Bộ Công thương tự chống tham nhũng:Kiểm tra 1.500, sai phạm 1?
Báo cáo phòng chống tham nhũng của Bộ Công thương 6 tháng đầu năm 2014 cho biết, trên 1.500 cuộc tự kiểm tra phát hiện được 1 vụ vi phạm.
Cụ thể, tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Phòng cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP. Cẩm Phả đã phát hiện 1 vụ cấu kết với người ngoài đơn vị trộm cắp than tại Công ty Than Hạ Long.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 6 đối tượng, trong đó có 3 người của Công ty Than Hạ Long.
Báo cáo của Bộ Công thương cũng cho biết, kết quả kiểm tra nội bộ tình trạng "sử dụng tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị gây thất thoát, lãng phí; cấm tặng quà, nhận quà không đúng quy định" trong dịp Tết Nguyên đán Giáp ngọ -2014 vừa rồi, không phát hiện tham nhũng".
Thanh tra chỉ rõ những sai phạm của EVN
|
Để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phòng chống tham nhũng Bộ Công thương đã triển khai 5 đoàn thanh tra, 4 đoàn kiểm tra theo kế hoạch, trong đó 2 đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; 1 đoàn kiểm tra trách nhiệm thủ tưởng đơn vị trong công tác tự thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Kết quả "chưa phát hiện vụ việc vi phạm", tuy nhiên, báo cáo có cho biết, "các đoàn thanh tra, kiểm tra đã giúp các đơn vị được thanh tra, kểm tra củng cố công tác quản lý, điều hành".
Dự kiến 6 tháng cuối năm, Ban cán sự Đảng sẽ chỉ đạo tập trung xử lý vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây lắp và Vật liệu xây dựng V đầu tư tại Lào và vụ Công ty Cromit Cổ Định Thanh Hóa thuộc Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Soi đâu cũng có chuyện!
Báo cáo của Bộ Công thương là vậy nhưng từ năm 2011-2013, Thanh tra Chính phủ cho biết, đã “sờ gáy” 7 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thì thấy, đụng đâu cũng có vấn đề. Các đại gia đều đã dính nhiều “phốt" từ việc sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước đến việc quản lý đầu tư xây dựng.
Dù cho, đó là đại gia mạnh nhất về tài chính, được nhiều khen thưởng về sản xuất kinh doanh như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) hay những đơn vị nhỏ hơn như Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Sông đà, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Hàng loạt vi phạm được tổng kết lại và trong đó, bao trùm lên tất cả là trình độ quản trị doanh nghiệp yếu. Nhiều bài toán đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế, thường xuyên chậm trễ rồi thua lỗ, thậm chí có khả năng gây mất vốn Nhà nước.
Gần đây, tháng 10/2013 Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra những sai phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam liên quan đến việc EVN đã tính chi phí xây biệt thự, sân tennis, bể bơi... vào giá điện
Theo Thanh tra Chính phủ, trong 6 dự án nguồn điện của EVN, gồm nhiệt điện Ô Môn 1, nhiệt điện Phú Mỹ 1 và 4, nhiệt điện Nghi Sơn 1, nhiệt điện Hải Phòng 1, nhiệt điện Quảng Ninh 1, đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa”.
Tuy nhiên, trên thực tế đó là 355.000 m2 đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… với tổng giá trị đầu tư trên 595 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ khẳng định, toàn bộ chi phí này nằm trong tổng mức đầu tư dự án nguồn điện, do đó sẽ được tính vào giá bán điện là không đúng quy định.
Thời điểm này, Thủ tướng đã chủ trì riêng một cuộc họp về việc xử lý sau thanh tra tại EVN với đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, EVN...
Thủ tướng khẳng định Thanh tra Chính phủ đã thanh tra EVN nghiêm túc, có trách nhiệm. Dù chưa phát hiện tham nhũng nhưng với việc Thanh tra Chính phủ nêu rõ những ưu, khuyết điểm của EVN, Thủ tướng yêu cầu EVN cần xem lại tại sao hằng năm đều có kiểm toán nhưng lại không phát hiện những sai phạm, khuyết điểm.
Tại nhiều cuộc họp báo sau đó, đại diện Thanh tra Chính phủ liên tiếp khẳng định những kết luận của mình đưa ra là đúng. Gần đây nhất là cuộc họp báo quý IV diễn ra vào ngày 10/1 vừa qua, đại diện Thanh tra Chính phủ tiếp tục không tán thành khi Bộ Công thương phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng đi làm như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định.
Tuy nhiên, trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 26/1, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lại khẳng định trong 6 dự án đầu tư, chỉ 1 dự án trên 60 tỷ đồng được tính vào giá bán điện, còn lại 5 dự án đang trong quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng.
An An
Đất việt
|