Không phải chỉ 72.000 cử nhân thất nghiệp, con số mới là 162.000
Số lượng người có bằng đại học nhưng vẫn thất nghiệp đang tăng nhanh, gấp đôi trong vòng 1 quý.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng đại học trở lên là 162.400 người. Như vậy, trong quí 1, lượng lao động có trình độ đại học thất nghiệp đã tăng thêm hơn 90.000 người, so với con số 72.000 người đến cuối quí 4 năm ngoái.
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam diễn ra sáng ngày 1-7 tại Hà Nội.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa kết thúc, các đại biểu đã lấy con số 72.000 sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm hay làm việc không phù hợp với ngành nghề đào tạo để chất vấn Bộ Giáo dục và đào tạo, xem Bộ có chính sách, biện pháp gì để giải quyết tình trạng này.
Có lẽ các đại biểu chưa biết lúc đó thực tế con số không còn dừng ở mức 72.000 người mà đã tăng hơn gấp đôi, lên trên 160.000 người.
Lao động trẻ và lao động có trình độ khó tìm việc
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc – Phó viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, quí 1-2014, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 145.800 người so với quí 4/2013, trong đó, thất nghiệp là nữ chiếm 47,2%.
Về tỉ lệ thất nghiệp, quí 1-2014 tỉ lệ thất nghiệp là 2,21%, tăng so với quí 4-2013 (1,9%) nhưng lại giảm nhẹ so với quí 1-2013 (2,27%).
Mặc dù 2,21% là một tỉ lệ thất nghiệp thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng theo ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức Lao động Thế giới tại Việt Nam (ILO), chất lượng việc làm và năng suất lao động có được ở Việt Nam lại ở mức rất thấp.
Hơn nữa, một điểm đáng chú ý là nhóm lao động có trình độ cao tiếp tục gặp khó khăn khi tìm việc làm. Trong quí 1-2014, có 162.400 người có trình độ từ đại học trở lên thất nghiệp, chiếm 4,14% tổng số người có trình độ này, tăng 4.300 người so với quí 3 - 2013; có 79.100 người có trình độ cao đẳng thất nghiệp (chiếm 6,81%), tăng 7.500 người so với quí 4 - 2013.
Bên cạnh thất nghiệp cao ở nhóm có trình độ đại học, cao đẳng, thất nghiệp thanh niên tiếp tục là vấn đề được các đại biểu tại hội thảo quan tâm. Trong quí 1-2014, cả nước có 504.700 thanh niên (nhóm từ 15-24 tuổi) bị thất nghiệp (chiếm 6,66%), tăng 54.400 người so với quí 4 - 2013 và tăng 17.000 người so với cùng kỳ năm 2013.
“Đặc biệt, có tới 21,2% thanh niên trong độ tuổi 20-24 có trình độ từ đại học trở lên bị thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị tiếp tục ở mức cao (12,3%); của nữ 7,86%, cao hơn hẳn của nam 5,66%, cho thấy nữ thanh niên gặp khó khăn hơn khi tìm việc làm.
Lương ở khu vực nhà nước cao nhất
Trong quí 1-2014, thu nhập trung bình mỗi tháng của lao động làm công ăn lương (ở khu vực chính thức) khoảng 4,8 triệu đồng/tháng gồm lương, thưởng, phụ cấp…, tăng 534.000 đồng so với quí 4-2013 do có các khoản thưởng tết.
Thu nhập bình quân tháng trong quí 4 - 2014 của nhóm lãnh đạo là cao nhất (8,2 triệu )đồng; tiếp đến là nhóm chuyên môn kỹ thuật bậc cao (6,9 triệu đồng); thấp nhất là nhóm lao động giản đơn 3 triệu đồng. Như vậy, chênh lệch giữa nhóm nghề có thu nhập cao nhất và thấp nhất là 2,8 lần.
Đặc biệt, mặc dù hưởng lương từ ngân sách, nơi thường được coi là có mức thu nhập thấp hơn so với khu vực tư nhân. Nhưng theo báo cáo này, thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nhà nước lại ở mức cao nhất, 6 triệu đồng/tháng, riêng doanh nghiệp nhà nước là hơn 6,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, khu vực cá thể có mức thu nhập thấp nhất, chỉ 3,2 triệu đồng/tháng và cũng là nhóm có mức tăng thấp nhất.
Nếu xét theo ngành thì thu nhập bình quân tháng trong quí 1/2014 của lao động các ngành tài chính, ngân hàng và kinh doanh bất động sản cao nhất (lần lượt là 8,1 và 7,6 triệu đồng) và đây cũng là ngành có mức tăng nhiều nhất so với quý trước. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân tháng trong quí 1-2014 của lao động nhóm ngành nông lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn thấp nhất, 3,2 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm ngành công nghiệp xây dựng là 4,5 triệu đồng và nhóm ngành dịch vụ là 5,4 triệu đồng.
Thuỳ Dung
tbktsg
|