Thứ Ba, 17/06/2014 13:46

Khi nhà băng vẫn tiếp tục thừa tiền

Nửa năm trôi qua, nhưng tăng trưởng tín dụng mới chỉ 1,31% so với cuối 2013. Nhiều ánh mắt đang dõi về Ngân hàng Nhà nước, nhưng mục tiêu 12% - 14% cứ trơ lì như một thách thức.

Thật ái ngại, bởi đây không còn là thời điểm để nhiều người chấp nhận lời giải thích, “tăng trưởng tín dụng thấp là do tính mùa vụ đầu năm…”.

Giữa lúc tín dụng mang gam màu xám xịt thì các chỉ số về thanh khoản, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại diễn biến theo xu hướng sáng sủa mà nếu nhìn kỹ, giống như sự trêu ngươi

Nước đã đến chân

Trong phiên họp báo cáo trước Chính phủ vào tháng 5/2014, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã phải thừa nhận một sự thật không mấy dễ chịu với nhà điều hành chính sách tiền tệ: “Năm tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành dao động từ 1,1% - 1,3%, cầu rất yếu, dù mặt bằng lãi suất cho vay tùy kỳ hạn giảm 0,5%/năm - 1%/năm”.

Cũng theo ông, lãi suất tiền vay không còn là sự trở ngại để doanh nghiệp tiếp cận vốn vì tỷ trọng tín dụng có lãi suất trên 13%/năm chỉ còn 13%, trên 15%/năm: 5%, nằm giữa 13%/năm – 15%/năm: 10%. Tính chung, tỷ trọng tín dụng có lãi suất dưới 10% chiếm tới 72%.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/5, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn ngành tính đến 23/5 nhích lên ở mức 1,31% so với cuối 2013. Do đó, 7 tháng còn lại của năm, mức tăng tín dụng phải đạt từ 10,69% - 12,69%.

Đó là áp lực không nhỏ vì phía sau mức tăng tín dụng nói trên còn là các chỉ số mục tiêu về tăng trưởng, việc làm mà Chính phủ đã hứa trước Quốc hội.

Giữa lúc tín dụng mang gam màu xám xịt thì các chỉ số về thanh khoản, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lại diễn biến theo xu hướng sáng sủa mà nếu nhìn kỹ, giống như sự trêu ngươi.

Cập nhật tình hình thị trường từ ngày 9/6 - 13/6 cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được đảm bảo, giao dịch vốn trên liên ngân hàng khá trầm lắng, cầu nhận nguồn hạn chế trong khi cung dồi dào.

Biểu hiện dễ thấy nhất là lãi suất đi ngang ở mức thấp: qua đêm đến 1 tuần: 1,8% - 2,3%/năm; 2 tuần đến 1 tháng: 2,5% - 3,2%/năm. Sự dư thừa vốn khả dụng khiến Ngân hàng Nhà nước phải gia tăng hút tiền qua kênh phát hành tín phiếu thêm 8 nghìn tỷ đồng, kể từ 9/6 - 13/6.

Còn ở thị trường 1, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn tiếp nối điệp khúc vượt trội so với tín dụng như từng diễn ra suốt từ đầu năm. Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày 23/5, huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng tới 4,2% nhưng tín dụng chỉ tăng 1,31% như nói trên.

Tuy nhiên, bức tranh thanh khoản và lãi suất VND không phải lúc nào cũng đẹp mà đã có những con sóng làm cơ quan quản lý toát mồ hôi và lý do ở đây, không loại trừ đến từ việc dư thừa thanh khoản. Cụ thể, trong tháng 5/2014, khi sự kiện biển Đông xảy ra, được cho là đã kích hoạt yếu tố tâm lý lên thị trường, làm cho tỷ giá tăng kịch trần biên độ.

Khá nhiều ngân hàng thương mại không thực hiện bán ngoại tệ về Ngân hàng Nhà nước, làm giảm lượng VND bơm ra thị trường từ phía Ngân hàng Nhà nước qua kênh này.

Cùng đó, bảo hiểm xã hội cũng điều chỉnh giảm số dư tiền gửi tại các ngân hàng thương mại khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng. Những yếu tố hỗ trợ nói trên đã làm cho lãi suất VND và tỷ giá biến động tăng trong ngắn hạn.

Mặt trái của thừa vốn

Theo nhận định của bản tin nghiên cứu thị trường của BIDV, kết thúc tháng 6/2014, thị trường tiền tệ vẫn tiếp tục ổn định, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng xoay quanh khoảng 1,5% - 3,0%/năm đối với kỳ hạn qua đêm đến 1 tuần.

Những yếu tố gây biến động trong tháng 5 chỉ có tính chất ngắn hạn, không còn duy trì trong tháng 6 và thay vào đó là những yếu tố hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Cụ thể, tín dụng tăng nhưng với tốc độ chậm chạm, dự kiến ở mức 0,8%.

Và mặc dù, Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CSTT-TTg với rất nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng do nhu cầu vốn của doanh nghiệp quá thấp, thêm vào đó, ngân hàng lo nợ xấu nên dâng hàng rào kỹ thuật hạn chế tiếp cận vốn. Thế nên, tín dụng khó tăng trưởng như mong muốn. Do đó, mức tăng trưởng tín dụng qua 6 tháng đầu năm dự kiến chỉ có thể ở mức 2,1% và phía trước là cả “ngọn núi” nếu muốn cán đích 12% - 14%.

Ở góc độ kinh doanh, trầm luân trong xu hướng cầu tín dụng đình trệ một thời gian dài, các ngân hàng thực sự đang trong những ngày bĩ cực. Một mặt, kiếm được đồng nào, họ phải trích lập dự phòng rủi ro cao để xử lý nợ xấu. Đối với những ngân hàng đã bán nợ xấu cho VAMC, họ phải trích lập mỗi năm 20% so với tổng giá trị khoản nợ đã bán, chưa kể phần trích lập dự phòng như thông lệ.

Giải pháp tiếp theo là họ tìm mọi cách đẩy tín dụng ra. Trong lúc các chương trình tín dụng cho “ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp”, “cho vay theo chuỗi” và gần đây là “đánh bắt xa bờ”… chủ yếu mới đang “khua chiêng gõ kẻng” thì các ngân hàng đã phải tự lo lấy thân.

Ngày 11/6 vừa qua, 8 ngân hàng thương mại gồm BIDV, SHB, LienVietPostbank, Agribank, VietinBank, Vietcombank, VNCB, MHB tung ra 4 chuỗi liên kết trong lĩnh vực xây dựng và giao thông với tổng mức đầu tư 7.778 tỷ đồng; trong đó, các ngân hàng cam kết hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp trong chuỗi với tổng số tiền 6.149 tỷ đồng.

Cũng do dư thừa vốn, có ngân hàng như LienVietPostbank gần như cho không lãi suất trong thời gian đầu giải ngân.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực ngân hàng này nói: “Những ai là cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được vay tiêu dùng, mua nhà, sửa nhà, mua ôtô. Họ được quyền lựa chọn hình thức trả gốc, lãi. Lãi suất trong 2 tháng đầu tiên là 0%/năm, những tháng tiếp theo 6,5%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 9%/năm trong 1 năm đầu…”.

Theo một báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thời gian tới, thị trường tiền tệ tiếp tục diễn biến tích cực. Một chỉ số tích cực mà cơ quan này đưa là 4 tháng đầu năm, thanh khoản tiền đồng tốt đến nỗi mà tỷ lệ cho vay/tiền gửi đã giảm từ mức 82,4% ở thời điểm cuối 2013 xuống còn 79,9% vào cuối tháng 4/2014.

Và, cùng với thời gian đó, thanh khoản ngoại tệ lại đang chịu áp lực, khi mà tiền gửi ngoại tệ giảm 9,1% nhưng cho vay ngoại tệ tăng 7,2% so với đầu năm; đưa tỷ lệ tiền gửi/cho vay ngoại tệ tăng từ mức 84,3% vào cuối 2013 lên 99,5% vào cuối tháng 4/2014.

Nói một cách khác, khi mà tín dụng VND không tăng trưởng như mục tiêu, thì mặt trái của dư thừa vốn khả dụng VND sẽ lộ rõ: các ngân hàng sẽ nhòm ngó sang thị trường vàng, ngoại tệ mỗi khi có cơ hội tạo sóng, và bài học “sự kiện biển Đông” vừa qua là một ví dụ.

Nguyễn Hoài

vneconomy

Các tin tức khác

>   Con trai đại gia Diệu Hiền làm Chủ tịch Quỹ tín dụng Hậu Giang (17/06/2014)

>   Ngân hàng lo tìm cửa ra cho tín dụng (16/06/2014)

>   Giá bán USD lại lên kịch trần (16/06/2014)

>   Ts Nguyễn Trí Hiếu: “Đây là thời điểm thuận lợi để bỏ trần lãi suất huy động” (16/06/2014)

>   VIB thu tàu biển Saigon Princess để đảm bảo khoản vay (16/06/2014)

>   Chân dung thế hệ banker trẻ nhất Việt Nam (18/06/2014)

>   Nộp - rút tiền mặt bị tính phí: Hiệu ứng ngược (16/06/2014)

>   Thống đốc có đột phá gì hạn chế sở hữu chéo? (16/06/2014)

>   Xử lý nợ xấu vẫn vướng về mua bán nợ, xử lý tài sản đảm bảo (15/06/2014)

>   Dự thảo Thông tư về việc cấp giấy phép và tổ chức hoạt động của ngân hàng thương mại (15/06/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật