Lo ngại về bong bóng tài sản
Một tổ chức đại diện cho ngân hàng trung ương của thế giới - BIS hôm 29/6 đã cảnh báo về sự nguy hiểm của làn sóng bong bóng tài sản mới được hình thành trước khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục.
BIS cảnh báo rủi ro giá tài sản
Các nhà đầu tư tuyệt vọng trong việc tìm kiếm lợi nhuận khi lãi suất chính thức hiện đang ở mức thấp hoặc gần thấp kỷ lục. Điều này đã đẩy giá cổ phiếu hoặc các tài sản khác đến gần mức rủi ro. Đây là Báo cáo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) có trụ sở tại Basel, Thụy Sĩ.
“Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu vào năm 2007 có thể mất vài năm nữa”, Jaime Caruana - Tổng giám đốc của BIS, cho biết tại cuộc họp thường niên được tổ chức tại Basel vào hôm 29/6. “Sự phục hồi có thể là đặc biệt chậm ở châu Âu”, ông nói, “bởi nợ vẫn ở mức cao”.
"Trong thời kỳ bùng nổ, tài nguyên được phân bổ sai trên quy mô lớn", trong bài phát biểu của mình, ông Caruana cho biết "sẽ mất một thời gian nữa để những nguồn tài nguyên này được sử dụng hiệu quả hơn”.
BIS cung cấp dịch vụ tài chính cho các ngân hàng trung ương quốc gia đồng thời đóng vai trò như một cố vấn về chính sách tiền tệ cũng như các vấn đề khác như sự ổn định tài chính đối với các ngân hàng trung ương.
Hội đồng quản trị bao gồm Janet Yellen - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); Mario Draghi - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu; và người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Tổ chức này đang phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn trong việc sửa chữa nền kinh tế toàn cầu so với trách nhiệm của họ. Trong báo cáo năm 2014 của mình, BIS đã cảnh báo rất trực tiếp rằng, nền kinh tế thế giới có thể bị tổn thương bởi cuộc khủng hoảng mới.
“Có một yếu tố khiến mọi người thất vọng”, Claudio Borio, người đứng đầu bộ phận tiền tệ và kinh tế tại BIS cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 29/6. Ông mô tả báo cáo của cơ quan này "như một lời kêu gọi hành động".
Tổ chức này cho biết, chính phủ các nước nên làm nhiều hơn để cải thiện hiệu suất của nền kinh tế, như giảm hạn chế về tuyển dụng và sa thải nhân công. Bản báo cáo cũng kêu gọi các ngân hàng tăng thêm vốn như một bộ đệm chống rủi ro và để tăng tốc những nỗ lực đối phó với các vấn đề trong quá khứ. Các nước đang phát triển nhanh như một số thị trường mới nổi phải cảnh giác với nguy cơ phát triển quá nóng - BIS đề cập.
“Vẫn còn dấu hiệu của sự mất cân bằng tài chính”, ông Borio nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi nhấn mạnh điều quan trọng là phải hành động hơn nữa trong khi vẫn còn thời gian". Báo cáo của BIS cũng cho biết, mức nợ ở nhiều thị trường mới nổi cũng như ở Thụy Sĩ, "là cao hơn ngưỡng rắc rối tiềm năng".
Hạ thấp cảnh báo giảm phát tại châu Âu
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư hoảng loạn. Ví dụ, trong tháng 6, các nhà đầu tư tranh nhau mua 1,5 tỷ USD trái phiếu chính phủ Kenya. Lợi tức trái phiếu là 6,875% - một mức rất thấp đối với một quốc gia có vấn đề về kinh tế và thường xuyên rung chuyển bởi các vụ đánh bom khủng bố.
Trái ngược với nhiều nhà kinh tế và nhà phân tích, BIS giảm nhẹ nguy cơ đối với giảm phát - một vòng xoáy giá cả đi xuống có thể gây thảm họa đối với nền kinh tế. Khi giảm phát xảy ra, mọi người ngừng chi tiêu bởi vì họ cho rằng giá sẽ giảm hơn nữa. Lợi nhuận công ty sụt giảm và thất nghiệp tăng.
Tại châu Âu, một cuộc tranh luận dữ dội đã diễn ra về việc liệu khu vực có rơi vào giảm phát hay không cho dù Ngân hàng Trung ương châu Âu kêu gọi nên bơm thêm tiền vào nền kinh tế eurozone như một biện pháp đối phó.
Ông Borio nói rằng, chưa chắc sẽ có một sự lặp lại giảm phát nghiêm trọng như đã xảy ra trong cuộc Đại suy thoái. Ông lưu ý rằng giá cả đã giảm ở Thụy Sĩ trong nhiều năm, nhưng nước này tiếp tục phát triển và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
“Chúng tôi không nói rằng, giảm phát không phải là một vấn đề", ông Borio nói. "Nhưng chúng tôi muốn cố gắng không để cảm xúc xen vào các cuộc tranh luận”.
Tổ chức này cũng đã có những lời phàn nàn đối vối các tập đoàn khi nói rằng, không được lợi dụng bùng nổ thị trường chứng khoán để đẩy mạnh đầu tư. Theo BIS, đó là một trong những lý do khiến việc tăng trưởng năng suất - nền tảng của tăng trưởng kinh tế bền vững đã chậm lại ở hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Mặc dù thị trường tài chính vẫn còn đang trong hưng phấn, đầu tư vẫn còn yếu, báo cáo của BIS cho biết: "Thay vì tăng cường năng lực sản xuất, các công ty lớn ưa thích mua lại cổ phần hoặc tham gia vào các vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp".
Tóm lại, BIS đang gửi đến những lời nhắn có phần ảm đạm đó là thế giới đang say sưa với việc kiếm tiền dễ dàng và đã quên những bài học của những năm gần đây.
“Sự cám dỗ để trì hoãn việc điều chỉnh chính sách kinh tế được chứng minh là không thể cưỡng lại được, đặc biệt là khi thế giới được reo rắc ảo tưởng về sự giàu có”, BIS nhấn mạnh, “Kết quả là một mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào nợ, cả khu vực tư nhân và công. Và thời gian sẽ chứng minh gieo gì gặt nấy”.
Mỹ Hạnh (NYTimes)
thời báo ngân hàng
|