80% người tiêu dùng ưa chuộng hàng dệt may Việt Nam
Ngày 3-7, Bộ Công Thương đã tổ chức tổng kết 5 năm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (từ năm 2009 đến năm 2014).
Hàng Việt chiếm 80-90% trong các siêu thị. Ảnh: Trần Việt.
|
Theo báo cáo do bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) trình bày, tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng... Trong báo cáo tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động do Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động tổ chức ngày 14-12-2012, đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.
Trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90%. Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%.
Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động cũng cho thấy, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới thị trường trong nước, công tác tổ chức hội chợ, triển lãm để đưa hàng Việt tới nhiều người tiêu dùng hơn còn hạn chế...
Trong công tác xúc tiến thương mại (XTTM) và mở rộng thị trường, từ tháng 7-2009 đến tháng 5-2014, Bộ Công Thương đã phê duyệt 618 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 375,75 tỷ đồng. Trong đó, có 356 đề án XTTM tập trung vào thị trường trong nước, miền núi, biên giới và hải đảo với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ lên 167,78 tỷ đồng. Các đề án này chủ yếu là các hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng và các hoạt động phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, tổ chức đua hàng Việt về nông thôn.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá, dù cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng đến mọi tầng lớp chính trị của cả nước nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những hạn chế. Ví dụ như, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú ý đến thị trường nội địa bởi muốn chinh phục thị trường nội địa phải mất nhiều thời gian, xây dựng hệ thống phân phối trong khi làm xuất khẩu thì không cần.
Trong thời gian tới, để cuộc vận động thành công hơn nữa, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước, đổi mới và chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Phan Thu
hải quan
|