Thứ Ba, 15/07/2014 10:57

Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê - Kỳ 2:

Thâm nhập sào huyệt lừa bán lao động nhà quê

Hầu hết lao động bị “bán sống” lên Lâm Đồng đều có những đặc điểm chung: là người nhà quê, bị lôi kéo từ các bến xe và cuối cùng đều trở thành một món hàng để những kẻ xấu “mua bán”, bóc lột.

* Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, ngoài các “vệ tinh” chuyên vơ vét lao động ở khu vực bến xe An Sương, ngã tư Ga, cầu vượt Sóng Thần...mang “bán” cho bà Phạm Thị Nguyệt Hằng (nhân viên Công ty TNHH giới thiệu việc làm, cung ứng lao động Tuấn Sơn, gọi tắt là Công ty Tuấn Sơn, thôn Đoàn Kết, xã N’ThoI Hạ, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), thì tại khu vực bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân), các “vệ tinh” lôi kéo lao động nhà quê lại chở thẳng “bán” cho ông Nguyễn Trọng Nghĩa, quản lý Công ty TNHH cung ứng lao động Tiến Đạt (gọi tắt là Công ty Tiến Đạt, 137/31/3 Phan Anh, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân).

Sau khi tư vấn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, quản lý Công ty TNHH cung ứng lao động Tiến Đạt, ép người lao động ký giấy nợ ứng số tiền 550.000 đồng để trả phí cho xe ôm, phí giới thiệu

“Vệ tinh” bắt lao động ở bến xe chủ yếu là tài xế xe ôm. Họ chở khách thì ít, lừa “bán” người lao động trục lợi thì nhiều. Từ manh mối có được, chúng tôi một lần nữa thâm nhập sào huyệt của các tay “buôn người”.

Ép ký giấy nợ

Khoảng 10g ngày 29-6, chúng tôi xách balô lớ ngớ đi từ trong bến xe miền Tây ra cổng thì một tài xế xe ôm giơ tay chặn lại. Tài xế này giở ngón nghề “buôn người” khi điện thoại cho một đầu mối đọc các “thông số” về quê quán, tình trạng sức khỏe, tuổi tác...rồi quay qua chốt giá: “Đi Lâm Đồng làm cà phê, lương 3 triệu đồng/tháng”.

Chúng tôi gật đầu, tài xế này chở thẳng đến ngã ba Lãnh Binh Thăng - Ba Tháng Hai (Q.11) “bán” cho bốn người đàn ông chầu chực sẵn (có ông Hưng, xưng là người của Công ty TNHH Đức Hoàng, thôn Đoàn Kết, xã N’ThoI Hạ, Đức Trọng, gọi tắt là Công ty Đức Hoàng, đã nói ở kỳ 1).

Tại đây, nhóm người này nuốt lời khi bớt xén tiền lương từ 3 triệu đồng xuống còn 2,5 triệu đồng/tháng. Chốt xong giá, hai người trong nhóm lấy CMND của chúng tôi và chở thẳng tới Công ty Tiến Đạt.

Dọc đường đi ông Hùng “bơm” vào tai chúng tôi viễn cảnh cuối năm ôm một cục tiền về quê ăn tết. Ông này còn vòi chúng tôi bằng được số tiền “bồi dưỡng” 40.000 đồng.

Trụ sở Công ty Tiến Đạt thực chất là nhà ở của gia đình ông Nghĩa. Để “ra dáng” công ty, phía dưới ông Nghĩa thiết kế một chiếc bàn và một dãy ghế làm việc. Gác xép phía trên mới là nơi giam lỏng những lao động vừa mua từ các “vệ tinh”.

Thời điểm chúng tôi bị mang tới “bán”, ông Nghĩa cởi trần, mặc quần đùi tư vấn: “Ở đây anh là người cuối cùng nhận vô để tư vấn cho tụi em. Lương khởi điểm là 2,5 triệu đồng, tiền chi phí bao trọn gói là 1,75 triệu đồng/người, chủ lo. Nếu phá hợp đồng, các em sẽ phải bỏ tiền ra đền bù”.

Nói xong, ông Nghĩa ép chúng tôi ký giấy nợ ứng mỗi người 550.000 đồng, sau đó bắt tận tay cầm số tiền ứng để trả lại cho nhóm người chở đến. Hai lao động người Hà Nam ngồi cạnh cũng bị ông Nghĩa ép ký giấy nợ 250.000 đồng/người trả tiền “xe ôm” và “tiền phí tìm việc” (trên thực tế lẽ ra số tiền này ông Nghĩa phải trả cho “vệ tinh” vì ông là người mua lao động - PV).

Trong sáng 29-6, chúng tôi chứng kiến một thanh niên quê miền Trung bị một con buôn “vệ tinh” xách cổ từ bến xe miền Tây vào “bán” cho ông Nghĩa.

Tư vấn xong, ông Nghĩa ép ký vào giấy nợ, người này nhùng nhằng thì bị con buôn chỉ tay vào mặt la lớn: “Mày quyết định nhanh đi tao còn về. Hồi nãy thấy mày hiền lành tao nói nhẹ nhàng. Đ.M từ sáng giờ tao nói đàng hoàng lắm rồi đó”.

Người thanh niên sợ hãi nói: “Bây giờ cháu không đi nữa, cháu gửi chú 200.000 đồng tiền xe”. Con buôn hét: “Hai trăm thôi à, hồi sáng giờ tiền xăng tiền cộ, tiền công tao chở mày đi thì mày tính sao. Tao đá một cái mày chết liền tại chỗ, tao kêu thằng em tao tới đây thì mày rụng cái đầu luôn đó. Đừng cà chớn với tao, anh em tao bỏ ra 200.000 đồng để mua mày bây giờ mày tính phủi à”.

Người thanh niên này giải thích trong người không có nhiều tiền, nếu lấy thêm phải chở đi lấy, con buôn hất hàm nói: “Không có ai chở mày đi kiếm tiền cả”, và giơ cùi chỏ dọa đánh người thanh niên nhưng bị ngăn lại. Ông này nói lớn tiếng: “Tao nể người nhà nên không tao thịt mày, ra ngoài tao đập chết cha mày”.

Giam lỏng

Xong xuôi mọi việc, vợ chồng ông Nghĩa yêu cầu chúng tôi bỏ đồ ở phía dưới rồi lùa lên trên gác nằm đợi. Bà Hòa, vợ ông Nghĩa, dặn: “Tụi bay mua gì thì nói để tao đi mua, đừng có đi ra ngoài lung tung”.

Trên gác tối om, nóng hầm hập, nhóm lao động năm người chúng tôi chỉ biết nằm thượt dài, im re. Mỗi lần muốn uống nước, hút thuốc hay mua thẻ điện thoại... đều phải đưa tiền cho Út (23 tuổi, quê Bến Tre, đệ tử của ông Nghĩa) đi mua chứ không được ra ngoài nửa bước.

Gần trưa có thêm một nhóm ba lao động từ Vĩnh Long được ông Nghĩa đích thân đi gom từ nơi khác về tập trung tại nhà để chuẩn bị “bán” lên Lâm Đồng. Bị giam lỏng trên gác, ngoài chúng tôi còn có ông Phôn (44 tuổi, quê Trà Vinh), các thanh niên tên Minh (17 tuổi), Sỹ (16 tuổi, cùng quê Hà Nam).

Theo những lao động này, họ đều đi tìm việc tại khu vực bến xe miền Tây (Q.Bình Tân), gặp xe ôm săn đón dụ đi làm ở Lâm Đồng chở vào nhà cho ông Nghĩa. Khi làm thủ tục, ông Nghĩa ép ký giấy nợ để trả tiền xe ôm và phí giới thiệu mới ngớ người biết bị “bán”.

“Bị bán vô đây rồi thì biết làm sao được, tụi em làm gì có tiền mà trả cho người ta. Nếu lên đó làm không nổi, bị chủ đánh đập chắc tụi em chỉ còn đường trốn quá” - Minh nói.

Theo Minh, khi quyết định đến TP.HCM tìm việc không dám nói với gia đình vì sợ bị ngăn cản. “Đến sáng, bố em gọi thì em mới nói đã đi xa rồi. Giờ vào đây bị lừa em chẳng dám gọi về cho ai để gửi tiền chuộc cả” - giọng Minh run run.

Với nét mặt khắc khổ, màu da đen nhẻm, ông Phôn nói rằng ở quê không có công ăn việc làm nên cả gia đình dắt nhau tha phương bán sức làm thuê kiếm sống.

“Vợ đi làm mướn, con gái lớn 20 tuổi cũng làm thuê ở Tây Ninh, con trai út thì đi ở nhà chùa rồi” - ông Phôn kể. Từ khi bị xe ôm “bắt” vào bán cho ông Nghĩa, ông Phôn liên tục gọi điện về cho con gái để thông báo.

Đến 14g30, sau bữa cơm ông Nghĩa gọi taxi chở tám lao động chúng tôi tới một quán cà phê ở P.7 (Q.Gò Vấp) đợi xe. Ông Nghĩa bố trí nhóm lao động ngồi trong góc quán, Út và ông Nghĩa ngồi chặn lối ra, lối đi vệ sinh để kiểm soát lao động.

15g, toàn bộ chúng tôi được lùa lên xe nằm tập trung ở hàng ghế phía sau. Toàn bộ CMND, giấy ghi nợ... ông Nghĩa gói vào trong túi chuyển tài xế đưa lên Công ty Đức Hoàng. 0g20 ngày 30-6, cả nhóm lao động đến trụ sở Công ty Đức Hoàng.

Tại đây ông Thi - nhân viên quản lý - sau một lúc kiểm tra giấy tờ tiếp tục lùa chúng tôi vào một căn phòng phía sau rồi khóa trái cửa. Căn phòng được thiết kế chỉ một lối ra vào, cửa sổ được hàn thêm một số thanh thép để tránh lao động bẻ cửa trốn thoát.

Bước vào căn phòng rộng khoảng 25m2 chúng tôi thật sự giật mình khi có đến gần chục lao động nhà quê ăn mặc nhếch nhác, người nằm người ngồi vật vạ trên phản gỗ.

Trong số những lao động này, Thìn (23 tuổi, quê Gia Lai) ngồi co ro trong góc nhà vẻ mặt đầy sợ sệt. Sau nhiều lần hỏi thăm, Thìn mới tâm sự: “Em đến TP.HCM xin việc thì bị bán lên Lâm Đồng nuôi heo. Do sức yếu làm không nổi nên làm một ngày em xin ra và đang chờ người nhà chuyển 1,95 triệu đồng tiền chuộc mới được về”.

Do quá đông người, căn phòng trở nên ngột ngạt, mùi hôi thối xộc lên nồng nặc. Tấm phản gỗ dài 8m trải chiếu được thiết kế cho người lao động ngủ đã ken chật chỗ nên ông Thi yêu cầu chúng tôi trải chiếu giữa nền nhà nằm ngủ để mai nhà vườn tuyển đi làm.

Trong phòng không quạt, không mùng mền... nhiều lao động nằm thổn thức, hậm hực vì biết mình bị lừa “bán” như một món hàng. Trong đêm, nhiều lao động gõ cửa xin ra ngoài mua nước thì ông Thi nhảy vào chỉ mặt chửi: “Đ.M, thằng nào, thằng nào muốn mở cửa vậy? Bọn mày mở cửa có chuyện gì không?”. Sợ hãi, những người lao động ngồi co ro nhìn nhau không dám hé răng nửa lời...

“Ăn” dày trên thân xác người lao động

Theo bà Hòa (vợ ông Nghĩa), để có nguồn lao động người nhà quê chuyển lên Lâm Đồng, công ty phải đặt mối từ nhiều “vệ tinh” rải đều ở các bến xe miền Đông, An Sương, miền Tây... Đặc điểm nhận dạng của người lao động tìm việc là mang balô, mắt nhìn dáo dác tìm đường. “Bắt được lao động nhà quê tụi xe ôm mừng lắm, bắt được một người là no cả ngày rồi, được mấy trăm ngàn đồng liền” - bà Hòa tiết lộ.

Bà Hòa còn khẳng định chỗ bà (Công ty Tiến Đạt) chỉ là chi nhánh, còn “công ty mẹ” nằm hẳn ở Lâm Đồng. “Xe ôm chỉ việc chở lao động vào đây thôi là tụi nó ăn được 600.000 đồng/người. Mình lấy mối nên sẽ ăn thêm 200.000 đồng/người, vị chi là 800.000 đồng/người. Một ngày xe ôm “bắt” nhiều nhất chỉ được 1-3 người, còn mình sẽ gom lại từ nhiều đầu mối nên sẽ ăn nhiều, có ngày công ty nhận đến vài chục người” - Út, “đệ tử” của ông Nghĩa, nói. Theo Út, mạng lưới “bắt” lao động của công ty còn vươn ra các bến xe tỉnh lẻ. “Trước kia lao động “bắt” về còn cho ra ngoài, bây giờ thì không vì hay bỏ trốn”.


Hoàng Lộc - Đức Phủ

tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Vỡ ống nước Sông Đà, Vinaconex bị truy cứu hình sự? (15/07/2014)

>   Đại diện tổng thống Mỹ thăm Việt Nam (15/07/2014)

>   Đau xót nạn bóc lột lao động nhà quê (14/07/2014)

>   Trực thăng Trung Quốc tặng rơi ở Phnom Penh, 5 người chết (14/07/2014)

>   Dự án 1.500 tỷ đồng đánh cá Biển Đông dễ thua lỗ (14/07/2014)

>   Mưu đồ xâm lấn đội lốt khảo cổ (14/07/2014)

>   Bắt giữ "trùm" cờ bạc Vũ Hoàng Oanh tại sòng bạc Đà Lạt (14/07/2014)

>   Giở “chiêu trò” để không tuyển lao động Việt Nam (13/07/2014)

>   Bộ Công thương tự chống tham nhũng:Kiểm tra 1.500, sai phạm 1? (13/07/2014)

>   Máy bay trễ vì dồn người như... xe khách! (12/07/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật