Chính sách tỉ giá nào cho Việt Nam?
Hồi tháng 6, trước áp lực giảm giá của tiền đồng khi nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng tỉ giá VND/USD bình quân liên ngân hàng thêm 1%. Tuy vậy, chỉ sau đó một thời gian ngắn, nguồn cung USD tăng mạnh trở lại đã khiến tỉ giá quay ngược đầu giảm, thậm chí còn tiến về gần với mức trước khi việc điều chỉnh diễn ra. Diễn biến này cho thấy chính sách định hướng trước cho thị trường về tỉ giá đang gặp những khó khăn nhất định.
Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam khi giá trị xuất nhập khẩu so với GDP lên đến hơn 150%, một chính sách tỉ giá hợp lý hơn là điều cần hướng tới. Tuy vậy, theo nghiên cứu mới đây của 2 nhà kinh tế trẻ Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh, đi tìm chính sách quản lý tỉ giá phù hợp tiếp tục là vấn đề nan giải của Việt Nam vì phải dung hòa được nhiều khía cạnh cả về chính sách tiền tệ lẫn tài khóa, khả năng kiểm soát và chống chịu trước các rủi ro của hệ thống ngân hàng, cũng như một vị thế độc lập hơn của Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn về quá khứ, kể từ đầu thập niên 1990, mặc dù chính sách tỉ giá của Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng linh động hơn và phản ánh được phần nào diễn biến cung cầu thị trường, nhưng về cơ bản, vẫn xoay quanh cơ chế neo tỉ giá.
Theo hai nhà kinh tế này, việc neo tỉ giá cố định ở một số thời điểm đã giúp ổn định được thị trường ngoại hối, làm giảm hiện tượng đầu cơ và đô la hóa, hạn chế rủi ro thanh khoản đối với nợ nước ngoài, nợ công và đặc biệt là “neo” được kỳ vọng lạm phát và hạn chế được hiện tượng nhập khẩu lạm phát. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cơ chế neo tỉ giá lại khiến tiền đồng lên giá thực mạnh, làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và gây thâm hụt thương mại lớn. Việc neo tỉ giá cố định không theo tín hiệu thị trường nhiều lúc còn làm cho nguồn lực của nền kinh tế không được phân bổ một cách hiệu quả, gây khó khăn và bất ổn cho các hoạt động kinh tế.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những bước điều chỉnh tỉ giá về mặt danh nghĩa để phù hợp với diễn biến thực tế, nhưng những điều chỉnh này vẫn còn khá chậm và cứng nhắc. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2006, lạm phát đã vượt xa các đối tác thương mại, nên tỉ giá hối đoái hữu hiệu thực (REER) của Việt Nam đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2006 và sau đó đi ngang trong hai năm 2012-2013.
Sự sụt giảm của REER đồng nghĩa với việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế, trong khi hàng nhập khẩu lại cạnh tranh hơn trên thị trường trong nước. Điều này một phần lý giải vì sao thâm hụt thương mại diễn ra nặng nề ở Việt Nam trong giai đoạn 2007-2011. Mặc dù có nhiều khuyến nghị về việc giảm giá tiền đồng, nhưng việc lo ngại về nhập khẩu lạm phát, dự trữ ngoại hối mỏng, cộng với hiện tượng đô la hóa đã khiến cho chính sách tỉ giá rơi vào tình thế lưỡng nan trong nhiều năm qua.
Chính sách neo tỉ giá cũng không giúp ích gì cho việc neo kỳ vọng lạm phát hay giúp giảm lạm phát ở Việt Nam, bởi việc cung tiền ra nền kinh tế không được kiểm soát tốt. Giai đoạn 2007-2011 đã chứng kiến cung tiền gia tăng đột biến khi Ngân hàng Nhà nước thất bại trong việc thực hiện chính sách trung hòa để đối phó với dòng đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam trong năm 2007. Ngoài ra, nỗ lực kích thích tổng cầu của Chính phủ nhằm tránh suy giảm kinh tế cũng đã khiến cung tiền tăng khoảng 30-50%/năm trong giai đoạn 2009-2011.
Theo hai nhà kinh tế nói trên, mặc dù hiện nay tình hình vĩ mô đã ổn định hơn, nhưng Việt Nam cũng rất khó đáp ứng được các điều kiện để áp dụng tốt chế độ neo tỉ giá. Tỉ lệ lạm phát của Việt Nam hiện vẫn cao hơn nhiều so với các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Nhật, EU và các nước trong khu vực Đông Á. Đây là một nguy cơ khiến cho tỉ giá hữu hiệu thực của Việt Nam giảm, làm xói mòn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, chỉ cần nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh, bất ổn tỉ giá sẽ lại xuất hiện. Trong những năm tới, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực nhiều hơn và khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), độ mở của nền kinh tế sẽ ngày một lớn hơn, tài khoản vốn sẽ được tự do hơn. Khi đó, ảnh hưởng từ các cú sốc bên ngoài đến nền kinh tế sẽ ngày càng lớn.
Việc áp dụng chế độ neo tỉ giá sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thường xuyên phải đối phó với các cú sốc này và sẽ khó có thể chủ động về chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát cũng như đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tín dụng trong nước. Điều này sẽ còn khó hơn khi mà kỷ luật về an toàn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Vậy chính sách tỉ giá nào là phù hợp với Việt Nam hiện nay? Theo hai nhà kinh tế Phạm Thế Anh và Đinh Tuấn Minh, tương tự các quốc gia Đông Nam Á sau khủng hoảng kinh tế tài chính 1997-1998, cơ chế tỉ giá thả nổi có quản lý có thể là sự lựa chọn tốt nhất đối với Việt Nam vào lúc này.
Theo cơ chế này, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tuyên bố trước tỉ giá neo. Tỉ giá thương mại hằng ngày về cơ bản được xác lập hoàn toàn bởi các giao dịch theo cung cầu ngoại tệ trên thị trường. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể dùng các biện pháp can thiệp như mua bán ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và các biện pháp kiểm soát nguồn vốn ra vào Việt Nam để làm mềm dao động của tỉ giá.
Thế nhưng, để theo đuổi cơ chế này, Việt Nam sẽ phải thực hiện nhiều thay đổi lớn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tìm một mỏ neo khác để xác định kỳ vọng lạm phát và từ đó thực thi các chính sách tiền tệ phù hợp. Đó có thể là kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà nhiều quốc gia đang thực hiện. Và để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần có vị thế độc lập hơn so với hiện nay.
Ngoài ra, Việt Nam phải xây dựng một thị trường ngoại hối hiện đại hơn với các sản phẩm phái sinh để giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế hạn chế rủi ro khi giao dịch trên thị trường. Nhưng rõ ràng, với thực trạng của Việt Nam hiện nay, đây là điều không thể thay đổi chỉ trong một đêm.
Sơn Nguyên
Nhịp cầu đầu tư
|