Thoái vốn dưới mệnh giá: Không phải muốn là được!
Dự thảo quyết định hướng dẫn thi hành Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ dự kiến sắp được ban hành. Những quy định hướng dẫn cụ thể trường hợp thoái vốn dưới mệnh giá nhận được sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, để quản lý chặt chẽ hơn, không nên xác định ngay DN được thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách.
Muốn thoái vốn dưới giá trị sổ sách, DN phải báo cáo cụ thể cho cơ quan quản lý.
|
Chặt từ thủ tục đến điều chỉnh giá bán
Theo đó, có ý kiến đề nghị việc thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách nên được cơ cấu lại theo hướng chỉ quy định trình tự, thủ tục thoái vốn theo loại DN có vốn Nhà nước, không nên xác định ngay là thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách.
Về vấn đề này, theo ý kiến của Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính)- cơ quan soạn thảo dự thảo quyết định, khi xác định phương án thoái vốn, DN phải tiến hành khảo sát thị trường để dự kiến giá bán, theo đó có thể xác định giá bán trên hoặc dưới giá trị sổ sách hoặc mệnh giá.
Vì vậy cần quy định cụ thể trường hợp này không chỉ về trình tự, thủ tục mà cả vấn đề xử lý điều chỉnh giá bán, hình thức bán…
Đồng thời, tại dự thảo quyết định đã quy định tương ứng với mỗi trường hợp là từng loại DN và chủ sở hữu xem xét quy định ngay từ khi xây dựng phương án thoái vốn đầu tư tại các công ty cổ phần chưa niêm yết. Đồng thời, căn cứ tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị cũng như hiệu quả đầu tư và kết quả xác định của tổ chức thẩm định giá, việc dự kiến bán dưới mệnh giá hay bán dưới giá trị sổ sách cần phải được DN báo cáo.
Tại Nghị quyết 15/NQ-CP, Chính phủ cho phép DN được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Về cơ bản, nội dung này phù hợp với quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có bổ sung quy định DN được phép thoái vốn dưới mệnh giá. Mặc dù giá bán đó thấp hơn giá trị sổ sách, nhưng có khoản dự phòng bù đắp thì vẫn bảo toàn được vốn. Như vậy, quy định này đã thoáng hơn theo cơ chế mở vì đã được bù đắp từ khoản dự phòng tổn thất đầu tư này.
Hội đồng thành viên sẽ chịu trách nhiệm về chậm thoái vốn
Liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thoái vốn, dự thảo quyết định đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương, hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, SCIC.
Theo cơ quan soạn thảo, không cần thiết phải bổ sung quy định đối với thời gian ra quyết định của chủ sở hữu để đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Bởi vì việc phê duyệt và thực hiện phương án thoái vốn phải đảm bảo phù hợp với tiến độ thời gian theo đề án tái cơ cấu của từng đơn vị đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó liên quan đến trách nhiệm cá nhân Hội đồng thành viên, chủ tịch Công ty cần được thực hiện theo phân công, phân cấp của chủ sở hữu tại NĐ 99/2012/N-CP, Hội đồng thành viên là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN 100% vốn nhà nước, do đó sẽ chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về chậm tiến độ thoái vốn là phù hợp.
Bên cạnh đó, quy định về mức giảm giá bán tối đa cho DN khi tiến hành thoái vốn, vẫn còn 2 luồng ý kiến, đó là khoảng giảm giá được phép nên từ 10 đến 30% hay DN được giảm giá 2 lần mức giảm không quá 10% giá khởi điểm mỗi lần giảm giá theo điều 49 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về mức bán đấu giá tài sản.
Cục Tài chính DN cho biết, sẽ giữ nguyên như dự thảo quyết định, đó là, giảm giá 1 lần tối đa 10% để hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và tâm lý chờ mua thỏa thuận, đồng thời tạo điều kiện cho các DN thoái vốn thành công.
Được biết, thoái vốn đầu tư ngoài ngành đến nay đã có kết quả khả quan. Tính đến 20-6, giá trị vốn đầu tư đạt gần 822 tỷ đồng. Cụ thể: Trong các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh chính là 168,5 tỷ đồng (chứng khoán là 23 tỷ đồng, tài chính, ngân hàng là 73 tỷ đồng, bảo hiểm 72,5 tỷ đồng). Giá trị vốn đầu tư đã thoái tại các DN giảm tỷ lệ sở hữu là 653,3 tỷ đồng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Đặng Quyết Tiến, thoái vốn vẫn phải đảm bảo hai nguyên tắc là phải tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và phải đảm bảo an toàn, tránh bị lợi dụng gây thất thoát vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, “trong quá trình thực hiện, đối với từng trường hợp cụ thể, trên tinh thần Nghị quyết 15 của Chính phủ và các quy định hiện hành, đều có những cách xử lý vấn đề riêng, để cho các DN thoái vốn được ngay mà vẫn đảm bảo 2 nguyên tắc trên”, ông Tiến lưu ý thêm.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được, đẩy nhanh tốc độ thoái vốn. Trong đó, sẽ căn cứ tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành, rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, trong Quý III-2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện.
Bên cạnh đó, căn cứ phương án sắp xếp, cổ phần hóa, phương án thoái vốn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chỉ đạo các DNNN xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo tiến độ phê duyệt, định kỳ có kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện; chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý kịp thời các tồn tại tài chính cùng như các vấn đề vướng mắc phát sinh.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện đúng quy định của Chính phủ chế độ báo cáo về tình hình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN; cũng như tình hình hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh, việc thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ là yêu cầu của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện.
Đồng thời, công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, các TĐ kinh tế, TCT nhà nước trong thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu DNNN cũng tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Minh Anh
Hải quan
|