Vào mùa xây dựng nhưng thị trường vật liệu vẫn chưa “nóng”
Mặc dù đã bước vào mùa xây dựng, nhưng từ nhiều tháng nay, sức tiêu thụ mặt hàng vật liệu xây dựng vẫn chưa thực sự khởi sắc. Nhiều đại lý vật liệu xây dựng đều cho rằng, hiện sức tiêu thụ của mặt hàng này không tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Sức mua còn yếu
Qua khảo sát tại các đại lý, cửa hàng vật liệu xây dựng ở Hà Nội trên đường Hoàng Quốc Việt, Đê La Thành, Minh Khai, Thanh Nhàn…, lượng khách đến mua hàng không lớn. Một số loại vật liệu như sắt, thép, ximăng,… đã tăng giá.
Theo hầu hết các đại lý bán vật liệu xây dựng, giá cả một số loại vật liệu tăng cao khiến các hộ cá nhân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa phải đắn đo, lo lắng vì chi phí rất có thể sẽ vượt mức dự tính ban đầu. Bên cạnh đó, cùng với việc thị trường vẫn chưa thực sự vào mùa cao điểm xây dựng đã khiến sức mua của thị trường không mạnh như mong đợi.
Chị Nguyễn Ngọc Anh, đại diện cửa hàng sắt thép xây dựng Thủy Thu (phố Đê La Thành) cho biết, bước vào mùa xây dựng năm nay, giá sắt thép đã tăng khoảng từ 5-10% tùy loại do ảnh hưởng của chi phí vận chuyển và việc lưu kho bãi. Nhìn chung, lượng khách mua hàng vẫn thấp, chỉ tăng nhẹ từ 5-10% so với thời gian đầu năm.
Theo anh Trần Đức Long, đại diện Showroom gạch ốp lát Phú Quang, hiện nay lượng cầu vẫn chưa thực sự có đột biến nhiều, trong khi giá bán vẫn phải tăng do chi phí đầu vào. Song nếu so với thời điểm năm 2012 và 2013, thị trường hiện tại cũng đã khả quan hơn. Trong khi các mặt hàng như sắt, thép, gạch... vẫn chưa có nhiều khởi sắc thì ximăng lại đang có được sức tiêu thụ tốt hơn.
Theo hầu hết các đại lý ximăng tại phố Thanh Nhàn, ước tính sức mua ximăng năm nay đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Trong một vài tháng tới, khi chính thức bước vào mùa xây dựng, thị trường sẽ có chuyển biến tốt hơn. Hiện các công trình dân dụng và công cộng cũng đã bắt đầu được lên kế hoạch và chuẩn bị triển khai nhiều hơn. Tại các đại lý sắt thép, ximăng, giá sắt tròn phi 6 và phi 8 hiện là 14,7 đến 15,4 triệu đồng/tấn, thép xây dựng hiện ở mức 14,7 đến 15 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 10% so với đầu năm.
Mặt hàng ximăng cũng có mức tăng giá tương tự. Cụ thể, ximăng Hà Tiên có giá từ 72.000 đến 90.000 đồng/bao; ximăng Hạ Long-Nghi Sơn-Thăng Long có giá 70.000 đồng/bao, tùy theo mác và thương hiệu…
Giá cả vật liệu tăng đã khiến nhiều người lo ngại về mức đội giá ngoài dự tính khi xây dựng. Anh Nguyễn Anh Tú (Thanh Lương-Hà Nội) cho hay, gia đình đã lên kế hoạch xây nhà từ sau Tết, nhưng với mức tăng giá vật liệu như hiện nay, rất có thể sẽ phải tính toàn lại kinh phí xây dựng trong thời gian tới, hoặc chờ tới mùa mưa-giá giảm để thực hiện xây dựng.
Các đại lý vật liệu xây dựng đều nhận định, do tác động của chi phí đầu vào (xăng, điện, than) nên giá vật liệu xây dựng trong tháng tới sẽ có thể tiếp tục tăng nhẹ, song cũng hy vọng, sắp tới bước vào mùa mưa, giá cả có thể sẽ giảm và thị trường sẽ phần nào khởi sắc hơn.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, các loại vật liệu xây dựng như sắt, thép, gạch ốp... nhìn chung sức mua đều đã có những chuyển biến hơn, tăng nhẹ so với một vài năm trước, song vẫn chỉ giữ được mức tiêu thụ từ 30-50% so với công suất sản xuất. Cá biệt có ximăng đã có mức tiêu thụ tốt hơn cả và vẫn giữ được khoảng 80% công suất thiết kế nhờ thực hiện đẩy mạnh xuất khẩu.
Phân tích sâu hơn, ông Huynh cho rằng, các mặt hàng vật liệu trong nước vẫn phải đối mặt với việc thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, trong khi giá vật liệu phải tăng do chi phí đầu vào cao. Điều này phần nào khiến việc tiêu thụ của mặt hàng này không cao khi bước vào mùa xây dựng.
Ông Nguyễn Thế Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn, đơn vị sản xuất gạch ốp lát, gạch xây dựng cho biết, trong thời điểm hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tiêu thụ vẫn còn ở mức thấp do thị trường bất động sản chưa thể chuyển biến. Trong khi đó, những chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận chuyển... đều tăng.
Trong thời gian tới đây, việc tiêu thụ vật liệu xây dựng cũng chưa thể có chuyển biến tốt ngay được. Để trải qua khó khăn thì bản thân doanh nghiệp phải tái cấu trúc cùng với hợp lý hóa sản xuất, cải tiến máy móc thiết bị.
Đồng quan điểm trên, đại diện Công ty thép Việt-Úc cho rằng, bất động sản chưa được phá băng gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiêu thụ thép. Bên cạnh đó, một vấn đề khác được các doanh nghiệp kiến nghị nhiều trong những năm qua là làm sao để hạn chế gian lận thương mại, nhập khẩu thép chứa nguyên tố Bo để trốn thuế. Lượng thép nhập khẩu chứa nguyên tố Bo ước tính chiếm trên 10% lượng thép tiêu thụ ở Việt Nam và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu dùng thép trong nước.
Các giải pháp để ngăn chặn việc lách luật này đến nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Và các doanh nghiệp vẫn phải tự cứu lấy chính mình bằng việc tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Năm nay vẫn được đánh giá là một năm đầy khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng. Việc cắt giảm công suất hay giảm nhân lực chỉ là giải pháp tình thế trước mắt. Về lâu dài, theo ông Huynh, các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào việc tìm đường xuất khẩu cho các sản phẩm của mình.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp để cứu thị trường bất động sản, cũng là cứu doanh nghiệp vật liệu xây dựng; giúp các doanh nghiệp vừa kích cầu, giảm cung và có cơ hội tiếp cận thị trường./.
Đức Dũng - Huyền Trang
vietnam+
|