Soi 5 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới
Các nhà đầu tư lớn nhất thế giới không phải là các quỹ đầu cơ mà chính là các quỹ đầu tư quốc gia (SWF). Khi dòng tiền của những quốc gia này vừa dịch chuyển, ngay lập tức cả thế giới tài chính liền dõi theo.
Vậy ai đang là ông chủ thực sự của Phố Wall? Chắc chắn, đó không phải là các đại gia quỹ đầu cơ hay giám đốc điều hành của các ngân hàng đầu tư mà là các quỹ đầu tư quốc gia và quỹ hưu trí của các quốc gia xa xôi với lượng tiền mặt khổng lồ.
Với tổng tài sản đang quản lý lên đến hàng tỷ USD, thậm chí là hàng ngàn tỷ USD, dùng để đầu tư, những quốc gia này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của các thị trường khi vung tiền đầu tư. CNN Money đã liệt kê 5 quốc gia được xem là các nhà đầu tư lớn nhất thế giới và cách thức họ sử dụng dòng tiền đầu tư hiệu quả như thế nào.
1. Quỹ hưu trí Chính phủ Nhật Bản (Japan's Government Pension Investment)
Tài sản: 1.27 ngàn tỷ USD
Các khoản đầu tư nổi bật: Quỹ đầu tư hưu trí khổng lồ của Nhật Bản gần như đã bỏ lỡ xu hướng giá lên của thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có cả đà phục hồi chóng mặt của thị trường chứng khoán (TTCK) nước này. Nguyên nhân là do quỹ đã rót hơn một nửa tài sản của mình vào trái phiếu trong nước và khoản đầu tư này đem lại lợi suất khá thấp.
Tuy nhiên, thế cuộc sắp thay đổi hoàn toàn. Mới đây, các quan chức Nhật Bản công bố kế hoạch tăng cường nắm giữ cổ phiếu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đạt được lợi nhuận cao hơn và đảm bảo việc thanh toán lợi tức cho những công dân đã nghỉ hưu của nước này.
2. Quỹ hưu trí Chính phủ Na Uy (Norway's Government Pension Fund)
Tài sản: 878 tỷ USD
Các khoản đầu tư nổi bật: Không giống như Nhật Bản, quỹ hưu trí của Na Uy là một nhà đầu tư lớn trên TTCK với tỷ lệ tài sản đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết đến hơn 60%. Quỹ vừa trở thành một trong những nhà đầu tư lớn của Hy Lạp khi mua vào 2.5 tỷ EUR (tương đương 3.4 tỷ USD) cổ phiếu của NHTW Hy Lạp (NBG) trong tháng 5/2014.
Ngoài ra, quỹ còn đề xướng chủ trương giao dịch minh bạch trên các thị trường. Quỹ từng hợp tác với Investors Exchange (IEX) của Chủ tịch Brad Katsuyama và điều này đã trở thành một thông tin đáng chú ý vào đầu năm nay sau khi quỹ xuất hiện trong cuốn “Flash Boys” của Michael Lewis. Trong cuốn sách, Lewis cho rằng thị trường đang bị thao túng bởi một hệ thống ngầm gồm các công ty giao dịch tần suất cao (high frequency trading).
3. Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (Abu Dhabi Investment Authority)
Tài sản: 773 tỷ USD
Các khoản đầu tư nổi bật: Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi thuộc Các tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đang sở hữu một danh mục khá đa dạng với các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân và niêm yết trên toàn cầu. Bên cạnh danh mục gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, quỹ còn đổ tiền vào các quỹ đầu cơ, bất động sản và các quỹ đầu tư tư nhân.
Tháng 4/2014, quỹ chi 6.6 tỷ USD để mua lại Queensland Motorways của Australia. Hiện Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi cũng đang tham gia vào các thương vụ đầu tư mạo hiểm. Tháng 3 vừa qua, quỹ đã rót tiền vào Fizzy Living, một công ty bất động sản mới khởi nghiệp tại Anh.
4. Quỹ đầu tư Quốc gia Ả-rập Xê-út (SAMA Foreign Holdings)
Tài sản: 738 tỷ USD
Các khoản đầu tư nổi bật: Phần lớn tài sản của Quỹ đầu tư quốc gia Ả-rập Xê-út đều xuất phát từ sản lượng dầu khổng lồ và hoạt động xuất khẩu dầu của nước này. Dù có quy mô khá lớn nhưng quỹ tương đối dè dặt trong hoạt động đầu tư.
Quỹ có cổ phần tương đối nhỏ tại một số doanh nghiệp niêm yết và dùng phần lớn tài sản của mình để đầu tư cho sự phát triển xã hội tại Ả-rập Xê-út và khu vực.
5. Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (China Investment Corporation – CIC)
Tài sản: 575 tỷ USD
Các khoản đầu tư nổi bật: Quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất của Trung Quốc ngày càng trở nên thân thiện với Nga. Tháng 6 vừa qua, CIC đã thành lập một quỹ đầu tư liên doanh với Liên minh Xô Viết cũ nhằm mục đích đầu tư vào các doanh nghiệp tại Nga và Trung Quốc. Với tên gọi Diễn đàn Đầu tư Nga – Trung Quốc, liên doanh này đang rót vốn mạnh vào lĩnh vực du lịch và cơ sở hạ tầng nhà ở tại cả hai quốc gia.
Ngoài Nga, CIC còn mua 40 triệu cổ phiếu của công ty chăm sóc sức khỏe iKang của Trung Quốc tại đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn New York vào tháng 4/2014.
Phước Phạm (Theo CNN Money)
|