Thứ Hai, 28/07/2014 10:59

TS. Cao Sỹ Kiêm: "Tín dụng khó tránh dồn cục cuối năm"

TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng, nửa cuối năm mùa kinh doanh cao điểm nên nhu cầu của doanh nghiệp (DN) sẽ tăng cao hơn so với nửa đầu năm do đó, khả năng tín dụng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, tín dụng năm nay sẽ khó tránh dồn cục vào cuối năm.

 

Các NH tiếp tục đầu tư trái phiếu Chính phủ có phải do quá thận trọng đối với rủi ro nợ xấu khiến tín dụng khó tăng, thay vì sức hấp thu vốn kém, thưa ông?

- Điều này càng có thêm điều kiện trong việc huy động vốn cho ngân sách và sử dụng vốn ngân sách cho các mục đích chính đáng. Tuy nhiên, việc mua trái phiếu của các ngân hàng (NH) hiện nay cũng có quy định về định mức và các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng có sự phân bổ rõ ràng trong chiến lược kinh doanh, nhưng trước tình hình hiện nay khi tín dụng khó tăng thì kênh trái phiếu cũng phần nào tháo gỡ khó khăn cho các NH.

Bởi nếu huy động mà không cho vay ra được, NH sẽ "chết". Do đó, các NH tăng mua trái phiếu cũng góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng, nhất là trước bối cảnh ngân sách nhà nước đang thiếu như hiện nay. Song cũng phải thừa nhận, việc các NHTM đổ xô mua trái phiếu chính phủ thì không được lành mạnh và tốt cho lắm.

Bởi với vai trò của các NHTM là huy động nguồn vốn về phải đẩy mạnh cho vay và đưa vốn ra nền kinh tế, hỗ trợ DN sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho xã hội, tạo sức mua chứ không phải huy động về chỉ để mua trái phiếu Chính phủ. Từ đó, nguồn vốn đưa ra cho DN không nhiều.

Việc đầu tư trái phiếu Chính phủ thu hút nguồn vốn để tạo điều kiện ngân sách trong chi tiêu tốt hơn, nhưng trước mắt sẽ không tạo được hàng hóa và giá trị thặng dư cho kinh tế.

Vậy theo ông cần phải điều lãi suất trái phiếu Chính phủ để nguồn vốn có thể ra được nền kinh tế, tạo điều kiện tốt hơn cho DN vay?

- Theo tôi cũng không nên giảm mạnh lãi suất trái phiếu Chính phủ so với hiện nay. Bởi thực tế, nếu giảm được lãi suất trái phiếu sẽ tiết kiệm được chi phí cho ngân sách, tạo được mặt bằng lãi suất mới.

Tuy nhiên, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm nhiều so với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm nhưng vẫn thu hút được người mua thì không sao. Nhưng ngược lại, khi lãi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp, song không thành công trong các đợt đấu thầu thì cũng không phải là giải pháp tốt, ngân sách nhà nước khó tăng.

Có nghĩa, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ khó giảm so với mặt bằng hiện nay, thưa ông?

- Theo tôi khó có thể giảm thêm trần lãi suất so với mặt bằng hiện nay, vì mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức kỳ vọng 5,5 - 6%/năm nay thì lãi suất 6%/năm là phù hợp. Để giảm được lãi suất tiền gửi tiết kiệm cần phải căn cứ vào xu hướng lạm phát, còn nếu lạm phát cao hơn mặt bằng lãi suất tiết kiệm thì NH khó có thể cắt giảm chi phí đầu vào.

Đánh giá của ông như thế nào về tiến độ xử lý nợ xấu của các NHTM?

- Việc xử lý nợ xấu hiện nay chỉ mới gạt được nợ xấu từ NHTM sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) để giãn thời gian xử lý nợ. VAMC cũng chỉ mới giúp NH làm sạch được bản cân đối kế toán.

Các NH chạy đua bán nợ xấu cho VAMC, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn phải do các NH xử lý nợ xấu, đồng thời phải trích dự phòng rủi ro 20% mỗi năm. Nhưng trước tình hình hiện nay việc xử lý nợ xấu hết sức khó khăn. Trong khi đó, năng lực của VAMC có hạn.

Nếu bán lại nợ xấu cho nhà đầu tư trong nước thì hiện nguồn tiền của DN đầu tư đã cạn. Nhưng để bán được nợ xấu đòi hỏi trước hết là phải hình thành được thị trường mua - bán nợ. Tuy nhiên, do pháp lý của Việt Nam không đảm bảo để hình thành thị trường mua - bán nợ và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Pháp lý vướng mắc trong việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài là gì, thưa ông?

- Khung pháp lý còn vướng liên quan đến việc xử lý nợ xấu, đó chính là tài sản đảm bảo. Trong khi tài sản thế chấp của các khoản nợ tín dụng chủ yếu là bất động sản. Nhưng với quy định nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu bất động sản thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không dám mua.

Vì nếu "mua" mà không có sổ đỏ thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ không mua, bởi mục đích của việc đầu tư nợ xấu là sau đó làm tốt lên để bán lại. Do đó, việc VAMC cho biết, chuẩn bị bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài theo tôi sẽ còn nhiều vướng mắc và chưa thể sớm giải quyết được. Mặt khác, nợ xấu sẽ được VAMC bán ở mức nào mới hấp dẫn các nhà đầu tư, trong khi việc mua nợ xấu thời gian qua giá không thấp.

Nợ xấu cao vẫn là rào cản đối với tín dụng. Theo ông, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được và để khơi thông được dòng vốn cần thêm những giải pháp gì?

- Nhu cầu vốn của DN có thể sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tín dụng những năm trước lên đến 25 - 30%, nhưng mục tiêu hiện nay chỉ còn 12 - 14% thì khả năng sẽ đạt được, nếu sức hấp thu vốn của kinh tế được cải thiện. Đồng thời, chính sách của Việt Nam thường dồn dập vào cuối năm.

Mặt khác, nửa cuối năm mùa kinh doanh của DN cũng sẽ cao hơn so với nửa đầu năm. Do đó, khả năng tín dụng sẽ tăng vào những tháng cuối năm và thực tế, dư nợ năm nào cũng được dồn vào cuối năm.

Vì thế, chắc chắn tín dụng năm nay sẽ khó tránh "dồn cục" và tăng rất nhanh vào cuối năm. Đáng chú ý là trong quý 4 hằng năm, tín dụng sẽ tăng "giật cục". Như thế sẽ không tốt cho nền kinh tế, vì tín dụng phải tăng đều đều thì việc sản xuất, kinh doanh của DN mới thực sự tốt và hiệu quả.

Tôi cho rằng, trước tình hình hiện nay cần phải chờ sức mua tăng, kéo theo tổng cầu tăng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân đẩy chi tiêu thì sản xuất, kinh doanh mới phát triển. Còn chính sách kích cầu đã có, nhưng cần có thời gian để phát huy.

Liệu tín dụng có tăng ảo khi số liệu tăng trưởng tín dụng đưa ra phi mã cuối năm?

- Theo tôi là không ảo mà chỉ tăng dồn vào cuối năm, nhưng không phát huy cho năm nay mà để sang năm. Các NH vẫn cho vay thật vào cuối năm để đẩy mạnh tăng tín dụng, các NH vẫn cho vay thật, nhưng nguồn vốn đó có thể sẽ phát triển trong năm sau.

Xin cảm ơn ông!

Linh Chi

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   Chính sách tỉ giá nào cho Việt Nam? (28/07/2014)

>   SaigonBank được chấp thuận tăng vốn lên 4,000 tỷ đồng (27/07/2014)

>   Tăng tín dụng cho ai? (26/07/2014)

>   Tăng tín dụng cho ai? (26/07/2014)

>   Tín dụng đang phá băng bất động sản? (26/07/2014)

>   Bầm dập xử lý nợ xấu (26/07/2014)

>   OceanBank ký kết hợp tác toàn diện với Taxi Ba Sao (26/07/2014)

>   Bên thế chấp có quyền tự bán tài sản: Hệ thống ngân hàng… thất kinh (25/07/2014)

>   Sacombank đã được cấp hạn mức tín dụng lên 650 tỷ đồng trong dự án "Tài chính nông thôn III" (25/07/2014)

>   Công ty bà Dương Thị Bạch Diệp nợ Agribank 3.700 tỷ đồng (25/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật