Mỹ vẫn áp thuế bán phá giá đối với cá tra Việt Nam
Ngày 8-7, Luật sư Ngô Quang Thụy thông tin với Pháp Luật TP.HCM: Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định sơ bộ về việc điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam.
DOC sẽ áp dụng mức thuế từ 0 đến 2,39 USD/kg đối với cá tra phi lê nhập khẩu từ Việt Nam trong đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10), từ tháng 8-2012 đến tháng 7-2013.
Theo quyết định của DOC, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%. Mức thuế suất áp dụng cho Công ty Hùng Vương (HVG) và 23 công ty khác giảm mạnh từ 1,2 USD/kg xuống còn 0,58 USD/kg. Trong khi đó Công ty Việt An (AnviFish - AVF) là công ty duy nhất bị áp mức thuế rất cao là 2,39 USD/kg do cung cấp thông tin cho DOC không đúng thời hạn và thiếu cụ thể. Mức thuế suất toàn quốc từ 2,11 USD/kg cũng bị tăng lên 2,39 USD/kg.
Trao đổi với PLO, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết việc Công ty Vĩnh Hoàn được rút ra khỏi danh sách điều tra và áp thuế chống bán phá giá 0% là một thắng lợi lớn vì đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, mức thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam nói chung vẫn thiếu hợp lý. Việc DOC tiếp tục sử dụng Indonesia làm quốc gia thay thế trong quá trình tính toán biên độ phá giá là vô lý.
Quyết định sơ bộ về đợt rà soát hành chính lần thứ 10 sẽ chưa có hiệu lực thi hành cho tới khi quyết định cuối cùng được ban hành.
DOC đã đưa ra kết quả sơ bộ này khoảng 2 tháng sớm hơn quá trình thông thường. Nếu không có gia hạn gì thêm, thì dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được ban hành trong vòng 120 ngày sau ngày công bố kết quả sơ bộ. Cho nên, điều này có thể hiểu được là DOC có khả năng ban hành kết quả cuối cùng từ đầu hoặc giữa tháng 10-2014 hoặc tháng 11-2014. Khoảng thời gian này thời điểm quan trọng để Việt Nam tập trung vận động, đưa ra những số liệu và lập luận thuyết phục nhằm yêu cầu DOC đưa ra mức thuế công bằng và hợp lý đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản của Mỹ cũng đã phản đối kịch liệt về việc áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra, tôm nhập từ Việt Nam. Đặc biệt chương trình thanh tra cá da trơn gây tranh cãi tại Mỹ đã bị phần lớn bang Washington chỉ trích như là một sự lãng phí tiền bạc có thể làm cho Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) trong tình trạng nguy hiểm.
Theo tờ báo The New York Times cho biết 10 nước tham gia vòng đàm phán TPP trong đó có Việt Nam đã khiếu nại với Đại diện DOC rằng chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế. Chương trình thanh tra cá da trơn là một rào cản trong quá trình đàm phán TPP.
Chương trình thanh tra cá da trơn, nằm trong một bộ các quy định chi phối sản xuất thực phẩm tại Mỹ được gọi là Đạo Luật Nông nghiệp (Farm Bill), quy định Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thanh tra tất cả các sản phẩm cá da trơn nhập khẩu thay vì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) vẫn làm như trước đây. Việc chuyển nhiệm vụ thanh tra cá da trơn từ FDA sang USDA đã gây lãng phí lớn, ước tính tiêu tốn khoảng 20 triệu USD tiền thuế của người dân Mỹ, đã gây ra các phản đối từ các cơ quan giám sát tài chính, chính quyền Obama, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ và các chính trị gia cao cấp gồm có Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, R-Ariz.
Ông Gavin Gibbons, phát ngôn viên của Viện Thủy sản Quốc gia, cho biết chương trình thanh tra cá da trơn đang làm cho cả các ngành không phải thủy sản như các nhà xuất khẩu thịt lợn, thịt bò, ngũ cốc, đậu tương cũng phải chịu rủi ro.
Quang Huy
Pháp luật TPHCm
|