Nhìn lại sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm: Dư sản phẩm, thiếu thị trường
Trong 6 tháng đầu năm nay, mặc dù sản xuất nông nghiệp tương đối thuận lợi, hàng hóa nông sản làm ra được nhiều nhưng cái khó lớn nhất chính là thị trường.
Hàng nông sản tắc đầu ra
Theo Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%; thuỷ sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 28,6%; lâm sản chính ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD. Đó là những tín hiệu cho tăng trưởng ngành nông nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, từ tháng 5 tới nay do có những căng thẳng trên Biển Đông, trao đổi một số loại nông sản hàng hoá giữa hai nước Việt – Trung gặp khó khăn và xuất khẩu có sự giảm sút. Ông Đoàn Xuân Hoà - Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối cho biết: “Các mặt hàng như lúa gạo, cao su thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu, ngoài ra còn một số mặt hàng nông sản lớn như dưa hấu, thanh long, vải thiều, sắn thị trường Trung Quốc còn chiếm tới 80-90%...”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nhận định, thị trường 6 tháng đầu năm nay gặp khó khăn đột xuất và sẽ có ảnh hưởng trong một thời gian nữa. Hiện nay, nước ta có một số nông sản phụ thuộc nhiều về thị trường Trung Quốc như lúa gạo, cao su, thanh long, vải, sắn... Đặc biệt, theo ông Tuấn, Trung Quốc cũng vừa đưa ra thông báo sẽ kiểm soát chặt hơn các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam qua con đường tiểu ngạch và tiến tới có thể sẽ tạm dừng một số cửa khẩu. Đây không phải là lần đầu tiên họ đưa ra các chính sách này và Việt Nam cũng coi đây là cơ hội để đàm phán, tiến tới xuất nhập khẩu bằng chính ngạch nhằm hạn chế rủi ro đối với thị trường này.
Duy trì GDP nông nghiệp đạt 3%
Theo ông Hà Công Tuấn, trong 6 tháng cuối năm, mục tiêu của ngành là tiếp tục thích ứng và giải quyết với những khó khăn về thị trường, cố gắng duy trì thị trường hướng đạt GDP 3%, tập trung nâng cao chất lượng ngành nông nghiệp, trong đó vấn đề đột phá là tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn về thị trường, Bộ NNPTNT đã rà soát các thị trường và chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm việc với các nước để mở cửa thị trường. “Ở trong nước, Bộ đã làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp để làm rõ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”- ông Tuấn nói.
Đối với sản xuất, Bộ NNPTNT cũng đã chỉ đạo rà soát và thông tin cho các địa phương, nhân dân về tình hình thị trường thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp quy mô sản xuất… Hiện Bộ NNPTNT cũng đã cử các đơn vị chức năng đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang Argentina và đàm phán để mở cửa lại thị trường thuỷ sản ở Nga...
Theo đánh giá của Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới, tình hình xuất khẩu nông sản sẽ khả quan, trong đó có những mặt hàng quan trọng như lúa gạo, thuỷ sản, lâm sản. Tuy nhiên, có những mặt hàng sẽ tiếp tục khó khăn và phải có biện pháp quyết liệt như đối với cao su, thanh long, một số loại rau quả và những mặt hàng tươi sống.
Để phục hồi tốc độ tăng trưởng, ngành NNPTNT đang triển khai quyết liệt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành. Đến nay, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu 6 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản, thuỷ lợi, chế biến nông lâm thuỷ sản và cụ thể hoá các giải pháp thực hiện. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2014, Bộ sẽ chỉ đạo chuyển đổi khoảng 80.000 – 90.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng hàng năm như ngô đậu tương, vừng, lạc và các rau màu khác.
Thanh Xuân
Dân Việt
|