Thứ Sáu, 25/07/2014 11:27

Đầu ra tín dụng cần chính sách đồng bộ

Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng có một số vấn đề mấu chốt và phụ thuộc rất nhiều vào hành động của nhiều bộ, ngành chứ không phải chỉ một mình ngành NH có thể tháo gỡ các nút thắt hiện nay.

Thách thức khi trích lập dự phòng rủi ro tăng

Hết tháng 7, đây là thời điểm các TCTD nhìn vào bảng sơ kết 6 tháng đầu năm để có kế hoạch cụ thể hơn, điều chỉnh những mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới. Theo kết quả kinh doanh của một số NH vừa công bố thì tình hình hoạt động kinh doanh của các TCTD không mấy khả quan và chặng đường đầy khó khăn vẫn còn trước mắt.

Sức cầu trong nước hồi phục chậm, tình trạng DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn đứng ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng tín dụng

Vietcombank cho biết, nửa đầu năm nay, tín dụng của NH tăng trưởng 6,6% so với cuối năm 2013; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.800 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch lợi nhuận đặt ra hồi đầu năm. Hay như TPBank lợi nhuận đạt 263 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch; tăng trưởng tín dụng của NH này đến cuối tháng 6 đạt 8,8%. Tại Sacombank, 6 tháng đạt lợi nhuận trước thuế 1.531 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch cả năm 2014.

Có thể thấy các NHTM đã nỗ lực tìm mọi giải pháp có thể áp dụng để đưa vốn ra cho nền kinh tế: giảm lãi suất cho vay đối với cả những khoản vay cũ và mới; có chương trình tín dụng đa dạng về quy mô, hình thức hỗ trợ cho từng đối tượng, phân khúc khách hàng chuyên biệt; luôn bám sát tình hình sản xuất kinh doanh của DN để tư vấn; xây dựng các chương trình liên kết để tạo nên sự đồng thuận, sức mạnh tổng thể không chỉ giữa NH - DN mà cả chính quyền địa phương… Thế nhưng, hiện tại chúng ta vẫn phải thừa nhận tình hình không mấy khả quan.

Theo nhận định của các NH, trong nửa cuối năm, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được xem là chưa có nhiều thay đổi, trong khi cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD vẫn phục hồi chậm. Phó Tổng giám đốc một NHTMCP cho biết, vấn đề mấu chốt hiện nay là tổng cầu nội địa thấp và đang có dấu hiệu đi ngang. Người dân phải mở rộng chi tiêu, DN có nhu cầu và khả năng đầu tư mới thì sức cầu hàng hóa mới tăng, DN có động lực tăng sản lượng và khi đó tìm đến nguồn vốn vay NH.

Sức cầu trong nước hồi phục chậm, tình trạng DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn đứng ở mức cao: Tốc độ tăng chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2014 ở mức 12,8%, trong khi tốc độ tiêu thụ lại chỉ tăng 9,0% - chưa cải thiện nhiều so với mức tăng 8,3% của cùng kỳ năm trước - cho thấy các DN vẫn gặp nhiều khó khăn tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Số liệu về tỷ lệ giá trị tồn kho so với giá trị sản xuất bình quân 5 tháng đầu năm 2014 ở mức rất cao (78,7%) cũng minh chứng cho điều này.

Sức cầu nội địa trong nền kinh tế vẫn yếu thể hiện qua mức tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2014 là 10,7% (cùng kỳ năm 2013 là 11,9%), là mức tăng chậm nhất trong vòng 5 năm gần đây (bình quân khoảng 20%). Tâm lý tiết kiệm dự phòng của người dân cũng được thể hiện gián tiếp qua việc huy động từ dân cư của hệ thống NH 6 tháng vẫn tăng dù mặt bằng lãi suất không còn hấp dẫn như giai đoạn 2012 - 2013.

Ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc ACB cho biết, nền kinh tế phục hồi chậm, sức mua yếu nên chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn cho hoạt động NH. Đặc biệt, nợ xấu vẫn còn là vấn đề của hệ thống NH và nền kinh tế. Bởi theo như phản ánh từ các NH thì giá trị phải đưa vào trích lập dự phòng rủi ro đang ăn mòn lợi nhuận của NH.

Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Tổng giám đốc Vietcombank, nợ xấu đang được NH xử lý quyết liệt. Bởi nếu áp dụng theo Thông tư số 09/2014/TT - NHNN từ ngày 1/6, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức 3% làm cho khoản trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đã tăng 25% so với cùng kỳ năm 2013.

Cần thêm sự đồng lòng, hợp sức

Các TCTD đang phải đáp ứng cùng lúc nhiều yêu cầu: đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng nhưng không được để nợ xấu tăng; tích cực xử lý nợ xấu cũ; thực hiện phân loại nợ cho thật chính xác, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu…Những nhiệm vụ này nằm trong mối quan hệ qua lại, ràng buộc lẫn nhau và liên quan đến nhiều bộ, ngành. Vậy các nhà điều hành NH nên bắt đầu từ đâu? Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng có một số vấn đề mấu chốt và phụ thuộc rất nhiều vào hành động của nhiều bộ, ngành chứ không phải chỉ một mình ngành NH có thể tháo gỡ các nút thắt hiện nay.

Trước hết và quan trọng nhất vẫn là kích thích tổng cầu của nền kinh tế. DN bán được hàng, tồn kho giảm thì nhu cầu tín dụng mới tăng. Vấn đề này phụ thuộc nhiều ở việc Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần phối hợp tăng cường các chương trình kích thích tiêu dùng thông qua các hội chợ thương mại, chương trình “Đưa hàng về nông thôn, vùng sâu vùng xa”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...

Thứ hai, triển khai nhanh các điều kiện để hỗ trợ ngành thủy sản. Trong đó, quan trọng là Nghị định 67/2014/NĐ - CP nếu được triển khai đồng bộ, hiệu quả không chỉ hỗ trợ ngư dân bám biển mà còn tạo cú hích cho phát triển sản xuất nghề cá và các ngành nghề liên quan, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế… Khi đó, chính từ “vốn mồi” của các NHTM trong cho vay theo chương trình này cũng sẽ được hưởng lợi.

Thứ ba là hỗ trợ thị trường BĐS. Nhóm Nghiên cứu cho rằng cần mở rộng đối tượng và phân khúc BĐS được hưởng tín dụng ưu đãi ngoài nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Cùng với đó có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích các DN đầu tư, thu mua hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh các căn hộ (hiện có, tồn kho) sang cho thuê hoặc thuê mua; tăng nguồn vốn xử lý nợ xấu của VAMC, hỗ trợ chủ đầu tư có thể tiếp cận với nguồn vốn mới để hoàn thiện dự án. Thậm chí chúng ta cần mạnh dạn cho phép các TCTD căn cứ vào năng lực tài chính của mình xem xét khoanh nợ từ 1-3 năm đối với một số dự án khó khăn, khi thị trường phát triển tốt thì tiếp tục triển khai nhằm giảm áp lực về nguồn cung cho thị trường.

Tiếp đến, về đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tăng cường thu hồi nợ: NHNN sớm thành lập các tổ, cơ quan chuyên trách thuộc Ban chỉ đạo liên ngành về tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu TCTD nhằm nâng cao vai trò đôn đốc, giám sát chặt chẽ. NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu; hỗ trợ về vốn cho VAMC để đảm bảo hiệu quả hoạt động theo mục tiêu đề ra.

Và về vấn đề tái cơ cấu, chúng ta thúc giục các TCTD đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, nhưng một trong những vướng mắc làm chậm tiến độ của họ chính là từ việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực NH của các DN, tập đoàn cần được Chính phủ sớm ban hành các chính sách để tháo gỡ… Đồng thời, NHNN sớm xây dựng quy định, cơ chế mua lại các khoản vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Đức Nghiêm

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   NamABank liên tiếp khai trương trụ sở mới (25/07/2014)

>   ĐHĐCĐ: Vietinbank hiện chưa có kế hoạch M&A (25/07/2014)

>   “Ngân hàng Nhà nước sẽ không nâng tiếp giá mua USD” (24/07/2014)

>   NamABank tăng cường sức mạnh nội bộ bằng nguồn nhân lực cấp cao (25/07/2014)

>   “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào? (24/07/2014)

>   Tín dụng tìm đường tăng tốc (24/07/2014)

>   OceanBank nhận giải "Sáng kiến Ngân hàng điện tử tốt nhất Việt Nam 2014" (24/07/2014)

>   Thành viên HĐQT độc lập của VPBank về Vietinbank (24/07/2014)

>   Cặp vợ chồng lừa đảo hơn 44 tỷ đồng: Nạn nhân "chết chùm" vì siêu lừa (23/07/2014)

>   Độc chiêu vay vốn, chuyển nhượng nhà (24/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật