Cổ phần hóa DN nhà nước: Bất cập thu thặng dư vốn phát hành thêm
Theo quy định, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chỉ được giữ lại một phần thặng dư vốn trong trường hợp phát hành thêm cổ phần. Nhưng thực tế vẫn có doanh nghiệp được giữ lại, trong khi doanh nghiệp khác phải trả phần lớn về cho nhà nước.
Trước khi VCB IPO, nhiều nhà đầu tư đã băn khoăn xoay quanh câu chuyện xử lý thặng dư vốn - Ảnh: D.Đ.Minh
|
Theo phương án cổ phần (CP) hóa của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), doanh nghiệp (DN) này sẽ giữ nguyên phần vốn nhà nước và phát hành CP thêm 25% vốn điều lệ với giá 23.000 đồng/CP để tăng vốn. Nếu bán đấu giá thành công, VNA sẽ có phần thặng dư vốn khoảng 3.129 tỉ đồng. Theo đúng quy định, VNA chỉ được giữ lại 25% thặng dư vốn, tương đương hơn 782 tỉ đồng. Nhưng hiện DN này đang đề xuất xin giữ lại toàn bộ phần thặng dư vốn để phát triển đội tàu bay theo đúng kế hoạch.
Trước đây, trong đợt phát hành CP lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty tài chính CP dầu khí (PVFC) cuối năm 2007 cũng thu được thặng dư vốn khoảng 6.600 tỉ đồng. PVFC sau đó đã xin vay lại toàn bộ khoản thặng dư với lãi suất ưu đãi để bổ sung vốn kinh doanh... Hoặc đợt CP hóa phát hành thêm CP lần đầu ra thị trường của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) cũng phát hành thêm 30% CP và xin được giữ lại 30% thặng dư. Tuy nhiên, NH này chỉ phát hành thành công 9,28% CP và được giữ lại 9,28%, số tiền tương đương gần 1.000 tỉ đồng trong khoản thặng dư hơn 10.000 tỉ đồng của đợt phát hành… Dù sau đó VCB xin được giữ lại 30% thặng dư như kế hoạch ban đầu nhưng không được chấp thuận. Như vậy có thể thấy, việc xử lý thặng dư của DN nhà nước sau IPO trong trường hợp phát hành thêm CP vẫn không thống nhất, dễ dẫn đến xin - cho.
Nên làm như doanh nghiệp tư nhân
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định: nếu bán phần vốn nhà nước được bao nhiêu nhà nước lấy hết là chuyện dễ hiểu. Nhưng khi phát hành thêm, phần thặng dư nếu có nên để lại toàn bộ cho DN phát triển. Điều này các DN tư nhân vẫn làm, không ai lại lấy phần thặng dư bỏ vào túi riêng của ông chủ sáng lập. Đó là chưa kể trong kế hoạch đẩy mạnh CP hóa các DN nhà nước từ nay đến hết năm 2015, nếu để lại hết thặng dư khi phát hành thêm CP sẽ tạo động lực hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư (NĐT) tham gia mua CP.
“Nếu nhà nước tiếp tục thu phần lớn thặng dư vốn khi DN phát hành thêm thì NĐT sẽ tính toán chặt chẽ hơn về giá bán của DN và lựa chọn không tham gia. Điều này đôi khi lại trở thành “tính già hóa non” và làm chậm tiến trình CP hóa của VN”, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nói.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận xét quy định DN chỉ được giữ lại một phần thặng dư khi phát hành mới CP là không hợp lý và không phù hợp theo nguyên tắc thị trường. Thông lệ quốc tế cũng để lại thặng dư vốn cho DN. Bản thân nhà nước cũng là cổ đông lớn nên phần vốn để lại cho DN phát triển đạt hiệu quả hơn thì nhà nước cũng sẽ thu lợi được nhiều hơn.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, ngoài việc định giá bán CP hợp lý, nếu xác định phần thặng dư vốn khi phát hành thêm được để lại cho DN sẽ thu hút sự quan tâm của các NĐT trong và ngoài nước, đặc biệt là NĐT tổ chức. Ông Hải nhấn mạnh: Khi thực hiện CP hóa, phần vốn của nhà nước vẫn được giữ nguyên nhưng số tiền dư khi phát hành thêm lại bị nhà nước lấy phần lớn sẽ không thuyết phục được cổ đông. Nếu để lại phần thặng dư vốn này cho DN thì có thể giá bán ra của các tập đoàn nhà nước sẽ cao hơn. Chúng ta nên xem xét lại việc này và nên thực hiện giống như các DN tư nhân. Phần thặng dư vốn là thuộc về chủ sở hữu là DN nên cổ đông lớn cũng không thể lấy đi. Nhất là trong trường hợp công ty phát hành thêm để tăng vốn.
Mai Phương
thanh niên
|