Thứ Sáu, 25/07/2014 14:13

Cổ phiếu Vocarimex hút nhà đầu tư, huy động thành công hơn 500 tỷ đồng

37.9 triệu cp Vocarimex đã được đấu giá thành công với giá trúng thầu từ 13,000 đồng/cp. Yếu tố nào đã tạo nên sức thu hút từ nhà đầu tư?

Sáng ngày 25/07/2014, Vocarimex đã đấu giá thành công hết 37.9 triệu cp chào bán công khai lần đầu ra công chúng với giá 13,000 đồng/cp, cao hơn mức 11,300 đồng khởi điểm dự kiến trước đó. Đáng chú ý, mức giá khớp cao nhất trong đợt đấu giá này là 30,000 đồng/cp. Như vậy, đợt đấu giá thu về giá trị gần 509 tỷ đồng, trong đó có 42 cá nhân và 5 tổ chức trúng thầu.

Sáng ngày 25/07/2014, tại HOSE, Vocarimex đã đấu giá thành công hết 37.9 triệu cp chào bán công khai lần đầu ra công chúng với giá 13,000 đồng/cp

Không khí tại buổi đấu giá khá gay cấn khi có đến 139 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá cổ phần Vocarimex ra công chúng với khối lượng đăng ký gần 84.4 triệu cp trong khi khối lượng chào bán là hơn 37.9 triệu cp.

Các công ty đặt mua với khối lượng khá lớn như FPT có lệnh mua 4 triệu cp với giá 13,000 đồng/cp, phần lớn các lệnh khác được đặt dưới mức giá này. Công ty chứng khoán (CTCK) OCS cũng có lệnh mua 4 triệu cp giá 13,200 đồng/cp và 4 triệu cp giá 13,300 đồng/cp. CTCK IBS cũng đặt lệnh mua 3.4 triệu cp và 3.9 triệu cp với giá 13,000-13,300 đồng/cp. CTCK VDS đặt khá nhiều lệnh với tổng hơn 10 triệu cp dưới mức 13,000 đồng/cp và có hơn 13.8 triệu cp được đặt mua từ giá 13,100-13,800 đồng/cp. Trong đó, tổ chức đặt giá cao nhất 30,000 đồng/cp là CTCK HCM (H.S.C) với khối lượng 100 cp, HCM cũng đặt 1,500 cp giá 20,000 đồng/cp và 15,000 cp giá 15,200 đồng/cp. Ngoài ra, HCM còn đặt hàng loạt các lệnh với giá trên 13,000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ trước, Vocarimex cũng sẽ có hai cổ đông chiến lược mới nắm gần 39 triệu cp (tỷ lệ 32% vốn) là CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) và CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS). Cơ cấu cổ đông của Vocarimex sẽ bao gồm Nhà nước 36%, cổ đông chiến lược (KDC và VPBS) 32%, công nhân viên 0.88% và 31.12% thuộc về cổ đông đấu giá công khai.

Như vậy, KDC dự kiến sẽ thành cổ đông chiến lược của Vocarimex với tỷ lệ sở hữu 24% vốn. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 của KDC vào cuối tháng 6, Chủ tịch Trần Kim Thành từng nói “khi Kinh Đô không kinh doanh vào ngành nào thì thôi, một khi đã vào ngành nào thì phải vào Top 3, nếu là Top 5-6 thì cũng sẽ bỏ”. Và bên cạnh mảng mì gói, cà phê, Kinh Đô đã chọn phương án trở thành cổ đông chiến lược của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex để bước chân vào lĩnh vực này.

Vocarimex: Một mình một chợ thị trường dầu ăn

Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex gần như đang bao trùm thị trường dầu ăn Việt Nam với các sản phẩm dầu mè, Voca, Soby, Voca Cooking, SunGold, Ben3… Vocarimex đang sở hữu những công ty dầu ăn có thị phần đứng đầu thị trường đáp ứng 85% thị phần trong nước theo nhận định của VCBS. Cụ thể, Vocarimex có 4 công ty con bao gồm CTCP Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC), CTCP Dầu thực vật Tân Bình (Nakydaco), CTCP Trích ly Dầu thực vật (VOE), CTCP Thương mại Dầu thực vật (VOT), 3 công ty liên doanh gồm Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè, Công ty Dầu thực vật Cái Lân, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG VINA và 1 đơn vị liên kết là CTCP Bao bì Dầu thực vật (HOSE: VPK). Tổng giá trị đầu tư vào các đơn vị này tính đến cuối năm 2013 là hơn 1,230 tỷ đồng.

Trong các đơn vị này, Tường An và Cái Lân có vốn điều lệ lớn nhất lần lượt 190 tỷ và 695 tỷ đồng. Trong đó, thông tin từ BCTC 2013, vốn đầu tư của Vocarimex vào Tường An là lớn nhất với giá trị 395 tỷ đồng, tương đương 51% vốn. Tiếp đó là khoản đầu tư 373 tỷ đồng, tương đương với 32% vốn vào Cái Lân (tuy nhiên, Vocarimex cung cấp thêm thông tin đến cuối năm 2013 đã chuyển nhượng 8% vốn tại Cái Lân với số tiền 8 triệu USD. Sau khi chuyển nhượng thành công, vốn đầu tư của Vocarimex tại Cái Lân là hơn 13 triệu USD, tương đương 24% vốn điều lệ).

Sơ đồ sở hữu của Vocarimex với các đơn vị thành viên tính đến cuối 2013

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường dầu ăn tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhằm thay thế chất béo động vật. Trong năm 2013, dầu và chất béo có mức tăng trưởng khá cao 7% về khối lượng và 12% về giá trị. Trong đó, Cái Lân tiếp tục dẫn đầu thị phần dầu với tỷ lệ 37%, tiếp theo là Tường An và Golden Hope Nhà Bè chiếm thị phần lần lượt 19% và 11%.

Cái Lân là công ty liên doanh giữa Vocarimex và Tập đoàn Wilmar (Singapore) với tỷ lệ sở hữu của Wilmar lên đến 68%. Cái Lân được thành lập năm 1996 với số vốn ban đầu 22 triệu USD và tổng vốn đầu tư tăng lên 138 triệu USD. Cái Lân sở hữu các nhãn hiệu chính là Neptune, Symply, Kiddy, Meizan, Cái Lân và Olivoilà.

Các thương hiệu dầu ăn của Cái Lân (Calofic)

CTCP Dầu thực vật Tường an (HOSE: TAC) có tiền thân là Nhà máy Dầu Tường An thuộc Công ty Dầu thực vật hương liệu mỹ phẩm Việt Nam được thành lập trước năm 1975. Đến tháng 10/2004, chuyển đổi thành CTCP Dầu thực vật Tường An và được niêm yết trên HOSE từ cuối năm 2006. Tường An sản xuất các sản phẩm với nhãn hiệu Dầu Cooking Oil, Dầu Vạn Thọ, Dầu Nành, Dầu Mè, Dầu Phộng…

Các thương hiệu dầu ăn của Tường An

Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè thành lập năm 1992, là công ty liên doanh giữa tập đoàn Golden Hope Overseas Sendirian Berhad (thuộc Tập đoàn Golden Hope Plantations Berhad nhà sản xuất dầu cọ Malaysia, nay là Tập đoàn Sime Darby) và Vocarimex (Việt Nam). Sản phẩm chủ lực của công ty là Dầu ăn Marvela, Dầu Đậu Nành, Dầu Ông Táo, Dầu Olein.

Các thương hiệu dầu ăn của Golden Hope Nhà Bè

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận

Trong năm 2013, Vocarimex tiêu thụ 181,000 tấn dầu, trong đó tiêu thụ nội địa 172,000 tấn. Vocarimex phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài. Nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào dầu thực vật các loại cho Vocarimex là Bunge/Denali/Wilmar và nội địa và cung cấp hạt có dầu.

Dòng sản phẩm chủ đạo của công ty là dầu xá (chiếm 94% doanh thu với tổng giá trị doanh thu bình quân đạt trên 4,000 tỷ đồng mỗi năm trong 3 năm qua. Tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu của nhóm này cũng chỉ đạt bình quân từ 3.2 – 3.5%, nguyên nhân do hiện nay nguồn nguyên liệu chính chủ yếu là nhập khẩu nên giá vốn hàng bán của nhóm sản phẩm này còn khá cao.

Trong năm 2013, doanh thu thuần của Vocarimex gần 4,200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, trong đó chủ yếu là dầu chiên xào 3,594 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Vocarimex cao gấp 2.5 lần năm 2012 với hơn 48 tỷ đồng.

Trong các đơn vị thành viên, Cái Lân và Tường An đạt kết quả kinh doanh cao nhất với lãi sau thuế 2013 lần lượt 490 tỷ và 66 tỷ đồng. Riêng với Tường An, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm 2014 đạt 12.3 tỷ đồng, giảm 69% cùng kỳ và tương đương 25% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế qua các năm của Vocarimex và các đơn vị thành viên
ĐVT: tỷ đồng

Khoản lợi nhuận Vocarimex thu về từ Cái Lân vượt trội hơn hẳn với gần 62 tỷ đồng trong năm 2013 trong khi Tường An mang về cho Vocarimex 15.5 tỷ đồng.

Vốn đầu tư của Vocarimex vào các đơn vị thành viên và lợi nhuận được chia 2013
ĐVT: tỷ đồng

Hai đơn vị làm ăn thua lỗ trong năm 2013 của Vocarimex là DTV Tân Bình và Golden Hope Nhà Bè. Hiện Vocarimex đang nắm lần lượt 27% và 49% tại hai công ty này. Trong năm 2013, DTV Tân Bình lỗ 2.3 tỷ trong khi Golden Hope Nhà Bè lỗ đến 37 tỷ đồng. Đặc biệt, lỗ lũy kế đến cuối năm 2013 của Golden Hope Nhà Bè là 190 tỷ đồng.

Trong các đơn vị thành viên, Vocarimex chủ yếu bán nguyên liệu cho Tường An. Cụ thể, trong năm 2013, Vocarimex có giao dịch bán nguyên vật liệu cho Tường An hơn 3,160 tỷ, DTV Tân Bình 606 tỷ, Trích ly DTV 127 tỷ và bán hàng cho Thương mại DTV 144 tỷ, Golden Hope Nhà Bè 8 tỷ đồng. Tại Tường An, công ty có khoản phải trả 424 tỷ đồng với Vocarimex và 1.2 tỷ đồng với VPK.

Theo phương án cổ phần hóa, Vocarimex hiện có vốn điều lệ 1,218 tỷ đồng với giá trị tài sản cố định 400 tỷ đồng nguyên giá (còn lại 117 tỷ) và 123,876 m2 đất đai đang quản lý và sử dụng. Sau cổ phần hóa, dự kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của Vocarimex khoảng 7-8%/năm để hướng tới đạt 5,625 tỷ đồng doanh thu vào năm 2016. Trong đó, sản lượng dầu thực vật tiêu thụ và kinh doanh tính đến năm 2016 dự kiến đạt lần lượt 265,000 tấn và 140,000 tấn. Vocarimex đặt mục tiêu tổng doanh thu vào năm 2016 đạt 27,000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 5 năm 2012- 2016 là 3.4%/năm.

Như vậy, với việc nắm các công ty dầu ăn có thị phần dẫn đầu thị trường, tiềm năng thị trường dầu còn phát triển và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tới cũng như việc sở hữu những máy móc thiết bị và tài sản nhà đất, khoản đầu tư vào Vocarimex trở nên hấp dẫn đối với các “ông lớn” muốn lấn sân lĩnh vực dầu ăn này.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   Vocarimex đã IPO, bán thành công gần 38 triệu cp (25/07/2014)

>   TS Nguyễn Sơn: Niêm yết để tạo thanh khoản cho cổ phiếu IPO (25/07/2014)

>   SBIC hấp dẫn nhà đầu tư ngoại (23/07/2014)

>   Xóa “thiên đường” lợi ích nhóm (22/07/2014)

>   Thông tin đăng ký đấu giá cổ phần Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (21/07/2014)

>   Cổ phần hóa: Doanh nghiệp nước ngoài chật vật tìm cửa vào (18/07/2014)

>   Tháng 1/2015: Vinacomin sẽ hoàn thành cổ phần hóa (15/07/2014)

>   Cổ phần hóa DN nhà nước: Bất cập thu thặng dư vốn phát hành thêm (15/07/2014)

>   CPH sai bản chất: Mạo hiểm với nền kinh tế suy yếu (14/07/2014)

>   Vinatex chuyển ngày IPO sang 22/09 (14/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật