Thứ Hai, 02/06/2014 15:24

Vốn Nhật ồ ạt thoát khỏi Trung Quốc

Đầu tư vào Trung Quốc của các công ty Nhật đang giảm mạnh và có thể tác động tới thỏa thuận tay ba thúc đẩy đầu tư giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời các nhà phân tích cho hay.

 

 Hình ảnh một cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản của người dân Trung Quốc.

Theo số liệu được công bố hồi cuối tháng 5 của Bộ Thương mại Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Trung Quốc chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm tới 46,8% so với cùng kỳ năm trước.

Với mức đầu tư này, Nhật Bản đã tụt xuống dưới cả Singapore và Hàn Quốc trong danh sách các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc.

Số liệu thống kê của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy, năm ngoái các công ty Nhật Bản chỉ đầu tư vào Trung Quốc có 9,09 tỷ USD, giảm mạnh tới 33% so với năm 2012. Mức đầu tư này chỉ chiếm 6,8% tổng mức đầu tư ngoài lãnh thổ của các công ty Nhật Bản trong năm 2013.

Ding Yibing, giáo sư trường kinh tế thuộc Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), nói rằng việc đầu tư giảm sút này trên thực tế đã trở thành một xu hướng trong vòng ba năm qua.

Trong khi đó, ông Li Tie, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại quốc tế Trung Quốc (ITAC) thì cho rằng, mức đầu tư bị tác động là do quan hệ Trung - Nhật đang xấu đi.

"Nhật Bản đang chuyển sang hữu khuynh và những tranh chấp liên quan tới quần đảo Điếu Ngư (phía Nhật Bản gọi là Senkaku - PV) đã khiến tình hình này trở nên tồi tệ hơn. Từ đó đã dẫn tới sự bất ổn định về đầu tư và giao dịch thương mại", ông Li nhận xét.

Các nhà đầu tư Nhật Bản từng bị hấp dẫn bởi quy mô thị trường cùng tiềm năng tăng trưởng của Trung Quốc. Nhưng nay, sự chuyển hướng sang các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hình thành, ông Minoru Arahata, giám đốc chi nhánh của JETRO tại thành phố Đại Liên (Trung Quốc) bình luận.

Theo những con số thống kê của tổ chức này, các công ty Nhật Bản đã đầu tư 22,8 tỷ USD vào Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong năm ngoái, cao gấp gần 3 lần so với mức đầu tư vào thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản.

Ông Arahata nói rằng, việc giá nhà đất và chi phí lao động đang tăng cao của Trung Quốc đã buộc các công ty Nhật chuyển hướng sang khai thác thị trường các quốc gia Đông Nam Á khác, nhưng nơi có giá lao động rẻ hơn nhiều.

Tuy nhiên, ông Masahito Tasuda, Giám đốc điều hành JETRO, lại cho rằng tình hình đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản đã cho thấy sự thay đổi về mặt cấu trúc, không phải chỉ bởi chi phi phí lao động ở Trung Quốc, mà còn bởi những bất hòa chính trị giữa hai nước.

Tân Hoa Xã cũng nêu một số quan điểm mong muốn "vãn hồi" tình hình.

Ông Li Tie cho rằng, Trung Quốc nên chú ý nhiều hơn tới việc bảo vệ bản quyền cũng như cung cấp hỗ trợ ưu tiên cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi Nhật Bản nên tái cấu trúc mô hình đầu tư để chuyển trọng tâm từ chi phí lao động và nguyên vật liệu sang thị trường và công nghệ.

Năm 2012, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận thúc đẩy và bảo vệ đầu tư giữa ba nước. Đây được xem như là công cụ pháp lý đầu tiên thúc đẩy và bảo vệ đầu tư ba bên, được coi là hòn đá tảng, đặt cơ sở cho việc hướng tới khu vực mậu dịch tự do (FTA). Thỏa thuận này đi vào hiệu lực từ hôm 17/5/2014.

Giới phân tích cho rằng, vừa ở gần nhau về vị trí địa lý, vừa có quy mô thương mại và giá trị mậu dịch lớn, nếu Trung - Nhật - Hàn ký FTA thì sẽ tác động lớn tới nỗ lực đẩy mạnh hợp tác kinh tế của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ba nước này chiếm 22% dân số, 19,6% GDP và 17,5% kim ngạch thương mại toàn cầu trong 2010.

Nhật Minh

vneconomy

Các tin tức khác

>   Nền kinh tế Hy Lạp chưa cần thêm gói cứu trợ thứ ba (02/06/2014)

>   Chi tiêu và lòng tin của người tiêu dùng Mỹ sụt giảm mạnh (01/06/2014)

>   Nga quan ngại việc thanh toán nợ khí đốt của Ukraine (01/06/2014)

>   IMF giải ngân khoản cứu trợ bị trì hoãn 1 năm cho Hy Lạp (31/05/2014)

>   Vàng chứng kiến tháng giảm sâu nhất năm 2014 (31/05/2014)

>   Lạm phát Nhật cao nhất trong hơn 20 năm (30/05/2014)

>   Kinh tế Mỹ lần đầu tiên trong 3 năm qua tăng trưởng âm (30/05/2014)

>   Nhật Bản: Tài sản ròng ở nước ngoài tăng lên mức cao kỷ lục (29/05/2014)

>   Nga lập liên minh kinh tế Âu - Á (29/05/2014)

>   Anh phản đối đề xuất tăng ngân sách cho hoạt động của EU (29/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật