VietinBank với sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn
Với dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn (NNNT) trên 72.000 tỷ đồng (tính đến hết 31/3/2014), Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank (CTG) đã và đang thực hiện tốt vai trò là “bà đỡ” cho tín dụng khu vực này.
Tín dụng ngân hàng – “Bà đỡ” cho phát triển NNNT
Theo thống kê năm 2013, có đến 2/3 dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn và đất nông nghiệp chiếm gần 80% tổng diện tích cả nước. Thời gian qua, mặc dù đã có sự di chuyển mạnh mẽ về dân cư và lao động từ nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp song trong tổng số 51,7 triệu lao động (năm 2013) vẫn còn tới gần 50% lao động làm việc trong khu vực nông lâm thuỷ sản. Những con số trên cho thấy NNNT tiếp tục là lĩnh vực quan trọng được Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển. Trong đó, tín dụng ngân hàng được coi là công cụ đặc biệt quan trọng.
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về chính sách tín dụng ngân hàng như Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg ngày 30/3/1999, Nghị định số 41/2010/NĐ-CP thay thế Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg. Những chính sách này ra đời đã làm dòng vốn tín dụng ngân hàng chảy vào khu vực NNNT được khơi thông, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, góp phần rất lớn vào sự phát triển của khu vực NNNT, nông dân, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và là địa bàn khẳng định lợi thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng khẳng định, năm 2014, NNNT vẫn là 1 trong 5 lĩnh vực ưu tiên và tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay; cơ chế lãi suất cho vay đối với lĩnh vực NNNT tiếp tục được điều chỉnh giảm và thấp hơn các lĩnh vực khác.
VietinBank đã dành trên 72.000 tỷ đồng cho vay khu vực NNNT
|
Cùng chung mục đích giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, đặc biệt là những chính sách về tín dụng mà NHNN đang phối hợp các bộ, ngành tích cực triển khai, tháng 5/2014, báo Nhân Dân phối hợp với NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao”. Là một trong những ngân hàng trụ cột của nền kinh tế, VietinBank đã đóng góp tham luận với chủ đề “Chính sách cho vay NNNT và kinh nghiệm về cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp” tại Hội thảo.
Mặc dù trong những năm trở lại đây, bối cảnh kinh tế ngày càng gặp nhiều khó khăn, được sự chỉ đạo và hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước, Chính phủ và NHNN, Vietinbank luôn dành những ưu đãi đặc biệt đối với ngành lương thực và nông sản thực phẩm. Năm 2013, tiếp tục thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Thông tư 14/TT-NHNN; Nghị quyết 01/NQ-CP; Nghị quyết 02/NQ-CP và Chỉ thị 01/CT-NHNN về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, khuyến khích tăng trưởng kinh tế khu vực NNNT và xuất khẩu, Vietinbank tiếp tục triển khai Chương trình cho vay NNNT, dành hàng chục nghìn tỷ đồng tài trợ với trên 11,5 nghìn khách hàng (bao gồm cả KHDN và cá nhân) với mức lãi suất cạnh tranh.
Tính đến hết 31/3/2014, dư nợ của chương trình cho vay NNNT là 72.615 tỷ đồng, chủ yếu là dư nợ ngắn hạn, chiếm tỷ trọng khoảng 20% so với dư nợ toàn hàng của Vietinbank. Điều này cho thấy nỗ lực của Vietinbank trong việc đẩy mạnh cho vay khu vực NNNT, trong đó chủ yếu tập trung cho vay thu mua các sản phẩm NNNT, phục vụ SXKD chế biến hàng xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng cho vay được đảm bảo, nợ xấu chỉ chiếm tỷ lệ 1,6% tổng dư nợ toàn chương trình.
Đồng hành cùng người nông dân
Riêng đối với lĩnh vực thu mua tạm trữ lúa gạo các vụ Đông Xuân và Hè Thu, Vietinbank rất tích cực triển khai Chương trình thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Hiệp hội Lương thực VN, tích cực hỗ trợ các thương nhân được phân bổ chỉ tiêu thu mua lúa gạo kịp thời với mức giá ưu đãi. Năm 2013, doanh số giải ngân đối với các Chương trình này là trên 2.700 tỷ đồng, trong đó: Doanh số giải ngân đối với Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2012-2013 là 1.501 tỷ đồng; Doanh số giải ngân đối với Chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ vụ Hè Thu 2013 là 1.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietinbank chú trọng phát triển các vùng vựa lúa, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước; góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Năm 2013, Vietinbank chính thức trở thành Hội viên liên kết của Hiệp hội lương thực VN. Đây là tiền đề quan trọng tạo sự gắn kết của Vietinbank với các thành viên, góp phần không nhỏ vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trong lĩnh vực NNNT tại khu vực này.
Không dừng lại ở các chương trình kể trên, VietinBank đã triển khai sản phẩm “Cho vay phát triển NNNT” với nhiều ưu đãi như: hạn mức cho vay tới 80% nhu cầu vốn; thời gian thủ tục đơn giản hóa; bà con nông dân được tư vấn bởi đội ngũ cán bộ nhiệt tình và chuyên nghiệp… Sản phẩm này đã hỗ trợ được nhiều nông dân, hộ gia đình phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đến hết 31/3/2014, dư nợ của sản phẩm đạt gần 9.000 tỷ đồng (chiếm 17% dư nợ khách hàng cá nhân).
Với mong muốn tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu của hệ thống, thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ và NHNN, Vietinbank cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiếp tục hiện thực hóa tiêu chí “Luôn đồng hành cùng người nông dân”.
lao động
|