vẹn 3,5 tỉ đồng. Ở phía Bắc cảng Quảng Ninh cũng chỉ bán được có 7,5% cổ phần chào bán (854.500 trên tổng số 11,3 triệu cổ phần).

Khá hơn một chút là Cảng Đà Nẵng, bán được hơn 1,6 triệu cổ phần (tương đương 19,6%) trên tổng số 8,3 triệu cổ phần mang ra bán đấu giá. Được kỳ vọng nhiều nhất là Cảng Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc, cũng chỉ bán được hơn 17,6 triệu cổ phần (chiếm khoảng 47%) trên tổng số 37,6 triệu cổ phần chào bán. Điều này trái ngược hoàn toàn với dự đoán ban đầu của nhà đầu tư.

Lý giải cho tình trạng ế ẩm này, ông Bùi Quang Đạo, Tổng giám đốc Cảng Quảng Ninh, cho rằng do đã có nhiều cảng biển chào bán cổ phần chỉ trong một thời gian ngắn dẫn đến tình trạng bão hòa khiến các công ty không tìm được đối tác chiến lược. Hơn nữa, theo ông Đạo, thời gian chuẩn bị cho việc IPO quá ngắn và gấp đã khiến các cảng không kịp tìm kiếm đối tác.

Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, đây không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bán không ai mua. Thông tin từ các nhà đầu tư cho thấy việc không bán được cổ phần còn do khá nhiều nguyên nhân khác, trong đó có những điều kiện quá cao mà các cảng đặt ra.

Đơn cử, hãy xem điều kiện mà Cảng Hải Phòng đưa ra cho các nhà đầu tư chiến lược. Đầu tiên là phải có hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng, nếu là các công ty hoạt động trong lĩnh vực khai thác cảng, dịch vụ logistics thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu năm năm. Về tài chính, phải có tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu tối thiểu 700 tỉ đồng trong niên độ tài chính năm 2013. Đơn vị muốn trở thành cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng phải có lợi nhuận sau thuế dương trong ba năm liên tiếp trước năm đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược.

Một điều kiện khắt khe nữa là khi đăng ký là cổ đông chiến lược của Cảng Hải Phòng không được là nhà đầu tư chiến lược, cổ đông sáng lập, cổ đông lớn sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên tại bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng nào tại khu vực miền Bắc. Nhà đầu tư phải cam kết không chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu năm năm và không chuyển nhượng cổ phần được mua cho nhà đầu tư nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào.

Cảng lớn đưa ra điều kiện cao đã đành, cảng có quy mô nhỏ hơn là Cảng Nha Trang cũng đòi hỏi cao không kém, như cổ đông chiến lược phải có tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tối thiểu 100 tỉ đồng tính đến cuối năm 2012; đối tác cũng phải có lợi nhuận sau thuế dương ba năm liên tiếp tính từ năm 2010-2012 và phải có cam kết không chuyển nhượng cổ phần ít nhất năm năm.

Ngoài ra, theo dõi quá trình IPO của các doanh nghiệp cảng biển, một chuyên gia phân tích chứng khoán tại TPHCM cho biết, điều mà giới đầu tư chưa thực sự mặn mà với cổ phiếu cảng biển là tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước vẫn còn cao (chiếm 75%) sau khi đã cổ phần hóa. Tâm lý của các nhà đầu tư khi góp vốn vào cảng là muốn được tham gia điều hành và có niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Song, với tình trạng trì trệ và quản lý yếu kém bấy lâu nay của các cảng, tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước còn cao chính là điều mà các nhà đầu tư lo ngại.

Đó là chưa kể thời điểm hiện nay, ngành vận tải biển vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng sau thời hoàng kim, các cảng biển khu vực miền Bắc và miền Trung không đón được tàu lớn vào làm hàng.

Thực tế, sau khi tiến hành IPO mà không có người mua Vinalines đơn vị đang quản lý các cảng biển đang đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại các công ty kinh doanh cảng biển xuống còn 51% thay vì 75% như hiện nay.

Trong thời gian chờ đợi quyết định có giảm phần vốn sở hữu của Nhà nước tại các cảng biển hay không, các cảng biển tiếp tục rao bán cổ phần đợt 2. Trong đó, Cảng Quảng Ninh sẽ bán tiếp 11,5 triệu cổ phần bị ế vào ngày 18-6; Cảng Nha Trang thông báo bán tiếp 5,27 triệu cổ phần còn lại, Cảng Hải Phòng cũng thông báo bán tiếp 30,8 triệu cổ phần còn lại.

Lê Anh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vinatex IPO với giá 11.000 đồng/CP (23/06/2014)

>   Cổ phần hóa doanh nghiệp Trung ương: Áp lực về đích đúng hạn (22/06/2014)

>   Vietnam Airlines xin nhiều ưu đãi sau cổ phần hoá (20/06/2014)

>   Vẫn chưa quyết liệt! (19/06/2014)

>   Không cổ phần hóa được thì cho phá sản (18/06/2014)

>   VNPT có thể nắm 20% vốn Mobifone sau cổ phần hóa (17/06/2014)

>   Vinatex: Ngày 22/7 sẽ IPO tại Sở giao dịch Thành Phố Hồ Chí Minh (16/06/2014)

>   Chờ đợi ‘siêu’ cổ phiếu MobiFone ra sàn (13/06/2014)

>   Bộ Tài chính: Cổ phần hóa 17 doanh nghiệp sau 5 tháng (10/06/2014)

>   Điều chỉnh phương án cổ phần hóa 3 doanh nghiệp xây dựng (09/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật